![]() | Nhu cầu về trang thiết bị y tế là rất lớn |
![]() | TP.HCM: DN mới thành lập ở nhóm ngành y tế tăng cao |
Trong đợt điều chỉnh này, đáng chú ý là giảm giá 70 dịch vụ, gồm: 6 giá khám bệnh (của 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã), bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh (của 5 hạng bệnh viện và các loại giường), bình quân giảm 6%; 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%. Bên cạnh đó, thông tư điều chỉnh tăng 9 dịch vụ, gồm: 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5%; 2 dịch vụ xét nghiệm.
![]() |
Ảnh minh họa |
Nói về tác động của điều chỉnh giá dịch vụ lần này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, việc này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế đến năm 2020, trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế. Về phía người bệnh, giá dịch vụ giảm nên phần đông chi trả của người bệnh giảm, việc điều chỉnh cũng làm tăng quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, theo nhận định của người trong cuộc - ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang – thì tác động của Thông tư này với mục đích giảm chi phí đối với người bệnh khám theo chế độ bảo hiểm y tế là không cao. “Thông tư 15 có hiệu lực thì bệnh nhân được lợi một chút, nhưng không cao. Chẳng hạn, khi bệnh nhân khám theo thẻ bảo hiểm thì phía bảo hiểm đã chi trả 90%, người bệnh chỉ trả 10%. Nên nếu giá dịch vụ giảm thì chỉ giảm theo tỷ lệ trong 10% đó”, ông Thường nói.
Ở chiều hướng khác, thì tác động của Thông tư đến các bệnh viện là rộng và lớn, theo cả phía cơ sở khám chữa bệnh và chi phí.
Sau khi có Thông tư 15, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiến hành rà soát tất cả các dịch vụ khám chữa bệnh và xác định có khoảng 1.400 dịch vụ kỹ thuật giảm giá, tỷ lệ giảm khoảng 17%; khoảng hơn 200 dịch vụ tăng giá, tỷ lệ tăng 3%. “Chúng tôi tính toán, khi áp dụng Thông tư 15, bình quân mỗi tháng tiền thu từ thủ thuật, dịch vụ giảm khoảng 408 triệu đồng, một năm giảm thu khoảng 5 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ”, ông Thường chia sẻ.
Theo lãnh đạo nhiều bệnh viện, trong bối cảnh các cơ sở y tế đang phải thực hiện lộ trình tự chủ tài chính thì việc điều chỉnh Thông tư 15 này sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn. Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC (Thông tư 15 thay thế Thông tư này) ra đời tuy đã tăng giá dịch vụ rất cao nhưng sự thật vẫn chưa tính đủ giá thành khám chữa bệnh.
“Bây giờ, tiếp tục giảm giá dịch vụ thì đương nhiên càng không đủ”, Giám đốc một bệnh viện cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thường chia sẻ, đa số các cơ sở khám chữa bệnh sẽ bị tác động mạnh đến tình hình tài chính khi áp dụng Thông tư 15, nhưng đều xác định tự chủ tài chính là hướng đi tất yếu. Vì thế, việc chủ động điều tiết thu, chi, cắt giảm chi phí… đã được lãnh đạo các đơn vị đặt ra từ đầu năm.
Bắt đầu từ 1/1/2018, Bệnh viện Đa Khoa Đức Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo tự chủ, tiến hành rà soát tất cả các danh mục kỹ thuật để phân loại các danh mục thành các nhóm không đảm bảo an toàn tài chính và đảm bảo an toàn tài chính.
Trong danh mục không an toàn tài chính thì chia làm 2 nhóm: nhóm thiết yếu bắt buộc phải làm như cấp cứu bệnh nhân tim; và nhóm làm thương hiệu. Đồng thời, bệnh viện đẩy mạnh việc triển khai thực hiện xã hội hoá, triển khai các kỹ thuật cao, rà soát các dịch vụ để tăng nguồn thu. Nhóm không đảm bảo tài chính và không thuộc 2 nhóm trên thì bệnh viện phải xem xét. Đối với nhóm đảm bảo an toàn tài chính thì bệnh viện phải rà soát làm sao triển khai thực hiện đảm bảo nguồn thu.
Nhưng quan trọng hơn cả là cần phải tiết kiệm, sử dụng thuốc hợp lý. Theo tính toán của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, vật tư tiêu hao và thuốc chiếm khoảng hơn 2/3 tổng quỹ bảo hiểm chi cho bệnh viện. Năm 2017, Quỹ Bảo hiểm chi cho Bệnh viện 230 tỷ đồng thì riêng thuốc và vật tư tiêu hao chiếm hơn 140 tỷ đồng.
Tại nhiều bệnh viện khác, tỷ lệ thuốc biệt dược trên tổng số thuốc điều trị hiện nay rất cao. Có những bệnh viện sử dụng 60-70% thuốc biệt dược. “Vì thuốc biệt dược là thuốc độc quyền nên giá rất đắt. Nhưng, chất lượng điều trị có hơn hẳn không? Về nguyên tắc, một số nhóm bệnh cần thiết sử dụng biệt dược, nhưng nhiều bệnh cũng không cần. Nếu giảm tỷ lệ thuốc biệt dược, giảm hao phí thì chi phí sẽ giảm cho một ca điều trị”, ông Nguyễn Văn Thường cho hay.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Bộ Y tế sẽ có chỉ đạo các bệnh viện tăng cường tiết kiệm chi phí để nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời đối với các chi phí để bảo đảm hoạt động thường xuyên của đơn vị. Nếu nguồn thu không bảo đảm thì đơn vị được ngân sách bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành. Đồng thời, các bệnh viện thường xuyên quá tải phải báo cáo UBND cấp tỉnh để tăng giường bệnh, số lượng người làm việc; thực hiện chuyển người bệnh sang các cơ sở y tế khác (quá khả năng chuyên môn phải chuyển tuyến trên, nếu đỡ phải chuyển tuyến dưới theo dõi, điều trị, hoặc chuyển các cơ sở khác chưa sử dụng hết công suất). Chỉ trong các trường hợp thực sự quá tải mới được kê thêm giường để không nằm ghép. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dieu-chinh-gia-dich-vu-y-te-nguoi-benh-loi-it-benh-vien-thiet-nhieu-78084.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.