Kỷ niệm 50 năm đoàn cán bộ Ngân hàng đi chiến trường B (1968- 2018)

Ngân tín Phú Yên

Có thể nói, những cán bộ ngân hàng đi B đã không ngừng nâng cao chất lượng quản lý, hạn chế tổn thất, giữ vững và ổn định nguồn lực tài chính quan trọng góp phần đáng kể vào sự nghiệp cách mạng giải  phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy đầu năm Mậu Thân 1968, ngành Ngân hàng đã huy động một lực lượng lớn cán bộ chi viện cho miền Nam (đi B). Tôi vinh dự được chọn đi đợt ấy. Sau mấy ngày ngắn ngủi tạm biệt gia đình, tôi và đoàn cán bộ ngân hàng các tỉnh miền Bắc lên đường về điểm tập kết.

Tôi vui mừng gặp lại nhiều anh em, đồng chí sinh ra và lớn lên trên quê hương Phú Yên tập kết ra Bắc, được học hành và chuyển sang ngành Ngân hàng nay lại được cùng nhau trở về góp phần giải phóng quê hương.

Ngân tín Phú Yên
Những cán bộ ngân hàng B68 lại lội suối, trèo đèo, vượt dốc

Mỗi tỉnh được biên chế thành một đoàn. Đoàn Phú Yên của chúng tôi có 8 người. Vào đến Khu 5, lúc đó do điều kiện chung của chiến trường, các trạm không đủ gạo để cấp, bữa ăn của mỗi người ngoài một ít gạo, một ít sắn khô, còn phải nhờ vào măng, bắp chuối, rau tàu bay, một mẻ bắp rang, một nồi sắn luộc chia nhau cũng làm chúng tôi vui lên.

Cuối tháng 10 năm 1968, đoàn chúng tôi về đến Phước Tân, một huyện miền núi của tỉnh Phú Yên. Kết thúc một chặng đường đầy khó khăn, gian khổ để được về với quê hương cùng đồng bào đồng chí bước vào trận chiến đấu mới, thực hiện nhiệm vụ mà ngành Ngân hàng giao.

Ngân hàng Trung ương tổ chức hệ thống Ngân tín ở hầu hết các tỉnh phía Nam. Ngân tín Phú Yên cũng được thành lập vào thời điểm này. Nhiệm vụ xuyên suốt của ngân tín là tập trung khai thác các nguồn thu từ nguồn động viên, lạc quyên, vay của dân, chiến lợi phẩm và nguồn thu lớn nhất là tiền chi viện từ Ngân tín Khu 5.

Số tiền này chủ yếu là đồng đô la (A), trung chuyển qua Ngân Tín tỉnh Gia Lai nhằm đảm bảo các nhu cầu chi của tỉnh như: chi mua lương thực, mua hàng nhu yếu phẩm, chi cho bộ đội chủ lực khu, thanh niên xung phong, lực lượng an ninh, bộ đội địa phương, chi cho vay để sản xuất ở những vùng mới được giải phóng, ngoài ra còn được Ngân tín Khu 5 giao nhiệm vụ là đảm bảo chi viện bằng đồng Sài Gòn (Z), đáp ứng phần lớn nhu cầu chi tiêu của 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, do bạn không thể khai thác được theo kế hoạch.

Để đảm bảo một lượng tiền ngày một tăng, đáp ứng cho các nhiệm vụ lúc bấy giờ, những cán bộ ngân hàng đã không ngại hy sinh gian khổ, tìm mọi cách để tổ chức một đường dây cơ sở nắm tỷ giá giữa đồng A và đồng Z từ những thành phố lớn để ngân tín khu quyết định giá chuẩn cho từng tỉnh trong khu vực.

Để có được đồng Z từ đồng A, mỗi cán bộ ngân hàng chỉ được quan hệ với một số cơ sở nhất định trên nguyên tắc việc ai người ấy biết theo một cơ chế đã được quy định. Phương thức là cơ sở tập trung Z từ vùng địch kiểm soát, chuyển hợp pháp ra vùng giáp ranh bằng nhiều đường và nhiều cách khác nhau, làm thủ tục giao Z nhận A từ những cán bộ ngân tín đã được phân công.

Ngân tín Phú Yên
Nguyên Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Ngọt và Nguyễn Thị Kim Phụng với các cán bộ ngân hàng B68

Trong những thời điểm bị địch phong toả, những cán bộ ngân tín trở thành những chiến sĩ tiền phương, không ngại hy sinh gian khổ, mở đường vào tận xóm làng vùng bị địch kiểm soát, gặp từng cơ sở thu gom tiền, đưa ra vùng giáp ranh chuyển về căn cứ.

Việc nhận đồng A chuyển đổi ra đồng Z đã vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng việc cất giữ và bảo quản tiền lại càng công phu, phức tạp và khó khăn gấp bội. Công tác bảo quản tiền được giao cho ba người là Trưởng tiểu ban, cán bộ kế toán và thủ kho nhằm đảm bảo an toàn, bí mật không để địch phát hiện trong những trận càn, vừa bảo đảm tài sản trong những tình huống xấu nhất không may có thể một trong các cán bộ quản lý kho tiền hy sinh.

Hệ thống kho tiền Ngân tín Phú Yên được phân ra 2 vùng kho, nằm cách nhau 8 giờ đi bộ. Kho dự trữ gọi là kho A nằm sâu trong vùng căn cứ. Kho sử dụng hàng ngày gọi là kho B. Kho A có một phụ kho, có mở sổ thăm kho cho từng vùng kho và quy định 3 ngày thủ kho phải thăm kho 1 lần.

Đây là một chế độ quy định nghiêm ngặt nhằm kịp thời phát hiện những hiện tượng bất thường có thể dẫn đến nguy cơ mất mát tài sản, nhất là phát hiện mối xông, bởi kho tiền luôn nằm yên dưới mặt đất, phương tiện cất giữ tiền là những ống đạn pháo, thùng đựng đạn đại liên của địch bỏ lại sau những trận càn.

Về nguyên tắc thùng có hay không có tiền, đều chôn ở một vị trí được đánh dấu trên địa hình phù hợp với sổ theo dõi chi tiết cho từng ống, từng thùng đựng tiền. Đây là một cơ chế quản lý mà những cán bộ ngân hàng đi B trước đây đã thực hiện ở các ngân hàng miền Bắc, được ứng dụng trong công tác quản lý kho tiền ở chiến trường.

Có thể nói, những cán bộ ngân hàng đi B đã không ngừng nâng cao chất lượng quản lý, hạn chế tổn thất, giữ vững và ổn định nguồn lực tài chính quan trọng góp phần đáng kể vào sự nghiệp cách mạng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ngan-tin-phu-yen-78080.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.