70 năm qua, lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác vẫn hiện hữu, lan tỏa, vẹn nguyên giá trị và được các thế hệ sau vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn lịch sử. Các phong trào thi đua đã động viên nhân dân cả nước vượt qua gian nan, thử thách và trở thành động lực to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
![]() |
Từ ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là Ngày Thi đua yêu nước. Đây là dịp để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với việc triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” vừa được tổ chức tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng, phát động các phong trào thi đua yêu nước mà chính Người là tấm gương mẫu mực, là nguồn cổ vũ lớn lao cho các phong trào thi đua yêu nước. Lời kêu gọi thi đua ái quốc nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước nói chung đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có sức sống mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm về thi đua yêu nước đã được kết tinh trong suốt 70 năm qua, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến thực sự và đổi mới mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, dựa trên quan điểm lấy dân làm gốc, đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, các phong trào thi đua nở rộ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong phát triển kinh tế, tiêu biểu là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Công nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo”… đã góp phần cùng đất nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. Từ năm 2010, Việt Nam chính thức vượt qua đói nghèo, vươn lên là nước có thu nhập trung bình và trở thành nước đang phát triển. Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, nhiều điển hình tập thể, cá nhân, tổ chức xuất hiện và ngày càng được nhân rộng, lan tỏa trong các phong trào thi đua yêu nước. Tổng kết công tác thi đua khen thưởng 70 năm qua, Đảng, Nhà nước đã truy tặng, phong tặng 7.814 tập thể và trên 9.300 cá nhân danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 1.332 tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, vinh danh gần 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng thưởng hàng trăm ngàn huân chương, huy chương, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc và tuyên dương, biểu dương hàng triệu điển hình tiên tiến tiêu biểu trong cả nước.
Theo PGS-TS. Đào Duy Quát, bản chất của thi đua ái quốc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa vận mệnh quốc gia, dân tộc và thi đua khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Như vậy, bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân và hành động yêu nước, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, yêu công việc cách mạng, thực hiện tốt công việc hàng ngày.
Trong những năm gần đây, phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang trở thành hành động tự giác của mỗi người. Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Lý luận, Ban Tuyên giáo Trung ương cho hay, hơn 15 năm qua, chúng ta đã kiên trì, quyết tâm và quyết liệt trong đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cho đến nay, có thể nói việc học và làm theo Bác đã dần đi vào nề nếp, dần trở thành ý thức tự giác của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đại diện thế hệ trẻ, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khẳng định lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc là một ngọn lửa luôn rực cháy trong trái tim mỗi thanh niên Việt Nam. Từ lòng yêu nước, tôn kính đối với Bác, thế hệ trẻ và thanh niên Việt Nam luôn suy nghĩ sẽ ra sức cống hiến tài năng, sức trẻ, sẵn sàng dấn thân phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tại Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác vừa tổ chức tháng 5/2018, đã có 336 thanh niên là những tấm gương bình dị, học và làm theo Bác từ những việc cụ thể hàng ngày, không quản vất vả, khó khăn, sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu để cống hiến đã được vinh danh.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/vang-vong-mai-loi-hieu-trieu-thi-dua-yeu-nuoc-cua-bac-ho-76596.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.