![]() | Hóa giải bài toán khó cho phim thiếu nhi |
![]() | Thị trường sách thiếu nhi: “Hàng nội” thất thế |
Sôi động
Đó là thực tế dễ nhận thấy ở sân khấu kịch thiếu nhi trong khoảng thời gian này. Bởi lẽ, nhiều đơn vị, nhà hát ở nước ta đã và đang giới thiệu đến khán giả nhí nhiều tác phẩm sân khấu đặc sắc. Tại Hà Nội, dịp hè 2018, các em nhỏ sẽ được thưởng thức nhiều vở diễn chất lượng do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, biểu diễn.
![]() |
Vở nhạc kịch Chuyện chàng dũng sĩ do NSND Anh Tú đạo diễn ra mắt các em nhỏ dịp hè 2018 |
Trong đó phải kể tới vở Nàng tiên cá đã được phóng tác mới mẻ, hấp dẫn, gần gũi với đời sống hiện đại với các em nhỏ nhưng vẫn giữ được các yếu tố thần thoại, giàu tính tưởng tượng của cốt truyện gốc của đại văn hào Andersen. Nàng tiên cá gồm các tiết mục ca, múa, nhạc, kịch đặc sắc kết hợp với sân khấu công nghệ 5D chìm dưới nước biển vừa mới lạ vừa độc đáo.
Bên cạnh đó, vở kịch Căn bếp đại chiến là câu chuyện về cuộc đối đầu giữa những con chuột ranh ma do chuộc cống cầm đầu và chú mèo. Và sự xuất hiện của chú mèo trong căn bếp, khi đánh thắng lũ chuột bằng lòng dũng cảm, mưu trí đã truyền đi thông điệp lòng dũng cảm, trí thông minh tới các khán giả nhí.
Trong khi đó, vở nhạc kịch Chuyện chàng dũng sĩ do NSND Anh Tú (Nhà hát Kịch Việt Nam) đạo diễn cũng đến với các em nhỏ dịp hè này tại Thủ đô Hà Nội. Chuyện chàng dũng sĩ được phóng tác và dàn dựng từ sử thi Đam San của dân tộc Ê Đê (Tây Nguyên).
Trong vở diễn này, Chuyện chàng dũng sĩ với những màn diễn mới lạ, hấp dẫn như: nhảy múa, đấu võ giữa Đam San với Tù trưởng Sắt và Tù Trưởng Quạ được lồng ghép với những ca khúc gần gũi với các em thiếu nhi và mang tính giáo dục sâu sắc sẽ giúp các em nhỏ thấy được hình ảnh chàng dũng sĩ Đam San trở thành hình ảnh biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm bảo vệ con người của dân tộc và cộng đồng.
Nhà hát Múa rối Việt Nam lại ra mắt vở rối mới Đi phượt cùng bà lão đánh cá do NSND Nguyễn Tiến Dũng đạo diễn, phóng tác từ câu chuyện cổ tích quen thuộc “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Qua vở rối, câu chuyện mang đến thông điệp về tình yêu gia đình, thiên nhiên, sự gắn bó thủy chung giữa con người tới người xem.
Ngoài ra, tại TP.Hồ Chí Minh, khán giả nhí sẽ được thưởng thức chương trình Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp... của sân khấu kịch IDECAF. Chương trình sân khấu Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp... dựa trên câu chuyện cổ tích có sẵn nhưng được biến tấu với hàng loạt những tình huống dở khóc dở cười của các tên cướp cùng với cây đèn thần trôi dạt từ Ấn Độ đến Ba Tư. Đó còn là hành trình mà Alibaba lấy lại những thứ người dân đã bị cướp để trả lại cho dân.
Qua đó, khán giả nhí có thể học được sự dũng cảm, tính đấu tranh và lòng nhân ái. Hoặc sân khấu Hồng Hạc ra mắt vở diễn Thiên thần nhỏ của tôi do đạo diễn Lan Phương và biên kịch Việt Linh chuyển thể từ một tiểu thuyết văn chương cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Câu chuyện nhẹ nhàng sẽ chạm đến trái tim khán giả qua nét diễn hồn nhiên của các diễn viên nhí.
Nhưng còn nhiều trăn trở
Trên thực tế, không chỉ năm nay mà trước đó, mùa hè là mùa sân khấu kịch thiếu nhi “trăm hoa đua nở”, đem đến cho khán giả nhí nhiều vở diễn ấn tượng có tính giáo dục và nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở sân khấu kịch thiếu nhi chính là việc chạy theo “mùa vụ” và không có nhiều kịch bản mới. Một số vở diễn kể trên núp dưới những cái tên rất mới, nhưng nội dung vẫn bám vào câu chuyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng, Nàng Tiên cá…
Hoặc một số vở diễn lâu nay thường lựa chọn phát triển ý tưởng trên các nhân vật hoạt hình nổi tiếng thế giới như Gấu trúc Panda, Elsa và Anna để “câu” khán giả nhí.
Nhiều nghệ sĩ làm kịch thiếu nhi thừa nhận, một vở kịch thiếu nhi được đầu tư khá lớn về thời gian lẫn kinh phí, thế nhưng doanh thu lại không cao như với các thể loại kịch khác. Doanh thu thấp, vì thế chi phí cho viết kịch bản, diễn viên cũng không cao, chưa kể đến việc đầu tư sân khấu cho thiếu nhi phải bắt mắt, hấp dẫn.
Đặc biệt là vấn đề kịch bản, làm sao những thông điệp truyền tải đến các em không khô cứng, giáo điều mà vẫn hấp dẫn, ngôn ngữ đầy yêu thương và thấu hiểu. Chính vì thiếu kịch bản hay, kinh phí còn hạn hẹp nên một số vở diễn cho các em nhỏ đi vào lối mòn, không tạo được ấn tượng và các em thường chóng quên ngay khi bước ra khỏi rạp.
Theo đạo diễn Vũ Minh (Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh), muốn viết kịch và dựng kịch cho trẻ em, điều đầu tiên là bạn phải hiểu và yêu trẻ. Bạn phải đặt mình vào suy nghĩ và cái nhìn của trẻ con, rồi sau đó phát triển theo tâm lý của từng lứa tuổi, dẫn dắt và dạy dỗ chúng qua từng bài học được gắn kết với câu chuyện. Các em nhỏ phải thấy mình trong mỗi nhân vật, trong vở diễn thì mới yêu thích vở diễn ấy.
Trong khi đó, cũng có nhiều nghệ sĩ sân khấu cho rằng, viết kịch cho người lớn đơn giản hơn rất nhiều so với việc viết kịch cho thiếu nhi, bởi người lớn có thể dễ dàng suy luận từ tình huống kịch hay ngôn ngữ kịch, riêng các cháu thì phải nói làm sao cho dễ hiểu, âm nhạc phải dễ chịu, trang phục phải thật dễ thương và câu chuyện phải thật gần gũi nhưng phải mang màu sắc cổ tích thần tiên một chút. Tất nhiên là không thể thiếu những bài học nho nhỏ lồng trong đó.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kich-thieu-nhi-buon-vui-ai-biet-76298.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.