Cơ sở giáo dục đại học công lập đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) được Chính phủ trình Quốc hội sáng nay 30/5.  
Để kinh doanh giáo dục phát triển
Bộ Giáo dục và 1001 điều kiện kinh doanh
Cơ sở giáo dục đại học công lập đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động
Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Ảnh: Quochoi.vn)

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo Quốc hội một số nội dung cơ bản về dự án Luật này.

Ngoài những đánh giá tích cực qua 5 năm thi hành, Luật GDĐH năm 2012 đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển GDĐH Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và GDĐH nói riêng thì Luật đã bộc lộ những hạn chế.

Theo đó, Luật GDĐH năm 2012 mới đặt nền móng cho tự chủ đại học nhưng chưa quy định rõ về quyền tự chủ, trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ dẫn đến tự chủ đại học chưa đạt hiệu quả cao trong thực tế.

Về quản trị đại học, Hội đồng trường là thiết chế quản trị đại học quan trọng nhưng thành phần, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường chưa được quy định rõ ràng nên trên thực tế hoạt động của Hội đồng trường còn mang tính hình thức, chưa có thực quyền trong quyết định những vấn đề quan trọng của nhà trường.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, về tài chính - tài sản, một số quy định không hoàn toàn phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học. Mức học phí chưa được tính theo cơ chế giá dịch vụ, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở đào tạo; Chưa quy định quyền liên doanh, liên kết, hình thành doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của cơ sở GDĐH.

Cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ sở GDĐH còn mang tính bình quân giữa các trường đại học công lập, chưa gắn với chất lượng và kết quả đầu ra nên chưa phát huy được tính cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH...

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 31 điều; bổ sung 02 điều mới; bãi bỏ 01 điều và 01 khoản; bãi bỏ cụm từ tại 05 điều; thay thế cụm từ tại 01 điều; đồng thời rà soát chỉnh sửa tên một số điều về mặt kỹ thuật.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, Dự thảo Luật cơ bản đã khắc phục được các bất cập hiện nay về tổ chức và quản lý đào tạo. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu thêm một số vấn đề sau:

Về mở ngành, theo báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 33 Dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cứng việc bảo đảm số lượng giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu đối với mở ngành đào tạo; đề nghị quy định rõ hơn về “giảng viên cơ hữu”, “giảng viên thỉnh giảng” và “báo cáo viên”, bảo đảm theo theo thông lệ thế giới.

Đối với thời gian đào tạo, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban tán thành việc rút ngắn thời gian học để thống nhất và tương thích với Khung trình độ Quốc gia song đề nghị giải trình, làm rõ việc giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định thời gian đào tạo cụ thể đối với mỗi trình độ của GDĐH theo từng lĩnh vực, hình thức tổ chức đào tạo, bảo đảm tôn trọng tính tự chủ của cơ sở GDĐH.

Về tài chính, tài sản, đa số ý kiến thành viên Uỷ ban cơ bản nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến cơ chế tài chính GDĐH như thể hiện trong Dự thảo Luật và có ý kiến về một số nội dung cụ thể về giá dịch vụ đào tạo, cơ sở GDĐH công lập đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động.

Các ý kiến cũng tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong Dự thảo Luật và do đó đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện. Ngoài ra, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với GDĐH khi tăng mức học phí.

Về quy định cơ sở GDĐH công lập đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ quy định: “cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động” tại khoản 2 Điều 66 vì tài chính chỉ là một nội dung trong tự chủ của cơ sở GDĐH. Cần thiết phải tổng kết một cách toàn diện trước khi luật hóa cơ chế “công lập tự chủ tài chính”; làm rõ sự khác biệt giữa trường đại học công lập tự chủ tài chính hoàn toàn và trường đại học tư thục.

Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với hệ thống GDĐH và các cơ sở GDĐH gồm cả loại hình công lập và ngoài công lập.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/co-so-giao-duc-dai-hoc-cong-lap-dam-bao-toan-bo-kinh-phi-hoat-dong-76278.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.