Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Sự thận trọng là cần thiết

Xây dựng đặc khu cần phải hội tụ đầy đủ các điều kiện về nguồn lực, ưu đãi, lợi thế so sánh quốc gia với các quốc gia khác…
Lập Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Kỳ vọng sự bứt phá ngoạn mục
Xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất trách nhiệm, cầu thị, tiếp thu sự tham gia ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và sau kỳ họp thứ 4 vừa qua để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật trình ra Quốc hội trong kỳ họp này. Song, nhiều đại biểu cũng đề nghị Quốc hội hết sức thận trọng và trách nhiệm khi thông qua dự án luật này.

Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Sự thận trọng là cần thiết
Xây dựng đặc khu cần phải hội tụ đầy đủ các điều kiện về nguồn lực, ưu đãi, lợi thế so sánh quốc gia với các quốc gia khác…

Thiếu luận chứng khả thi

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (TP. Hà Nội) và nhiều đại biểu khác cho rằng, để xây dựng thành công các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Việt Nam từ bài học kinh nghiệm sống còn của các quốc gia đã phát triển thành công đặc khu kinh tế là phải xây dựng một bộ luật điều chỉnh riêng cho các đặc khu. Điều này là nhằm thể hiện cam kết lâu dài, ổn định, không thay đổi về cơ chế, chính sách từ Đảng, Quốc hội, Nhà nước đối với các NĐT. Đặc biệt là các NĐT chiến lược khi họ bỏ ra nhiều tỷ USD để đầu tư kinh doanh. Đây cũng là lý do chính mà các quốc gia dù có một hoặc một vài đặc khu thì đều vẫn ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh.

Đồng tình với đề án cũng như chiến lược thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại 3 khu vực Bắc, Trung và Tây Nam của Tổ quốc, song theo ông Thắng, yếu tố cạnh tranh quốc tế phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, 3 đặc khu cần phải hội tụ đầy đủ các điều kiện về nguồn lực cũng như những điểm mạnh, ưu đãi, lợi thế so sánh quốc gia với các quốc gia khác. Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề ưu tiên gắn với quy hoạch về địa giới hành chính ở mỗi đặc khu để đảm bảo hội tụ đầy đủ sức mạnh, điều kiện cần thiết cho mỗi đặc khu khi muốn cạnh tranh quốc tế để thu hút đầu tư.

Đề xuất 3 lĩnh vực vào danh mục ngành nghề ưu tiên phát triển gắn với quy hoạch cho cả ba đặc khu, ông Thắng cho rằng lĩnh vực mà đặc khu nào cũng cần phải có mới đảm bảo yếu tố thành công đó chính là tài chính, ngân hàng, bao gồm chủ yếu các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư, các công ty tài chính.

Bởi lẽ khi triển khai 3 đặc khu, chúng ta sẽ phải dành một nguồn lực rất lớn để triển khai và trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có hạn thì việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, trong đó quan trọng nhất là đến từ ngân hàng, các quỹ đầu tư và định chế tài chính là nguồn lực có yếu tố quyết định đối với NĐT, doanh nghiệp khi họ tham gia đầu tư vào đặc khu. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam càng cần thiết khuyến khích sự hiện diện nhanh chóng của ngân hàng trong và ngoài nước khi nguồn vốn đầu tư chủ yếu đến từ ngân hàng.

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cũng cho rằng, định hướng xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tạo đột phát và động lực phát triển kinh tế là đúng đắn. Tuy nhiên, dự án luật hiện còn thiếu các nội dung về luận chứng kinh tế, đánh giá lợi ích, chi phí tại từng đặc khu. Dự thảo vẫn chưa xác định rõ các điều kiện cụ thể để xác định thế nào là NĐT chiến lược. Chưa rõ thế nào là công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra giá trị gia tăng đột biến như quy định tại dự thảo.

Vị đại biểu cũng đề nghị cân nhắc thêm về việc quy định thời hạn sử dụng đất 99 năm đối với dự án đầu tư trong trường hợp đặc biệt và cần xác định rõ thế nào là trường hợp đặc biệt. Vì theo thông lệ chung của thế giới, 99 năm là con số tượng trưng cho sự lâu dài vượt quá một đời người, có hàm ý pháp lý là sự tô nhượng hay trao quyền sở hữu đối với lãnh thổ, trong điều kiện các quyền kinh doanh của tổ chức, cá nhân nước ngoài được mở rộng theo các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia. Thực chất điều này sẽ tạo cho họ các quyền pháp lý độc lập mang tính sở hữu về đất đai và lãnh thổ hơn là tạo mặt bằng để đầu tư và kinh doanh đơn thuần.

“Để huy động vốn đầu tư thì các NĐT sẽ sử dụng chính các quyền sử dụng đất được cấp miễn phí nhưng có giá trị thương quyền lớn để thế chấp vay vốn, khi đó từ góc độ tài chính một dự án đầu tư công nghiệp có thể bị sự hấp dẫn của các yếu tố kinh doanh bất động sản chi phối, làm cho biến dạng với mục tiêu cam kết ban đầu”, bà Hà nhấn mạnh.

Ưu đãi nhiều, lợi ích bao nhiêu?

Đồng tình với quan điểm này, một số đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc việc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 15% trong thời hạn 10 năm đối với các dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử và đặt cược. Bởi vì, đây là lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận rất lớn, khác với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên doanh thu, tức là trừ đi số trả thưởng, vì vậy ưu đãi giảm đi 15 đến 20% thuế suất là rất lớn so với mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…

Một số ý kiến khác thì cho biết dự thảo thu hẹp đáng kể diện được miễn thuế tiền thuê đất cả đời của dự án. Tuy nhiên, mức miễn tiền thuê đất tối đa 30 năm áp dụng cho toàn bộ NĐT chiến lược, bao gồm các dự án bất động sản, khu du lịch nghỉ dưỡng, kinh doanh giải trí, casino, các dự án kinh doanh trong lĩnh vực chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao, kể cả lĩnh vực không thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu cần được cân nhắc để loại bỏ.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, một số ý kiến cho rằng, mặc dù cơ quan thẩm tra có một số điều chỉnh trong dự thảo, tuy vậy nội dung mức độ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp về cơ bản vẫn giữ như dự thảo đã trình tại kỳ họp thứ 4. Đặc biệt mức thuế 10% trong vòng 30 năm cho mọi dự án của NĐT chiến lược kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, giải trí, casino, các lĩnh vực chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các dự án không thuộc danh mục ngành nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu là quá lớn, chưa thỏa đáng.

“Việc có quá nhiều ưu đãi thuế có thể làm mất đi tính trung lập, công bằng của chính sách thuế. Ưu đãi quá lớn lại được áp dụng cho các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao, không được xã hội khuyến khích sẽ khuyến khích các NĐT nước ngoài kiếm lời ngắn hạn, không thu hút được NĐT chất lượng dài hạn, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, làm phát sinh tiêu cực như lách luật, trốn thuế, chuyển lợi nhuận, chuyển giá gây khó khăn cho quản lý, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội của đất nước”, một đại biểu Quốc hội cảnh báo.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thì cho biết, qua nhiều hội nghị, hội thảo, ý kiến các vị đại biểu tại nhiều phiên thảo luận bên cạnh các ý kiến đồng tình vẫn còn không ít những băn khoăn, trăn trở về những ưu đãi có tương xứng với lợi ích thu được, vấn đề chuyển giá, thiên đường thuế và có hay không sẽ tiếp tay cho đầu cơ đang nóng từng ngày mà thời gian qua chúng ta vẫn chưa kiểm soát hết được thì đặc khu liệu sẽ có tình trạng ngoại lệ.

“Xin đừng nhìn ba đặc khu trong tương quan với các địa phương trong cả nước mà hãy đặt nó trong việc cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và thế giới, có như vậy chúng ta mới xác lập được tâm thế để bước qua tư duy cục bộ, điều mà Quốc hội từng làm tại kỳ họp thứ 4”, đại biểu đề nghị.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thì tỏ ý thận trọng và trách nhiệm hơn khi cho biết, 3 đặc khu phải là 3 đầu tàu chứ không phải là 3 toa tàu. “Chúng ta phải hết sức thận trọng. Chúng ta là những người đương đại, liệu có thể đại diện cho thế hệ chúng ta 100 năm nữa hay không. Xây dựng đặc khu chúng ta đừng bỏ qua hai yếu tố: thứ nhất, chúng ta đang thử nghiệm. Thử nghiệm thì có thể có thành công và thất bại. Vì vậy chúng ta không thể phiêu lưu được. Thứ hai, về địa chính trị, đặc biệt là khu Vân Đồn nếu không cẩn thận nó sẽ là nơi để di dân mà thôi. Bởi lẽ những NĐT công nghệ cao ở thời đại 4.0 không quan tâm nhiều đến thời gian giao đất bao nhiêu mà chỉ có các NĐT bất động sản hoặc đầu cơ bất động sản mới quan tâm đến điều này”, đại biểu cảnh báo.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đặt vấn đề rằng, chúng ta dành ra nhiều km vuông đất liền và hàng chục ngàn km vuông vùng biển với những tài nguyên thiên nhiên thuộc loại giàu đẹp nhất của cả nước và thế giới để mời gọi đầu tư. Tại những khu vực này nhà nước đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng vào đường sá, điện nước, sân bay, bến cảng.

“Theo tài liệu của các đề án sẽ phải đầu tư tiếp hơn 1,5 triệu tỷ đồng vào hạ tầng kỹ thuật, trong đó sự đóng góp không nhỏ của ngân sách nhà nước. Chẳng những thế sự ưu đãi hào phóng về tiền thuê đất, thuê mặt nước, về các sắc thuế như đề xuất của các bộ, ngành và địa phương cũng chính là những khoản đầu tư tài chính cực lớn từ ngân sách. Vậy câu hỏi tất yếu đặt ra trong 10 năm, 20 năm hay 50 năm tới tất cả những khoản đầu tư ấy sẽ đem lại những lợi ích gì, bao nhiêu và cho ai”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/du-an-luat-don-vi-hanh-chinh-kinh-te-dac-biet-su-than-trong-la-can-thiet-76090.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.