Sự cố môi trường biển đã được khắc phục

Chất lượng nước biển, môi trường biển đã được khôi phục; sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong khu vực đã trở lại bình thường... Đánh giá trên được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển vừa diễn ra mới đây tại Quảng Trị.
Rà soát nhu cầu cho vay, xử lý nợ bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung
Triển khai bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển do công ty Formosa gây ra

Sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4/2016, tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã để lại những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều người dân và hệ môi trường sinh thái ở khu vực... Theo đó, sự cố môi trường biển xuất phát Nhà máy thép Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của khoảng 510 nghìn người ở 730 thôn/xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển từ Hà Tĩnh vào đến Quảng Bình.

Sự cố môi trường biển đã được khắc phục

Đến nay, sau 2 năm chung tay khắc phục sự cố, với nhiều nỗ lực từ Chính phủ xuống tận các địa phương, hậu quả của sự cố đã được khắc phục.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, sau 2 năm tích cực triển khai các biện pháp khắc phục, nhìn chung tình hình chất lượng nước biển, môi trường biển đã được khôi phục, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các khu du lịch biển, bãi tắm của 4 tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại bình thường...

Đặc biệt, ngay sau sự cố, các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, tạo điều kiện giúp khách hàng khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất, xây dựng phương án hỗ trợ cho khách hàng, miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời gian trả nợ… Ngoài ra, các TCTD còn ưu tiên vốn hỗ trợ khách hàng có phương án sản xuất, kinh doanh mới với lãi suất ưu đãi nhằm giúp bà con khắc phục khó khăn, sớm ổn định sản xuất.

Không chỉ vậy, để góp phần hỗ trợ bà con ngư dân đối phó với những khó khăn chung do sự cố môi trường biển và thực trạng cạn kiệt thủy sản gần bờ, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã và đang đẩy mạnh việc hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền công suất lớn, duy trì việc ra khơi đánh bắt xa bờ.

Nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các ngành, các cấp trong đó có hệ thống ngân hàng, đến nay, bà con ngư dân ở khu vực đã trở lại vươn khơi bám biển, khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy hải sản. Số lượng tàu khai thác trên biển cũng đã tăng trở lại.

Đáng chú ý, với những hỗ trợ từ ngành Ngân hàng, nhiều bà con ngư dân đã chuyển đổi từ đánh bắt gần bờ sang xa bờ, giúp hiệu quả kinh tế cao hơn cũng như góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 của 4 tỉnh đạt gần 152 nghìn tấn, tăng 23% so với năm 2016, nuôi trồng đạt gần 50 nghìn tấn...

Về phát triển lĩnh vực du lịch, đến năm 2017 cơ bản “ngành công nghiệp không khói” tại các địa phương đã phục hồi. Lượng du khách cả trong lẫn ngoài nước tăng cao. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành năm 2017 ở các địa phương đều tăng so với năm 2016...

Mặc dù sự cố môi trường biển vừa qua là sự cố lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ghi nhận, với sự chỉ đạo từ Trung ương xuống tận các địa phương đã tìm ra hướng xử lý vừa có lợi cho nhân dân, vừa có lợi cho môi trường đầu tư. Thành công nhất là người dân vẫn tin tưởng vào Đảng và chính quyền, nhân dân càng đoàn kết hơn và cán bộ của cũng trưởng thành hơn sau sự cố.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/su-co-moi-truong-bien-da-duoc-khac-phuc-75916.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.