Công nghiệp điện tử với kinh tế Việt Nam

Ngành công nghiệp điện tử của nước ta mặc dù hình thành chậm nhưng có tốc độ tăng trưởng khá nhanh qua các năm và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của nền kinh tế.
Công nghiệp điện tử với kinh tế Việt Nam Cơ hội và áp lực của công nghiệp điện tử
Công nghiệp điện tử với kinh tế Việt Nam Loay hoay tìm sản phẩm chủ lực

Hơn mười năm trước, ngành công nghiệp điện thoại di động toàn cầu gần như “nằm gọn” trong tay của Nokia. Không ai có thể tưởng tượng được rằng, người khổng lồ trong lĩnh vực điện thoại có trụ sở chính tại Phần Lan này một ngày nào đó “mất dạng” trên thị trường. Nhưng, điều không tưởng đó đã xảy ra trên thực tế. Mùa hè năm 2007, Apple cho ra mắt chiếc iPhone 2G với lễ giới thiệu sản phẩm của Steve Jobs tại sân khấu sự kiện MacWorld, bắt đầu một kỷ nguyên điện thoại thông minh (smartphone) hoàn toàn mới.

Công nghiệp điện tử với kinh tế Việt Nam
Xuất khẩu hàng điện tử, điện gia dụng năm 2017

Dấu ấn Samsung

Ở giai đoạn smartphone bắt đầu thâm nhập thị trường thế giới, với đa số người dân có thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam, việc nhảy từ dòng điện thoại giá bình dân sang thẳng các thế hệ iPhone đắt tiền cần một cuộc chuyển tiếp. Samsung là một nhân tố phù hợp.

Tháng 3/2008, Tập đoàn Samsung bắt đầu vào Việt Nam với nhà máy đầu tiên tại Bắc Ninh (Công ty TNHH điện tử Samsung). Với số vốn đầu tư ban đầu là 700 triệu USD, nhà máy này có công suất 1,5 triệu chiếc điện thoại di động/tháng với khoảng 2.300 công nhân viên làm việc liên tục.

Năm 2014, nhà máy thứ 2 của tập đoàn Samsung được thành lập tại Thái Nguyên gồm nhà máy sản xuất vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại di động Samsung (quy mô 1,2 tỷ USD) và nhà máy sản xuất, gia công lắp ráp điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ cao (quy mô 2 tỷ USD).

Năm 2016, trước cuộc đại chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, Samsung tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Sau 2 nhà máy lớn tại miền Bắc Việt Nam, Samsung tiếp tục tấn công vào phía Nam với dự án trị giá 1,4 tỷ USD tại khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh.

Trải qua 10 năm hoạt động tại Việt Nam, Samsung đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện của Việt Nam luôn dẫn đầu cả nước trong thời gian qua. Năm 2017 Công ty TNHH Samsung Việt Nam đã xuất khẩu 103,7 triệu chiếc điện thoại di động, chiếm tới 55,06% thị phần và trở thành DN xuất khẩu điện thoại di động hàng đầu.

Trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, bên cạnh Samsung thì tại Việt Nam còn hiện diện các tên tuổi khác, như Công ty TNHH Fushan Technology Việt Nam (Công ty TNHH Nokia Việt Nam trước đây) năm 2017 đã xuất khẩu 44,4 triệu chiếc điện thoại và trở thành DN xuất khẩu điện thoại di động với thị phần 23,6%; Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam (4,63%) và Công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam (2,61%)...

Tuy nhiên, đóng góp của Samsung vẫn là lớn nhất, không chỉ cho sản xuất công nghiệp, xuất khẩu mà còn hỗ trợ tăng trưởng. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2017 Tập đoàn Samsung đã đóng góp 5,43 điểm % vào mức tăng chung 14,5% của toàn ngành chế biến, chế tạo. Năm 2017 dự kiến Tập đoàn Samsung đã tạo ra được 260,8 nghìn tỷ đồng giá trị tăng thêm (theo giá so sánh 2010), tăng 34,8% so với cùng kỳ năm trước…

Cùng với lĩnh vực sản xuất điện thoại, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam còn ghi nhận nhiều chuỗi sản xuất sản phẩm khác. Về camera, trong năm 2017 tổng lượng camera Việt Nam xuất khẩu đạt 56,5 nghìn chiếc. Về máy vô tuyến, cũng trong năm ngoái các DN Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,3 triệu chiếc. Về điều hòa, tủ lạnh, máy giặt năm ngoái các DN xuất khẩu ước đạt gần 4 triệu chiếc và giá trị trên 1 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2016…

Hình hài ngành công nghiệp mạnh

Ngành công nghiệp điện tử của nước ta mặc dù hình thành chậm nhưng có tốc độ tăng trưởng khá nhanh qua các năm và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của nền kinh tế.

Trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử, điện gia dụng (gồm điện thoại di động và linh kiện, máy ảnh máy quay phim và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác) chiếm 28,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước; đạt 61,8 tỷ USD, tăng 30% năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt khoảng 45,3 tỷ USD, chiếm tới 73% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm đồ điện tử, điện gia dụng.

Riêng quý I năm nay, nhóm hàng này đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 22,7 tỷ USD, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 12,6 tỷ USD, tăng 62,3% so với cùng kỳ; xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 6,3 tỷ USD, tăng tương ứng 14,1%; xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt hơn 1 tỷ USD và tăng 41,7%...

Theo các chuyên gia, với lợi thế là dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi và nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp điện tử, Việt Nam rất có cơ hội để thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ và học tập các kiến thức quản lý và đào tạo nhân lực từ các ngành công nghiệp điện tử phát triển trong khu vực.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đặt ra yêu cầu về những giải pháp mạnh mẽ cũng như sự chuẩn bị về năng lực cạnh tranh và công nghệ, để ngành công nghiệp điện tử của nước ta có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Về quan điểm chung, Chính phủ sẽ kết hợp với DN trong nước về lĩnh vực điện tử đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao trình độ về sản xuất, kỹ thuật, đẩy mạnh liên kết, xúc tiến thương mại, đầu tư giữa DN nội với DN FDI. Bên cạnh đó, Chính phủ định hướng rõ ràng về sản phẩm điện tử mang tính chất chiến lược. Trên cơ sở đó giúp cho DN nội tập trung các nguồn lực để phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định rằng: phát triển ngành công nghiệp điện tử cần một quá trình phát triển từng bước và lâu dài. Thay vì kỳ vọng sắp tới sẽ cho ra đời sản phẩm điện tử mang thương hiệu Việt Nam thì cần xem xét tỷ trọng đóng góp của DN nội địa trong giá trị sản xuất công nghiệp của ngành điện tử Việt Nam và đóng góp vào giá trị sản xuất điện tử trên thế giới.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cong-nghiep-dien-tu-voi-kinh-te-viet-nam-75831.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.