Lắng nghe tiếng của rừng

Trong vô vàn những chuyến đi thực tế thì những chuyến về các miệt rừng nam Trung bộ, Nam bộ để lại trong tôi niềm vui và nỗi trăn trở xen lẫn. Vui vì có những vùng còn giữ gìn được màu xanh, nơi ấy không ít người dân bình dị đã nỗ lực bảo vệ cho màu xanh và sự sống nơi ấy. Còn trăn trở vì ngược lại, có những cách phá rừng, “ăn” vào rừng thật hiểm độc.

Có thể nói không quá rằng, rừng là lá phổi, tấm áo giáp, là tay nôi màu nhiệm bao bọc tất cả chúng ta. Quan trọng là thế nhưng những năm qua việc bảo vệ rừng rất có vấn đề, để xảy ra nhiều kẽ hở trong quản lý dẫn đến việc rừng bị đốn hạ dưới nhiều hình thức, không thương tiếc. Khắp nơi người ta thấy những mảng xanh của rừng sẽ bị chặt phá nham nhở như những lá phổi bị thủng lỗ chỗ. Cùng với cây cối thì hàng trăm loài động vật cũng bị săn đuổi, trở thành món nhậu trong quán xá.

Lắng nghe tiếng của rừng
Vẻ đẹp Láng Sen

Mỗi khi những vụ chặt phá rừng bị phanh phui, các cơ quan chức năng lên tiếng, người dân sửng sốt, tim tôi như thắt lại. Tim hàng triệu người yêu rừng nghẹn lại. Năm nay, nhiều vụ phá rừng xảy ra bởi sự thiếu trách nhiệm, kiên quyết của lực lượng chức năng.

Tiêu biểu là vụ phá 60,9 ha rừng ở An Lão (Bình Định) gây bức xúc trong dư luận. Vụ chặt phá diện tích lớn ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Hay vụ phá rừng thôi ba lá tại xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Rồi hoạt động phá rừng ở Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên cũng hết sức nhức nhối. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống kê năm 2017 cả nước đã xảy ra hơn 1.700 vụ phá rừng trái pháp luật. Riêng khu vực Tây Nguyên đã có khoảng 13% diện tích rừng bị thiệt hại.

Tại tỉnh Đăk Nông, một nghịch lý đang xảy ra, đó là một số doanh nghiệp được giao giữ rừng lại tiếp tay hoặc chính là thủ phạm phá rừng. Ví dụ Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn được giao quản lý 30 nghìn ha rừng từ năm 1998. Mới đây, qua kiểm tra thực tế, diện tích rừng chỉ còn hơn 7 nghìn ha - nghĩa là có đến 3/4 diện tích rừng đã mất. Tình trạng “chảy máu rừng” tại một số khu vực vẫn tiếp diễn dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Đóng cửa rừng tự nhiên”.

Chúng ta đã nghe thấy tiếng rừng và muông thú kêu cứu. Chúng ta cũng không thể không tự vấn và nghĩ về chuyện vì sao thiên tai xảy đến khốc liệt và khó lường đến vậy? Suy cho cùng đó là hậu quả của việc “ăn” vào tự nhiên quá nhiều. Không ít người vơ vét cho mình và để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, đã đẩy muôn vàn sinh vật khác rơi vào cùng khốn tuyệt diệt. Con người được thừa hưởng nhiều do thiên nhiên mang lại, nhưng cũng chính là thủ phạm xâm hại đến thiên nhiên.

Trong những nỗi hoang mang ấy, tôi thấy thân thương và nể phục những con người đã và đang hết lòng bảo vệ rừng. Tiêu biểu như Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, thuộc huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) được công nhận là khu Ramsar thứ 2.227 (Ramsar là công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý, thích đáng các vùng đất ngập nước) của thế giới và thứ 7 của Việt Nam. Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen hiện còn giữ được khoảng 142 loài chim, 86 loài cá, trong đó có những loài quý hiếm như sếu đầu đỏ, giang sen, cò quắm đen, cá hô, cá tra dầu…

Thảm thực vật ở đây cũng vô cùng phong phú với 156 loài, chủ yếu là những loài đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười như tràm, gáo, cà na, mướp gai, dây leo… Trong không gian mát lạnh vì chung quanh được bao bọc bởi bạt ngàn rừng tràm, những cây cà na đặc trưng miền nước nổi, những cảnh vật còn giữ nét hoang sơ trong khu bảo tồn.

Nhưng thú vị nhất có lẽ là cánh đồng lúa ma trên 40ha mà khu bảo tồn đang khôi phục lại. Khu bảo tồn hiện có khoảng hơn 47 người, phần lớn là những người trẻ. Vì tính chất công việc nên hầu hết thời gian trong ngày mọi người đều phải quanh quẩn trong mấy ngàn ha rừng tràm để phòng chống cháy rừng, nghiên cứu.

Công tác ở khu bảo tồn phải có tình yêu mới có thể gắn bó lâu dài. Điều này dường như để giải thích việc một kỹ sư nông lâm như anh Nguyễn Linh Em vừa ra trường đã chọn vùng đất xa xôi Láng Sen để lập nghiệp. Tên là Linh Em nhưng mọi người trong khu bảo tồn đều gọi anh với biệt danh là “Linh chim”.

Được phân công theo dõi các loài chim trong khu bảo tồn, nên công việc hàng ngày của anh bạn 27 tuổi này là quan sát sự phát triển của các loài chim nước. Với chiếc máy ảnh trên tay, Linh Em cứ mải mê đến từng cánh đồng, từng đầm lầy, cánh rừng trong khu bảo tồn để nắm bắt về cuộc sống và tâm tính các loài chim ở khu vực này.

Lòng mến mộ khiến tôi gặp Đại đức Thích Giác Hạnh, trụ trì chùa Ngọc Vạn, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), người đã thực hiện Dự án “Cánh rừng xanh”, đã góp phần phủ xanh hàng trăm ha đất trống, đồi trọc ở Khánh Hòa. Đây là một dự án nhân văn, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng và các mạnh thường quân.

Một gương mặt khác mà tôi rất ngưỡng mộ, đó là chàng trai hơn 20 tuổi Đoàn Minh Nhân, quê ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) có ước mơ trồng lại tre trên đất Việt Nam. Có thể ước mơ ấy quá sức với Nhân, nhưng không hề hão huyền khi đến nay cậu đã âm thầm tìm được hơn 50 giống tre, đồng thời học được kinh nghiệm chăm sóc, cách nhận biết cũng như thêm các ứng dụng từ tre. Qua những người bạn Nhân biết được rằng tre là loài cây thích ứng với nhiều môi trường khác nhau và sinh nhiều ô-xi, có khả năng chống xói mòn và một ý tưởng hình thành...

Có ý tưởng rồi, Nhân bắt tay vào sưu tầm, tìm giống tại các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và nhiều tỉnh trong cả nước. Mùa xuân năm 2018 Nhân trồng trước một ha tre ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), rồi tính cách trồng xen cây gì đó vào để mang lại hiệu quả kinh tế. Nhân bảo, phải nghĩ đến tính hiệu quả mới có thể thuyết phục người dân trồng lại tre.

Tôi thích lạc vào những cánh rừng tràm, rừng đước với vẻ đẹp bí ẩn đầy quyến rũ ở U Minh (Cà Mau). Ở đó tôi có thể lắng nghe tiếng của rừng, của chim chóc. Những cánh chim bay dài trên nền trời xanh biếc là sức mạnh của sự liên kết, cho tôi hiểu rừng thiên nhiên luôn rộng lượng và sẵn sàng ban phát cho con người rất nhiều giá trị. Cũng như rừng, rất giá trị, nhưng rừng đòi hỏi phải được bảo vệ, cần con người báo ơn.

Tôi nghĩ nhiều hơn về những cơn bão, những trận lũ quét, sạt lở đất và nước biển dâng. Lòng tôi cũng ngẫm nghĩ nhiều đến nguyên nhân của những sự kiện ấy. Hơn lúc nào hết, thiên nhiên cần chúng ta cộng sinh, bởi con người không thể tránh khỏi những biến động của thời tiết và sự giận dữ của của thiên nhiên. Song mỗi người đều cần có trách nhiệm kiềm chế được mất mát khi thiên nhiên nổi giận, bằng chính những hành động cụ thể.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/lang-nghe-tieng-cua-rung-75628.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.