Thách thức lớn của ngành xuất khẩu gỗ

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chuẩn bị hội nghị toàn quốc bàn về cơ hội, thách thức và các giải pháp hỗ trợ ngành chế biến gỗ và xuất khẩu (XK) gỗ phát triển. Hội nghị sẽ tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh trong tháng 5/2018 và Thủ tướng sẽ chủ trì.

XK gỗ và sản phẩm gỗ đang là một trong những ngành XK quan trọng bởi kim ngạch đang tiến sát đến mốc 10 tỷ USD, luôn xuất siêu và đang là động lực cho tăng trưởng XK bền vững trong tương lai. Tiềm năng phát triển của ngành đang rất lớn, cơ hội mở cửa thị trường rất rộng, năng lực của DN trong ngành đang rất tốt.

Thách thức lớn của ngành xuất khẩu gỗ
Các DN trong ngành đang đứng trước thách thức thiếu nguyên liệu cho sản xuất

Thế nhưng, các DN trong ngành đang đứng trước thách thức thiếu nguyên liệu cho sản xuất, nguyên liệu nhập khẩu tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao về nguồn gốc hợp pháp, và 47% sản lượng xuất khẩu vẫn thuộc về các DN FDI. Đáng quan ngại nữa là “Không có nhà đầu tư từ Mỹ, châu Âu đầu tư vào ngành gỗ”, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho biết.

Mặc dầu vậy, năm 2018 đang có những cơ hội lớn cho ngành gỗ xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 3 tháng đầu năm đạt 1,9 tỷ USD, tăng 8% so cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ riêng trong tháng 4 là 750 triệu USD, tính cả 4 tháng là 2,650 tỷ USD - một thành tích vượt dự báo.

Chưa kể, việc CTPPP và hàng loạt các hiệp định FTA vừa được ký kết, hiệp định VPA/Flegt đã được ký tắt và đang chờ phê chuẩn… đã mở ra cơ hội về thị trường lớn cho ngành chế biến gỗ và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ… Sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được hưởng mức thuế 0% khi EVFTA đã có hiệu lực.

Và mới qua 4 tháng đầu năm 80% số DN xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đã ký hợp đồng làm hết năm. Như Wood Land tổng hợp đồng đã ký cho cả năm là 55 triệu USD; CTCP Lâm sản Nam Định đã ký kết 100% hợp đồng sản xuất cho cả năm với tổng giá trị lên tới 40 triệu USD. Ở miền Trung, các công ty như Thành Đạt, Phú Tài, Đại Thành lượng hợp đồng đã ký đạt 80% kế hoạch. Tại Bình Dương, 100% các DN đã ký hết hợp đồng sản xuất cho cả năm… “Nhưng khó khăn chính vẫn là nguồn nguyên liệu”, ông Quyền cho biết.

Xét theo hợp đồng mà các DN đã ký và năng lực sản xuất thì mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 9 tỷ USD mà Chính phủ giao “không thành vấn đề”. Vấn đề là có đảm bảo được hợp đồng hay không.

Hiện nguồn cung nguyên liệu trong nước không đủ cho chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ nước ngoài. Để có được 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, ngành gỗ phải nhập hơn 1,1 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn. Năm 2017, để có được kim ngạch XK gỗ đạt 7,7 tỷ USD, phải sử dụng 35 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn.

Gỗ nguyên liệu đang được nhập khẩu từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những nơi được Tổ chức Forest Trends cảnh báo nguy cơ rủi ro lớn về pháp lý như châu Phi, Campuchia… Trong khi đó, các nước nhập khẩu đang đặt ra những yêu cầu rất chặt chẽ về việc chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Hiệp định FTA Việt Nam ký kết với EU sẽ mở ra thị trường rất lớn của 28 quốc gia EU; Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU cũng đã được ký tắt và dự kiến sẽ được thông qua trong năm 2018. Theo đó các lô gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ phải có giấy phép FLEGT để chứng minh tính hợp pháp. Như vậy áp lực về nguồn cung gỗ hợp pháp càng lớn.

Bên cạnh đó, dự kiến năm 2021, Việt Nam sẽ có giấy phép FLEGT đầu tiên nhưng cho đến nay, theo các DN ngành gỗ và các hiệp hội ngành gỗ “công việc chuẩn bị cho thực thi hiệp định VPA dường như khá chậm”, DN chưa biết sẽ phải làm những gì, chuẩn bị cho DN thế nào để đáp ứng được yêu cầu cấp phép FLEGT.

Thêm vào đó, các DN Trung Quốc cũng đang len lỏi vào ngành chế biến gỗ Việt bằng các liên doanh liên kết, mở đại lý thu mua… khiến giá gỗ, cao su tăng mạnh. Chính phủ Trung Quốc đang hạn chế phát triển các ngành nghề thâm dụng lao động, trong đó có chế biến gỗ.

Trong khi đó, ngành gỗ Việt Nam vẫn phát triển nhưng hạn chế thâm dụng bằng công nghệ mới. Đây chính là lực hấp dẫn DN Trung Quốc sang Việt Nam dưới hình thức liên doanh, liên kết để tận dụng các ưu thế tại đây, tạo nên cuộc cạnh tranh chèn lấn về thị trường nguyên liệu. Tuy những tháng gần đây hiện tượng này không còn “ngột ngạt và căng thẳng” như năm 2017 nhưng vẫn tiếp tục làm ảnh hưởng đến thị trường lao động và nguyên liệu trong nước.

Và nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends về tình hình XNK gỗ của Việt Nam cũng đã cảnh báo: Tăng đầu tư của Trung Quốc vào ngành gỗ của Việt Nam “ẩn chứa những rủi ro” cho ngành này khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.

Để có được 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, ngành gỗ phải nhập hơn 1,1 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn. Năm 2017, để có được kim ngạch XK gỗ đạt 7,7 tỷ USD, phải sử dụng 35 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn. Gỗ nguyên liệu đang được nhập khẩu từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những nơi được Tổ chức Forest Trends cảnh báo nguy cơ rủi ro lớn về pháp lý như châu Phi, Campuchia… Trong khi đó, các nước nhập khẩu đang đặt ra những yêu cầu rất chặt chẽ về việc chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thach-thuc-lon-cua-nganh-xuat-khau-go-75396.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.