![]() | Cử tri đề nghị xử lý nghiêm tiêu cực, “lót tay” để giải quyết công việc |
![]() | Hãy nói không với tiêu cực |
Với nhiều hình ảnh từ thực tế, bài báo có tiêu đề “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa - nhận tại Hải quan Hải Phòng” dẫn lời một người làm làm dịch vụ khai thuế hải quan cho biết chuyện “lót tay” với nhân viên làm thủ tục hải quan đã thành “luật”. Mỗi container thường phải chi phí hàng trăm ngàn đồng cho khâu này. Cũng theo bài báo nói trên, với khoảng 7.600 tờ khai bình quân mỗi ngày, mỗi tờ khai ứng với từ 1-30 container. Như vậy, có lẽ số tiền chi phí “bôi trơn” là rất lớn?
![]() |
Cảnh đưa - nhận chớp nhoáng của nhân viên “chạy lệnh” và cán bộ hải quan |
Ngay trong ngày bài báo đăng, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo về chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia về việc xác minh, xử lý nghiêm cán bộ Hải quan Hải Phòng có hành vi tiêu cực, được báo chí phản ánh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan khẩn trương xác minh, làm rõ nội dung báo nêu, xử lý nghiêm các cá nhân có vi phạm và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tiêu cực (nếu có), báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2018.
Trong khi đó, với tinh thần không bao che cán bộ và xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ có sai phạm, ngay khi có thông tin nêu trên, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu Cục Hải quan TP. Hải Phòng thực hiện quyết định tạm đình chỉ ngay các cán bộ công chức hải quan có liên quan, đồng thời làm rõ, xử lý, kỷ luật tập thể, cá nhân có sai phạm (nếu có).
Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã cử Lãnh đạo Cục và Phòng Thanh tra - Kiểm tra trực tiếp xuống Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ để kiểm tra, xác minh, đồng thời quyết định tạm đình chỉ công tác của các công chức có hình ảnh đăng tải trên báo để giải trình, xem xét xử lý…
Việc vào cuộc nhanh chóng với các hành động mạnh mẽ nêu trên cho thấy ngành hải quan đang rất chú trọng đến việc phòng chống tham nhũng. Trước đó, thực hiện Chỉ thị 01-CT/ĐU ngày 17/9/2015 của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài chính về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trong Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan, từ cuối tháng 11/2015, tất cả các Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc Tổng cục này đã ban hành nghị quyết, trong đó cam kết 100% cán bộ, đảng viên nói không với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng...
Nhưng với vấn đề báo Lao động vừa nêu, dường như việc cam kết trên mới “nằm trên giấy”, thể hiện ý chí của lãnh đạo cơ quan này mà chưa được thể hiện trong thực tế công việc ngành này. Cũng theo bài báo nói trên, riêng tại Hải Phòng hiện có tới hơn 300 DN chuyên cung cấp dịch vụ khai thuê hải quan, hàng ngàn nhân viên “chạy lệnh”.
Những con số này cũng cho thấy chuyện làm thủ tục hải quan không hề đơn giản và ngành logistics sẽ thêm nhiều chi phí để thực hiện phần thủ tục này. Mường tượng rộng ra trên địa bàn cả nước còn có thể thấy chi phí cho khâu này là rất lớn.
Trên thực tế, chi phí không chính thức đang đè nặng lên các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN sản xuất và xuất khẩu. Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ấn hành, tỷ lệ DN phải chi trả chi phí không chính thức lên tới 59% trong năm 2017. Thậm chí, có đến 9,8% DN phải chi trả hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn trước. Nó cho thấy tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN vẫn rất phổ biến và đáng quan ngại.
Để cho tiêu cực, nhũng nhiễu trở nên phổ biến, như trường hợp của các cán bộ hải quan Hải Phòng nói trên, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, tăng trưởng kinh tế bị trì níu, nhưng đồng thời môi trường kinh doanh cũng thiếu minh bạch và rõ ràng. Nó đặt ra thách thức hơn nữa đối với công cuộc cải cách thể chế - vấn đề đã và đang được Chính phủ, các bộ ngành nỗ lực thực hiện trong nhiều chủ trương, văn bản được công bố gần đây. Nó cũng cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng sẽ còn gian nan.
Các cơ quan nhà nước, đặc biệt những nơi thực thi nhiều thủ tục hành chính cho người dân và DN, sẽ phải tiếp tục tập trung vào ngăn chặn hành vi tham nhũng trong tương lai, thông qua việc tăng cường năng lực giám sát, minh bạch thông tin và các cơ chế tạo động lực làm việc hiệu quả cho cán bộ, nhân viên. Đồng thời, chính bản thân DN và người dân cũng phải thay đổi nhận thức, hành xử đúng đắn hơn, không đồng tình chi trả cho các loại chi phí không chính thức. Chỉ có như vậy, cam kết không tiêu cực, tham nhũng mới đi được vào cuộc sống.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/khong-khoan-nhuong-voi-tieu-cuc-74712.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.