Luật Đăng ký tài sản: Giúp ngân hàng hóa giải rủi ro?

Các chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất Việt Nam cần xây dựng luật riêng về đăng ký tài sản và đăng ký giao dịch bảo đảm vì nó không chỉ giúp chống tham nhũng... mà còn góp phần bảo vệ quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức.
Cơ hội mua tài sản đảm bảo của ngân hàng
Hiệu quả kinh doanh của hệ thống TCTD được cải thiện rõ rệt
Thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm

Bộ Tư pháp đã phối hợp với USAID (Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về đăng ký tài sản và đề xuất hoàn thiện chính sách cho Việt Nam. Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, việc đăng ký tài sản sẽ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; khai thác các nguồn lực về tài sản; chống tham nhũng và giúp chỉ số tăng trưởng quốc gia cao hơn… Đặc biệt, việc đăng ký tài sản cùng với đăng ký giao dịch bảo đảm sẽ tránh được các vụ kiện tụng giữa ngân hàng với khách hàng khi nhận thế chấp tài sản là bất động sản.

Luật Đăng ký tài sản: Giúp ngân hàng hóa giải rủi ro?
Việt Nam cần xây dựng luật riêng về đăng ký tài sản và đăng ký giao dịch bảo đảm

Theo rà soát của hệ thống pháp luật Việt Nam thì các giai đoạn của mua bán, chuyển nhượng, đăng ký, công bố quyền đối với tài sản được điều chỉnh trong khoảng 64 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đăng ký tài sản, trong đó bao gồm Hiến pháp, 26 luật, bộ luật; 18 nghị định; 19 thông tư; 1 quyết định của bộ trưởng.

Kết quả rà soát đã ghi nhận được những chuẩn mực pháp lý, nhằm bảo đảm an toàn pháp lý thúc đẩy các giao lưu dân sự - kinh tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng; ghi nhận các cơ chế, chính sách xây dựng, hình thành và phát triển hệ thống đăng ký tài sản tại Việt Nam, tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống đăng ký tài sản; mở rộng, phát triển nhanh các phương thức đăng ký trực tuyến đối với đăng ký quyền sở hữu, đăng ký biện pháp bảo đảm; góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch và tiếp cận thông tin thuận lợi, dễ dàng.

Ngoài ra nó còn tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho Tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp các vụ kiện liên quan đến tài sản; cho các cơ quan thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của mình.

Tuy nhiên mặt hạn chế, bất cập là chúng ta vẫn đang thiếu nguyên tắc và định hướng chung khi xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản mà theo thông lệ, kinh nghiệm lập pháp của thế giới về đăng ký tài sản đều hướng đến và làm rõ. Đó là: đăng ký tài sản là hoạt động hành chính hay hoạt động dịch vụ công nhằm phục vụ các quan hệ xã hội trong lĩnh vực dân sự - kinh tế; việc đăng ký mang tính chất đối vật hay đối nhân; đăng ký có giá trị pháp lý xác lập quyền hay chỉ để thông tin cho người thứ ba (đối kháng với bên thứ ba); việc đăng ký mang tính chất bắt buộc hay tuỳ nghi…

Đặc biệt, hiện chúng ta đang thiếu cơ sở pháp lý về đăng ký đối với một số loại quyền khác không phải là quyền sở hữu đối với tài sản bao gồm: quyền hưởng dụng; quyền bề mặt; thiếu thống nhất trong cách tiếp cận về đăng ký quyền sở hữu, đặc biệt là chưa rõ ràng đối với cơ chế đăng ký phương tiện giao thông là đăng ký lưu hành hay đăng ký quyền sở hữu; thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật về thời điểm chuyên quyền, thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản ngay cả trong một loại hình tài sản là bất động sản…

Dẫn chứng về những bất cập này, bà Nguyễn Chi Lan, Phó cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho biết, có trường hợp người cha mang sổ đỏ của mình đi thế chấp để vay vốn ngân hàng, các bên thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm đầy đủ nhưng đến khi không trả được nợ, ngân hàng thực hiện xử lý tài sản bảo đảm thì không được bởi đơn kiện của người con về quyền hưởng dụng đối với tài sản này.

Về giá trị pháp lý của việc đăng ký tài sản cũng được ông Đặng Trường Sơn (Ngân hàng ACB) cho biết, có nhiều trường hợp ngân hàng và khách hàng đăng ký giao dịch bảo đảm, đã được cơ quan chức năng xác minh, làm đủ hết các bước nhưng đến khi có tranh chấp ra tòa, chỉ cần một tờ giấy viết tay nói tài sản trước đó đã có giao dịch là tài sản bị đóng băng. “DN mất nhiều thời gian, tiền của, công sức đổ vào tài sản đó, người ta cũng đã tin tưởng vào việc đăng ký tài sản rồi mà lại không được bảo vệ. Đây chính là bất cập của hoạt động đăng ký tài sản hiện nay”, ông Sơn nói.

Theo bà Nguyễn Chi Lan, sở dĩ có tình trạng này là do hoạt động đăng ký tài sản hiện nay chưa làm rõ lịch sử hình thành tài sản, chưa ghi nhận rõ quyền hưởng dụng hay quyền bề mặt… dẫn đến việc giao dịch tài sản thiếu an toàn. Theo bà Lan, ở nhiều nước phát triển, đi kèm với việc đăng ký tài sản, họ đồng thời tiến hành bảo hiểm đối với quyền sở hữu tài sản, tức thành lập một quỹ để bồi thường đối với tài sản giao dịch gặp rủi ro.

Từ các phân tích trên, các chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất Việt Nam cần xây dựng luật riêng về đăng ký tài sản và đăng ký giao dịch bảo đảm vì nó không chỉ giúp chống tham nhũng... mà còn góp phần bảo vệ quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, xuất phát từ những bất cập đã đang diễn ra, ông Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng, cơ quan xây dựng pháp luật không nên tiếp cận việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm theo hướng chủ yếu phục vụ cho quản lý, dễ cho cơ quan quản lý, điều này có lẽ chỉ phù hợp với cơ chế quan liêu, bao cấp, không phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay.

Theo ông, với tài sản bắt buộc đăng ký thì việc đăng ký tài sản đương nhiên cần đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, nhưng phải xác định đó không phải là mục đích duy nhất, càng không phải là mục tiêu chính, mà mục tiêu chính, cơ bản phải là hướng đến phục vụ các chủ thể có quyền tài sản, bảo đảm an toàn cho các chủ thể bao gồm: chủ sở hữu, sử dụng, chủ có quyền tài sản khác, quyền và lợi ích của các bên, và quan trọng là góp phần huy động, thúc đẩy được nhiều nguồn lực tài chính vào thị trường, vận hành trên hành lang pháp lý an toàn.

Đồng thời, cần quy định rõ quy trình thực hiện công khai thông tin, về tình trạng pháp lý của tài sản. Một khi đã minh mạch hóa thông tin, tình trạng pháp lý về tài sản thì rủi do mà các bên có thể gặp sẽ giảm, sẽ thúc đẩy giao lưu dân sự, tăng tính ổn định cho giao dịch. Cùng với đó, các tranh chấp sẽ giảm và nếu có tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ dễ dàng khi thu thập, kiểm tra thông tin, và việc giải quyết sẽ thuận lợi, nhanh chóng, chính xác. Việc này cũng sẽ góp một phần vào cải thiện chỉ số hợp đồng khi đánh giá về năng lực cạnh tranh ở Việt Nam.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/luat-dang-ky-tai-san-giup-ngan-hang-hoa-giai-rui-ro-74472.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.