Ý thức kém, hay đùa với tính mạng?

Bao nhiêu vụ tai nạn trong số đó là do cố tình vi phạm giao thông? Bao nhiêu người chết và bị thương là do ý thức kém của người tham gia giao thông? Bao nhiêu gia đình mất người thân vì những chiếc “xe điên”, hay những người lớn để con trẻ cầm lái? 
Bấm còi xe - “đặc sản” của người Việt
Nỗ lực giảm thiểu xe “quái vật”

Mấy ngày qua, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Đó là vụ xe khách 16 chỗ gặp tai nạn trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, rồi xe cứu hỏa làm nhiệm vụ cứu hộ lại tiếp tục gặp tai nạn. Đã có người chết và nhiều người bị thương. Nhưng, trong dòng chảy thông tin thương tâm đó, một clip tiếp tục làm dư luận quan tâm, bức xúc khác cũng xuất hiện, là câu chuyện một cậu bé lái xe chạy trên đường phố tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Ý thức kém, hay đùa với tính mạng?
Hình cắt từ clip

Một tài khoản facebook tên Phuc Truong đăng tải đoạn clip dài 14 giây cho thấy trong hình một cậu bé ngồi ở vị trí người lái, đầu chỉ cao hơn vô lăng một chút, đang điều khiển một chiếc xe tải nhỏ chạy trên đường. Ngồi bên cạnh là một người đàn ông, đang chỉ bảo cậu lái xe. Người đi đường hét lên đề nghị người đàn ông cho cậu bé xuống.

“Cả phố hết hồn khi thấy cậu bé lái xe tải chở bố chạy băng băng trên đường ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Bố mẹ ý thức kém quá, xem thường tính mạng người đi đường”, tài khoản Phuc Truong bình luận.

Bức xúc là tâm trạng chung của nhiều người khi xem clip nói trên. Tài khoản Lien Pham bình luận: “Phải có hình phạt cho những người lớn, để họ sống hiểu biết hơn”. Cùng quan điểm, tài khoản có tên Thuhuyen Bui chia sẻ: “Hay ho gì đâu coi thường tính mạng người khác, phạt ông bố này thật nặng”.

Không rõ việc để một đứa trẻ nhỏ lái xe như trường hợp này là nhằm mục đích gì? Nhưng có một điều rất rõ ràng, đó là hành vi ngang nhiên vi phạm pháp luật. Bởi theo quy định hiện nay, độ tuổi được phép lái xe phải từ 18 trở lên, riêng các loại xe tải hạng nặng, xe chở người trên 9 chỗ ngồi còn có quy định độ tuổi cao hơn.

Không những thế, việc vi phạm pháp luật nêu trên còn đem đến rủi ro mất an toàn, đe dọa tính mạng của người tham gia giao thông khác và cho chính bản thân những người trên chiếc xe tải trên. “Dù là đi không nhanh, nhưng tham gia giao thông thì không thể nói trước được điều gì, kể cả với những người lái tốt và có nhiều kinh nghiệm”, anh Thọ, một lái xe lâu năm bình luận.

Thực thế. Xã hội ngày càng phát triển, việc sở hữu ô tô càng thêm phổ biến. Chiếc xe không chỉ là tài sản lớn của một gia đình, mà còn giúp cho việc đi lại thuận tiện hơn, giải quyết được nhiều nhu cầu khác nữa của con người. Đó cũng là một phương tiện phục vụ phát triển kinh tế. Nhưng, đằng sau những lợi ích như thế còn có những con số đau xót về thương tật, về tính mạng con người.

Trong báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ tính 2 tháng đầu năm nay, bình quân 1 ngày trên địa bàn cả nước xảy ra 54 vụ tai nạn giao thông làm 24 người chết, 13 người bị thương và 28 người bị thương nhẹ. Riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã xảy ra 296 vụ tai nạn giao thông làm 195 người chết và 199 người bị thương…

Bao nhiêu vụ tai nạn trong số đó là do cố tình vi phạm giao thông? Bao nhiêu người chết và bị thương là do ý thức kém của người tham gia giao thông? Bao nhiêu gia đình mất người thân vì những chiếc “xe điên”, hay những người lớn để con trẻ cầm lái? Không có dữ liệu rõ ràng nào để trả lời cho những câu hỏi đó. Chỉ biết rằng, đằng sau mỗi tai nạn giao thông, sau mỗi người chết và bị thương là cả xã hội phải gánh chịu, từ chi phí khám chữa bệnh, chôn cất, đến sửa chữa, thay thế phương tiện bị hỏng…

Nhiều người vợ trẻ tiễn chồng đi làm buổi sáng, để buổi chiều nhận xác chồng sau tai nạn giao thông. Có bà mẹ già chờ con về, để rồi buộc phải chít khăn tang. Đã bao gia đình mất mát cay đắng như thế. Cho nên, những hành động vi phạm pháp luật về giao thông, gây mất an toàn, đe dọa tính mạng con người như trường hợp để trẻ em lái xe tải như trên cần phải bị xử phạt nghiêm khắc nhất. Bởi đó không chỉ là ý thức kém, mà là coi thường tính mạng người khác, đùa với tính mạng chính mình.

Với tư cách một người tham gia giao thông, hàng ngày “sống trong sợ hãi” mỗi khi ra đường và thấy lái xe vừa đi vừa nhắn tin, gọi điện thoại, thậm chí… chơi game, tôi đồng tình với rất nhiều người ở điểm này, là phải tăng hình phạt đối với các vi phạm giao thông cố ý.

Không chỉ phạt tiền theo quy định pháp luật, mà còn có thể phạt thật nặng theo năng lực tài chính của người vi phạm. Không chỉ thu bằng lái mà còn nên treo tay lái trong một thời gian nhất định. Vi phạm tiếp cần có hình thức phạt tăng nặng. Làm sao để trật tự giao thông được thiết lập vững chắc, để trẻ em ra đường được an toàn trên ô tô, chứ không phải rủi ro sau tay lái.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/y-thuc-kem-hay-dua-voi-tinh-mang-73966.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.