Căn chung cư nơi tôi ở có ban công nhìn chéo về khu trường học cấp I và II đông học sinh vào bậc nhất của Hà Nội. Mỗi sáng, từ hơn 7 giờ, hàng trăm xe chở học sinh từ nhiều nơi trong thành phố đổ về đây. Muộn hơn một chút, xe của phụ huynh học sinh đưa con đi học bắt đầu chen kín con đường chính vào khu đô thị.
![]() |
Nhiều lái xe tay luôn chực chờ trên còi xe, sẵn sàng bấm bất cứ lúc nào |
Suốt khoảng 1 giờ đồng hồ học sinh đến trường đó, tiếng còi xe dường như không bao giờ dứt. “Giàn đồng ca” khi thì hỗn loạn âm trầm, âm bổng, khi lại rú lên từng hồi dài gay gắt. Chỉ đến khi học sinh đã yên vị trong lớp và các vị phụ huynh vội vã tới sở làm, khu đô thị mới được trở lại là không gian bình yên vốn có.
Khỏi phải nói tiếng còi xe đã xáo trộn cuộc sống, làm phiền nhiều cư dân khu đô thị như thế nào. Trên các diễn đàn cư dân, nhiều bà mẹ trẻ than thở thức cả đêm trông con ốm mà khi vừa chợp mắt thì từng hồi còi xe đã dựng dậy. Những đứa trẻ đang mơ màng vội khóc thét. Nhiều người già giật mình đánh rơi cốc nước vừa cầm lên tay. Cậu cảnh sát cơ động vừa chợp mắt sau đêm trực căng thẳng bỗng hoảng hồn choàng dậy, tưởng vẫn còn đang trên đường làm nhiệm vụ…
Nhưng, viễn cảnh đó không chỉ xảy ra ở các cơ sở giáo dục, khi học sinh vào học hay tan trường. Bạn có thể gặp những âm thanh hỗn loạn ấy từng phút, trên mỗi đoạn đường khắp thành phố, nhất là tại các ngã ba, ngã tư. Xe máy còi nhỏ, ô tô còi to, xe tải lại càng inh tai nhức óc. Đi ở trên đường, hãy chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón những luồng âm thanh “quạt” thẳng vào mặt...
Tiếng còi xe mang lại nhiều phiền phức là thế, nhưng cánh lái xe có nhiều lý do bào chữa cho việc bấm còi bất kể giờ giấc của mình. Đa số cho rằng việc bấm còi xe nhiều và thường xuyên là do trên đường có nhiều loại phương tiện, tham gia giao thông với các tốc độ khác nhau nên chèn lấn các tuyến đường của nhau; do phương tiện khác không tuân thủ làn đường quy định nên phải bấm còi cảnh báo; do phụ nữ bất ngờ rẽ mà không xi-nhan thông báo, nên phải bấm còi trước; rồi do vỉa hè bị lấn chiếm khiến người đi bộ đi xuống phần đường dành cho xe cơ giới, vậy là lại bấm còi; rồi hàng rong lấn đường, người đỗ xe chờ con chiếm đường… Bấm còi mãi thành quen, nên nhiều lái xe tay luôn chực chờ trên còi xe, sẵn sàng bấm bất cứ lúc nào, đôi khi chỉ là hòa vào giai điệu bài hát trên radio.
Lại cũng chuyện bấm còi, nhưng nhiều lúc vô duyên bất tận. Có khi nào đó, đang đậu xe đèn đỏ thì xe đằng sau tiến tới bấm còi xin vượt… Hay nhiều lúc, đèn đỏ vẫn còn vài giây, nhưng ô tô đằng sau đã còi hối thúc người đằng trước vượt lên. Đang đỗ xe ven đường, chợt nghe tiếng còi ô tô mời rời đi để đỗ vào chỗ mình đang đứng.
Còi xe, cứ như thế, giờ đây vừa là tiếng cảnh báo người tham gia giao thông khác, vừa như lời hối thúc hoặc xin xỏ, đôi khi cả mắng người khác không chịu vượt đèn đỏ sớm vài giây. Tiếng còi dường như đã là nhịp thở đô thị, ông ổng mỗi ngày từ sáng sớm đến đêm khuya, ở mọi góc đô thị.
Trong khi đó, ở nhiều nước mà người viết từng đi qua, tiếng còi xe trong văn hóa giao thông rất khác, hiếm và mang thông điệp nhắc nhở. Chẳng hạn, người lái xe bấm còi để nhắc người khác vừa đi ẩu quá, lần sau đừng đi như thế; lưu ý anh bạn tập trung khi ra đường, không nghe điện thoại di động khi lái xe…
Với người nước ngoài, cái còi xe được sinh ra là phương tiện cảnh báo, nhưng cũng gắn với văn hóa của người lái xe. Bạn bấm còi không đúng lúc, đúng chỗ, đáng bấm là thể hiện văn hóa kém, vì mỗi tiếng còi đều tham gia làm ô nhiễm âm thanh, ảnh hưởng đến xã hội và những người cùng tham gia giao thông. Biển báo hạn chế dùng còi chỉ đặt ở gần trường học, bệnh viện.
Nhưng với Việt Nam, vấn đề trở nên “nhức nhối” hơn nhiều. Đã từng có nhiều tai nạn thương tâm mà nguyên nhân xuất phát từ những tiếng còi xe “giật thót” ấy. Cách đây vài năm, khi chị Phan Thị Thanh (44 tuổi, trú xã An Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) chạy xe máy từ quốc lộ 51 chuyển hướng sang quốc lộ 1A thuộc địa phận phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa thì bất ngờ nghe tiếng còi xe rất to từ phía sau.
Chị Thanh giật mình và bị ngã. Chiếc xe ben lao tới đã cán chị Thanh tử vong tại chỗ. Hay vụ việc thương tâm khác đã diễn ra tại địa bàn phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, An Giang, khi anh Nam chở vợ mang bầu chạy xe trên quốc lộ 91 thì nghe tiếng còi xe inh ỏi phía sau. Anh Nam giật mình, loạng choạng tay lái nên xảy ra va chạm, vợ anh chết tại chỗ...
Khi vấn đề đã trở nên nghiêm trọng hơn, vào năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và đường sắt. Theo đó, tại tiết b, khoản 3, Điều 5 quy định phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi… trong đô thị, khu đông dân cư.
Cho đến hiện tại, người viết chưa nắm được thông tin nào về số vụ việc cũng như tổng số tiền xử phạt cho hành vi bấm còi vi phạm quy định của pháp luật, nhưng với tình cảnh tiếng còi xe vẫn cất lên mọi lúc và mọi nơi như hiện nay, có thể khẳng định việc thực thi quy định trên là chưa nghiêm. Câu hỏi đặt ra là, khi nào văn hóa bấm còi được hình thành trong đời sống đô thị? Khi nào, bấm còi hết là một “đặc sản” của người Việt?
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/bam-coi-xe-dac-san-cua-nguoi-viet-73497.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.