Doanh nghiệp xuất khẩu lợi gì ở UAE?

UAE từ lâu được đánh giá là thị trường có tiềm năng rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam...
Các DN xuất khẩu trái cây sang UAE cần cẩn trọng
Tận dụng “khách sộp” ở UAE
Doanh nghiệp xuất khẩu lợi gì ở UAE?
Ảnh minh họa

Theo ông Phạm Trung Nghĩa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), đây là thị trường mở, tiêu dùng nội địa chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu với thuế suất thấp (từ 0% - 5%) đối với hầu hết các loại hàng hóa và có sức mua lớn.

Cùng với đó, số lượng người nhập cư và khách du lịch lớn nên nhu cầu sản phẩm đa dạng về chủng loại, chất lượng. Nền kinh tế UAE đang tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt là các ngành du lịch, xây dựng, tài chính, bất động sản, dầu khí, điện, hàng không...

Trong khu vực Trung Đông, UAE hiện nay là nền kinh tế năng động nhất, với vai trò là trung tâm tái xuất hàng hoá lớn thứ ba thế giới (sau Hồng Kông và Singapore) trong hoạt động thương mại, là cửa ngõ quan trọng để trung chuyển hàng hoá vào châu Phi và châu Âu (EU).

UAE từ lâu được đánh giá là thị trường có tiềm năng rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt hiện nay, chính sách của quốc gia này là định hướng mở rộng hoạt động và phát triển thị trường sang khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam.

Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại UAE đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang UAE. Đặc biệt, là nhóm hàng nông sản và vật liệu xây dựng. Đối với hàng nông sản, UAE nhập khẩu nhiều các mặt hàng rau, củ, quả từ khoảng 20 quốc gia (chủ yếu từ Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nam Phi…).

Năm 2017 vừa qua, Việt Nam xuất khẩu trên 5 tỷ USD các mặt hàng thủy sản, rau quả, hạt điều, bánh kẹo, ngũ cốc. Cho đến thời điểm này, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã tiếp cận được thị trường UAE như chuối, xoài, thanh long, chôm chôm, nhãn, măng cụt… được người tiêu dùng ở đây ưa chuộng. Nhu cầu của thị trường UAE về vật liệu xây dựng cũng rất lớn.

Những năm gần đây, các dự án xây dựng của UAE ngày càng nhiều, tổng mức đầu tư cao, lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm. Hạng mục được đầu tư lớn là các dự án hạ tầng, bất động sản, du lịch và giải trí, tập trung tại hai Tiểu vương quốc Abu Dhabi và Dubai.

Đáng chú ý, Dubai đã giành quyền đăng cai Triển lãm quốc tế World Expo 2020 với mức đầu tư hạ tầng lên đến 7 tỷ USD, góp phần làm tăng nhu cầu vật liệu xây dựng. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng vật liệu xây dựng (như thép, xi măng) sang UAE.

Tại khu vực Trung Đông, Thủ đô Dubai của UAE chỉ có khoảng trên 1,5 triệu dân, nhưng người tiêu dùng Dubai là những khách hàng giàu có, thu nhập đầu người trên 20.000 USD/năm (khoảng hơn 400 triệu đồng), vì thế sức mua ở thị trường này rất lớn. Hàng hóa xuất vào Dubai không hạn định về số lượng và chủng loại (trừ những mặt hàng cấm nhập khẩu như thịt, mỡ lợn) bởi ngoài tiêu dùng trong nước, Dubai còn là một trong ba thị trường trung chuyển lớn nhất thế giới, sang thị trường châu Phi rộng lớn và toàn bộ khu vực Trung Đông.

Đối với Việt Nam, UAE là một trong những đối tác thương mại hàng đầu tại khu vực Trung Đông và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam trên thế giới.

Xác định đây là thị trường rất tiềm năng, vì vậy Thương vụ Việt Nam tại UAE khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu Việt tăng cường khảo sát, thông qua việc tham gia hội chợ, hội thảo, đẩy mạnh ứng dụng và khai thác thương mại điện tử (phương thức buôn bán mới đang rất phát triển tại UAE).

Trong quá trình giao dịch mua bán, doanh nghiệp chú ý bảo quản hàng hóa tốt, đảm bảo chất lượng. Về lâu dài, rất cần thiết lập chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu, nhà phân phối sản phẩm tại UAE… để đảm bảo được nguồn cung ổn định.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-loi-gi-o-uae-72913.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.