Loạn tem mác hoa quả nhập khẩu

Những loại trái cây đã được dán tem có thực sự an toàn cho người sử dụng?
Phát triển chuỗi tiêu thụ rau, thịt an toàn: Nhu cầu cấp thiết
Giá cao vì tâm lý đám đông

Xuất hiện tràn lan

Hiện nay trên thị trường, mỗi loại sản phẩm trái cây nhập khẩu đều được dán tem để người tiêu dùng có thể biết một số thông tin cơ bản về nguồn gốc xuất xứ, giá thành… Và trước thực trạng thực phẩm sạch và bẩn đang được bày bán lẫn lộn thì những mã vạch trên tem lại càng được nhiều người tiêu dùng chú trọng, coi đó là cách phân biệt chất lượng sản phẩm. Vì thế, những chiếc tem mặc nhiên trở thành “thần hộ mệnh” của những loại trái cây này.

Loạn tem mác hoa quả nhập khẩu
Các loại hoa quả nhập khẩu được bày bán tràn lan trên thị trường

Dạo quanh một vòng tại các siêu thị, chợ, đại lý bán trái cây lớn nhỏ trên địa bàn TP. Đà Nẵng, nhiều loại trái cây như: táo, cam, lê, nho, kiwi, dưa hấu… được bày bán rất đa dạng với nhiều mức giá khác nhau. Chúng đều mang trên mình một loại nhãn mác riêng biệt. Người mua như lạc vào mê hồn trận bởi quá nhiều loại trái cây đến từ các nước khác nhau.

Khảo sát tại một số siêu thị lớn trên địa bàn TP. Đà Nẵng như: Co.opmart, Vinmart, BigC… giá các loại táo nhập khẩu có giá dao động từ 60.000 – 200.000 đồng/kg, lê Hàn Quốc có giá từ 75.000 – 140.000 đồng/kg, cam Úc có giá từ 60.000 – 100.000 đồng/kg, kiwi có giá từ 85.000 – 100.000 đồng/kg, nho có giá từ 60.000 – 120.000 đồng/kg…

Tại chợ đầu mối Hòa Cường, hàng loạt thùng trái cây với chi chít chữ Trung Quốc được đặt ở nhiều sạp hàng. Khi hỏi mua một thùng táo trọng lượng 6kg, người viết được báo giá bán 150.000 đồng. Như vậy, tính ra mỗi kg táo có gắn tem nhập khẩu này chỉ có 25.000 đồng. Không chỉ tại các siêu thị, chợ lớn nhỏ mà ngay tại những chiếc xe đẩy, gánh hàng rong dọc các tuyến đường cũng không thiếu các loại trái cây được dán tem nhập khẩu với mức giá vô cùng hấp dẫn.

Người tiêu dùng chần chừ khi chọn mua những loại trái cây này, người bán liền khẳng định đó là trái cây nhập khẩu từ nước ngoài và có tem dán hẳn hỏi. Thế nhưng khi được hỏi về nguồn gốc của những chiếc tem đó, hầu như ai cũng lúng túng và không đưa ra được câu trả lời.

Về phía người tiêu dùng, họ vẫn chọn mua những sản phẩm có dán tem mác để yên tâm sử dụng. Chị Quỳnh Anh – trú tại Cẩm Lệ, Đà Nẵng cho biết. Khi chọn mua trái cây, chị hay chọn những loại có dán nhãn mác và ghi nước xuất khẩu trên đó rõ ràng. Chị không rõ nguồn gốc của những cái tem này là ở đâu nhưng khi mua như vậy, chị cũng cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Khi lựa chọn hoa quả, nhiều người tiêu dùng chọn những loại có mẫu mã, màu sắc bắt mắt và có dán tem nhập khẩu trên đó. Nhưng thực sự đã có mấy ai hiểu về những chiếc tem này hay chưa? Bản thân người viết khi nhìn vào những chiếc tem này, thứ duy nhất mà tôi biết là tên của các nước xuất khẩu trái cây đó như: USA, New Zealand, Australia…

Đang mua sắm tại siêu thị Co.opmart, anh Thành Đạt – trú tại quận Hải Châu, Đà Nẵng chia sẻ, anh hay vào siêu thị để tìm mua các loại trái cây, đặc biệt là táo để sử dụng. Mặc dù, cũng không rõ về nguồn gốc xuất xứ của những chiếc tem được dán trên hoa quả, nhưng anh chọn mua vì đặt niềm tin vào sự uy tín của các siêu thị lớn.

Có thể thấy rằng, bán những loại hoa quả có tem mác chỉ là bán sự yên tâm cho phần lớn người tiêu dùng, chứ chưa chứng minh được chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Khó kiểm soát chất lượng

Tem mác hoa quả được dán tràn lan. Thế nhưng đâu là giả, đâu là thật thì khó có thể kiểm chứng được. Theo tìm hiểu của người viết, hiện chưa có quy định nào cụ thể về các loại tem mác được dán trên hoa quả.

Điểm chung của các loại tem mác này đều có 3 thông tin chính. Thứ nhất, mã vạch với dãy 12 hoặc 13 chữ số để người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin và định giá sản phẩm. Thứ hai, mã PLU với 4 chữ số, sẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm mà gia đình mình ưu tiên. Dãy 4 chữ số này chỉ mang ý nghĩa tra cứu thông tin sản phẩm chứ không có chức năng pháp lý kiểm định chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Thứ ba, tên của nước xuất khẩu loại trái cây đó.

Người viết sử dụng ứng dụng icheck và Search PLU để thử kiểm tra những sản phẩm trái cây nhập khẩu đang được bày bán thì vẫn tồn tại số lượng lớn những tem mác không hiển thị thông tin qua hai phần mềm này.

Có thể nói, do sự phát triển ồ ạt của thị trường và nhu cầu cao của người tiêu dùng, một số cơ sở kinh doanh đã lợi dụng uy tín của những loại trái cây nhập khẩu, trà trộn những loại cùng tên, giống về hình dáng để bán. Từ đó kéo theo tình trạng xuất hiện của những loại trái cây không rõ nguồn gốc tồn dư chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng là không tránh khỏi.

Trên thực tế nhiều tiểu thương, doanh nghiệp đã nhập khẩu trái cây từ Trung Quốc. Sau đó, mua hoặc đặt các công ty in ấn tem mác theo yêu cầu để dán lên các loại hoa quả trước khi bày bán. Vậy nếu người tiêu dùng chỉ dựa vào tem mác và mã vạch được in ấn trên đó để kiểm định chất lượng của sản phẩm thì chưa đủ.

Hiện nay, việc kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm cũng như giá cả của các loại hoa quả nói chung và thực phẩm nhập khẩu nói riêng đang là vấn đề khó khăn đối với các ngành chức năng. Thế nên, người tiêu dùng phải cẩn trọng, tỉnh táo khi chọn mua những sản phẩm hoa quả để đảm bảo chất lượng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/loan-tem-mac-hoa-qua-nhap-khau-72828.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.