Cùng vun đắp tương lai chung
08:00 | 17/02/2018
Những kết quả tích cực của hợp tác APEC năm 2017 về tài chính toàn diện do NHNN chủ trì, điều phối lại một lần nữa được ghi nhận và phản ánh đậm nét trong Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao và Tuyên bố Đà Nẵng của các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC.
![]() | Thúc đẩy tài chính vi mô và chiến lược tài chính toàn diện |
![]() | Một số thay đổi của tổ chức TCVM phải được NHNN chấp thuận |
![]() | Tạo điều kiện, khuyến khích phát triển tài chính vi mô |
Từ câu chuyện của những người yếu thế…
Chúng tôi cũng đã từng theo chân cán bộ của các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) đến thăm nhiều mô hình làm kinh tế của hộ gia đình, cộng đồng nhỏ, hay những DN siêu nhỏ. Một gia đình ở Nghệ An có hai vợ chồng già với cậu con trai hơn 20 xuân xanh nhưng chỉ biết cười ngô nghê khi khách đến. Chỉ với 1 triệu đồng vốn vay họ mua nguyên liệu để đan rổ, rá và các vật dụng khác bằng mây, tre đã giúp cuộc sống thoát khỏi cảnh bữa no, bữa đói. Hay với vài trăm ngàn đồng vay từ tổ chức TCVM Thanh Hóa, một người già neo đơn có thể bày bán vài thứ lặt vặt, mẹt rau, đủ sống qua ngày…
Không chỉ ở Việt Nam, đây cũng có thể là những bức ảnh chụp cận cảnh về cuộc sống của những người yếu thế ở nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
![]() |
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại diễn đàn APEC 2017 |
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được thành lập vào năm 1989. Từ 12 nền kinh tế sáng lập, tới nay, APEC đã quy tụ 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 39% dân số thế giới, 57% GDP toàn cầu và 50% thương mại toàn cầu. APEC có những thành viên là các nước phát triển, GDP bình quân đầu người từ 35.000 USD đến hơn 87.000 USD/người/năm. Nhưng cũng có quốc gia con số này chỉ là 3.500 USD (năm 2016).
Trước năm 2015, hợp tác tài chính APEC chủ yếu tập trung vào các chủ đề liên quan đến quản lý tài chính công, phát triển thị trường tài chính… Tuy nhiên kể từ APEC 2015, đặc biệt là sau khi các Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua Kế hoạch hành động Cebu (CAP) tại Philippines, đưa ra định hướng hợp tác của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC (FMP) đến năm 2025 thì việc tham gia của NHTW các nước thành viên trong các chủ đề, sáng kiến hợp tác tài chính APEC ngày càng trở nên đa dạng và sâu sắc.
![]() |
Trong năm APEC 2017, NHNN đã chủ trì đăng cai nhiều hội thảo quốc tế quan trọng |
Đến vấn đề của khu vực và toàn cầu
Với vai trò đại diện cho nước chủ nhà APEC, trong khuôn khổ Tiến trình FMP 2017, NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính chủ trì, tổ chức hai chuỗi sự kiện hợp tác xoay quanh bốn chủ đề ưu tiên, gồm các sự kiện chính thức, là các Hội nghị cấp Bộ trưởng, cấp Thứ trưởng, Phó Thống đốc NHTW và cấp Quan chức Tài chính cấp cao. Cùng với đó là các sự kiện bên lề, các hội nghị, hội thảo, nghiên cứu và hợp tác chuyên đề. Trong bốn chủ đề hợp tác ưu tiên của năm nay về tài chính - ngân hàng, NHNN là cơ quan chủ trì, xây dựng nội dung và điều phối các quan hệ hợp tác APEC về chủ đề Tài chính Toàn diện.
Ngay từ cuối năm 2016, trên cơ sở tham vấn với các nền kinh tế thành viên APEC và các đối tác phát triển quốc tế, căn cứ vào nhu cầu và đặc thù phát triển của Việt Nam, NHNN đã đề xuất các hoạt động hợp tác APEC 2017 về tài chính toàn diện hướng đến mục tiêu phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn. Từ định hướng này, NHNN đã hợp tác chặt chẽ với các thành viên APEC, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả cả trên bình diện song phương và đa phương mà trọng tâm là các diễn đàn về tài chính toàn diện.
![]() |
NHNN chủ trì đăng cai ba hội thảo quốc tế về Trao đổi Thông tin tín dụng xuyên biên giới (tháng 5/2017 tại Ninh Bình); Diễn đàn APEC thường niên lần thứ 8 về Tài chính toàn diện và Hội nghị APEC lần thứ 4 của Mạng lưới phát triển cơ sở hạ tầng tài chính (FIDN) về Cải cách cơ sở hạ tầng tài chính, cùng diễn ra tại Hội An, Quảng Nam (tháng 7/2017).
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, những kết quả tích cực của hợp tác APEC năm 2017 về tài chính toàn diện do NHNN chủ trì, điều phối lại một lần nữa được ghi nhận và phản ánh đậm nét trong Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao và Tuyên bố Đà Nẵng của các nhà Lãnh đạo (Nguyên thủ) các nền kinh tế APEC. Tại các diễn đàn này, tài chính toàn diện cũng đã được các nhà lãnh đạo APEC công nhận là một trong ba trụ cột chính trong hợp tác APEC nhiều năm tới, bên cạnh trụ cột về kinh tế và xã hội để hướng tới tầm nhìn Phát triển bền vững khu vực APEC đến năm 2030.
Nhóm phóng viên