Lo doanh nghiệp “li ti hoá” quy mô
16:00 | 26/01/2018
Để hưởng lợi từ mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, yếu tố quy mô doanh nghiệp là rất quan trọng
![]() | Gian lận thương mại ngày càng phức tạp |
![]() | Mặt trái của chiến lược mở rộng nhanh |
![]() | Công bố Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam |
Bảng xếp hạng Top 500 DN lớn nhất Việt Nam (VNR500) do Vietnam Report công bố hôm đầu tháng 12 vừa qua đã cung cấp một thông tin sáng lạn về bức tranh khối DN trong nước. Đó là nếu như 10 năm trước trong top 500 DN lớn nhất chỉ có 20% là DN tư nhân, thì đến năm 2017 số này đã tăng lên gấp gần 2,5 lần. Song ngay cuối tuần qua, thông tin khác cũng về bức tranh DN được Tổng cục Thống kê công bố, lại cho thấy một mảng tối đối lập là quy mô trung bình của DN tư nhân Việt Nam đang nhỏ dần.
![]() |
Đầu tư nhiều hơn vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động của DN |
Xu thế tất yếu của thế giới có phù hợp Việt Nam?
Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 1/1/2017 số DN quy mô lớn chiếm 1,9% tổng số DN của cả nước, giảm so với tỷ lệ 2,3% của năm 2012. Như vậy tính đến năm 2017, DNNVV chiếm tới 98,1% tổng số DN trong nền kinh tế. Tỷ trọng DN lớn thu hẹp dần là do khối DNNVV đã tăng lên rất nhanh chóng sau 5 năm của giai đoạn 2012-2017.
Cụ thể so với năm 2012, DN vừa tăng 23,6%, DN nhỏ tăng 21,2% và DN siêu nhỏ tăng tới 65,5%. Tính riêng DN siêu nhỏ chiếm tới 74% tổng số DN trong nền kinh tế. Đáng chú ý là tỷ trọng các DN nhỏ và DN vừa tăng tới 6 điểm % so với năm 2012 trong khi tỷ trọng lao động giảm 0,8 điểm %, cho thấy qui mô DN đang nhỏ dần.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá xu thế DNNVV chiếm áp đảo là hiện tượng khách quan, diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nền kinh tế phát triển. Ông Cương cho biết, các nền kinh tế càng phát triển thì số lượng DN nhỏ càng nhiều. Ví dụ ở Mỹ có trên 29 triệu DN thì khoảng 22 triệu là DN 1 chủ; quy mô lao động trung bình của DN nước này nhỏ hơn Việt Nam. Các nền kinh tế tương tự khác cũng vậy, số DN có thành viên quy mô nhỏ rất nhiều.
Ông Cương phân tích, thực chất xu hướng này thể hiện khả năng độc lập của một nhóm cá nhân, vì trong một nền kinh tế phát triển, DN càng nhiều ban bệ thì sự linh hoạt, sức cạnh tranh càng kém.
Ông cho biết thêm, số lao động trung bình tham gia đóng góp vào DN thấp hơn còn chứng tỏ môi trường kinh doanh hiệu quả hơn. Hiện nay số lao động trung bình trong một DN của Việt Nam là 27 người, thì các nền kinh tế phát triển chỉ khoảng 20 người thậm chí còn thấp hơn. “Từ góc độ phát triển DN thì số lượng lao động trung bình trên 1 DN không phải con số có thể đánh giá chất lượng DN. Vì vậy đây không phải diễn biến tiêu cực mà là xu thế khách quan”, ông Cương nhấn mạnh.
Quy mô nào là thích hợp?
Tổng cục Thống kê cho biết, với các dữ liệu thu thập ban đầu, hiện chưa thể đánh giá cụ thể là xu hướng thu nhỏ của DN Việt Nam là tích cực hay tiêu cực. Thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục phân tích các chỉ tiêu số liệu khác liên quan tới doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, khả năng ứng dụng công nghệ… để cung cấp bức tranh tổng thể hơn về tình trạng DN Việt Nam không chịu lớn.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, xu hướng DN chậm lớn đã được cảnh báo từ vài năm trở lại đây. Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, trong bối cảnh nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, gắn với các ngành mà Việt Nam hưởng lợi điển hình về mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như điện tử, dệt may, thủy sản, nông sản… thì yếu tố quy mô rất cần được chú trọng. Để tận dụng lợi thế từ việc tham gia các mô hình sản xuất theo mạng, chuỗi thì rất cần có các DN đủ lớn. Tuy nhiên tình hình thực tế lại cho thấy DN Việt Nam không lớn lên được, thậm chí còn có xu hướng cá thể hóa, li ti hóa.
Dẫn kết quả từ nghiên cứu về năng suất lao động của Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, người đứng đầu cơ quan này cho biết, quy mô tối ưu của DN Việt Nam là từ 50-99 lao động. Ở quy mô này, DN có năng suất lao động cao nhất và cao hơn 50,6% so với nhóm có quy mô siêu nhỏ. DN có từ 100 đến dưới 300 lao động có năng suất cao thứ 2 và cao hơn DN siêu nhỏ khoảng 49,5%. Đây chính là những gợi ý từ thực tế để chúng ta tập trung xây dựng các nhóm DN có quy mô phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế.
Còn theo chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan, các nước phát triển có xu hướng dịch chuyển dần sang các ngành dịch vụ, vì vậy quy mô DN cũng thu hẹp lại. Đây là xu thế tất yếu tại các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ phát triển cao. Tuy nhiên hiện nay Việt Nam chưa lên tới ngưỡng đó, do vậy xu hướng dịch chuyển sang ngành dịch vụ thời gian qua chưa thể hiện được sự gia tăng năng suất lao động cũng như tăng chất lượng, hiệu quả của khối DN.
Bà Lan dẫn chứng, khu vực dịch vụ có số lượng DN lớn nhất với 362.000 DN, chiếm 70% tổng số DN, tuy nhiên chưa thấy sự chuyển dịch đáng kể vì bán buôn bán lẻ vẫn đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành này, chưa thấy bóng dáng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như vận tải, logistic…
Ông Nguyễn Bích Lâm cũng lo ngại, DN trong khu vực dịch vụ chiếm tới 70% song phần lớn DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, là cơ cấu chưa thực sự lành mạnh. Ông Lâm cho rằng cần thay đổi theo hướng đầu tư nhiều hơn vào sản xuất để cơ cấu chuyển dịch tích cực hơn và năng suất, hiệu quả được nâng cao hơn.
Ngọc Khanh