Vốn tín dụng gắn kết chính sách địa phương

Đi cùng các chính sách ưu tiên, khuyến khích chung của Chính phủ và NHNN hiện nay, trong bối cảnh làn sóng tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương, các chính sách chủ động hỗ trợ lãi suất vay vốn bằng ngân sách của các tỉnh, thành đang phát huy hiệu quả rất tích cực.
170.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng cho hộ nghèo
Tập trung nguồn lực cho tín dụng “tam nông”
Ngân hàng theo sát chuyển động của nền kinh tế

Những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành trong cả nước thực hiện chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh và đột phá vào các sản phẩm chủ lực, phù hợp với những điều kiện riêng có của địa phương. Trong bối cảnh chuyển dịch đó, hầu hết các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL đã chủ động đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích DN và người dân tập trung nguồn lực phát triển nền kinh tế nông nghiệp. Đa số các chính sách này đều có điểm chung là ngân sách địa phương chủ động trích ra một phần nguồn vốn để hỗ trợ (toàn bộ hoặc một phần) lãi suất vay vốn từ TCTD đối với các dự án của DN và các đơn vị kinh tế tập thể, tư nhân.

Vốn tín dụng gắn kết chính sách địa phương
Ảnh minh họa

Ghi nhận tại TP.HCM và một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL như Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang… hầu hết các chính sách chủ động hỗ trợ lãi suất vay vốn của địa phương đều được các TCTD trên địa bàn gắn kết một cách chặt chẽ và thực hiện cho vay khá hiệu quả.

Theo đó, chỉ tính riêng hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất theo chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (Quyết định 04/2016 của UBND TP.HCM) trong 11 tháng đầu năm 2017, các TCTD trên địa bàn đã cho vay gần 650 tỷ đồng với trên 1.400 DN và hộ dân. Tính lũy kế giai đoạn 2011-2017 nguồn vốn cho vay theo chính sách hỗ trợ lãi suất cho phát triển nông nghiệp của TP.HCM đã đạt trên 6.700 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng vốn đầu tư dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đô thị.

Trong khi đó, theo NHNN chi nhánh tỉnh Long An, trong 11 tháng đầu năm 2017 ngoài việc cho vay theo các chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất chung của Chính phủ và NHNN như: cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, cho vay theo Quyết định 68, Nghị định 55; các TCTD trên địa bàn tỉnh Long An đã cho vay khoảng 6.000 tỷ đồng đối với các dự án phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như lúa gạo, trái cây (thanh long, chanh), thủy sản…

Đa số các khoản vay này đều được các TCTD trên địa bàn thực hiện theo chính sách hỗ trợ DN khi áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và cho vay theo đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Long An. Trong đó, ngân sách địa phương hỗ trợ từ 30%-75% chi phí lãi vay, tùy theo từng loại sản phẩm và dự án.

Tại Đồng Tháp và Tiền Giang tình hình cũng diễn ra tương tự. Thống kê của tỉnh Đồng Tháp, sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp với 5 nhóm ngành chủ lực (lúa gạo, cá tra, xoài, cây - hoa cảnh và chăn nuôi vịt), hầu hết các dự án nông nghiệp đều nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách tín dụng ưu đãi lãi suất theo Quyết định số 37/2015 của địa phương này.

Thống kê của NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, trong các năm 2015-2017 mỗi năm nguồn vốn từ các NHTM cho vay vào lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản tại địa phương tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng. Hàng trăm dự án nông nghiệp lớn nhỏ đều nhận được sự hỗ trợ lãi suất từ các chính sách chung của Chính phủ hoặc chính sách riêng trong đề án tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Như vậy có thể thấy rằng, đi cùng các chính sách ưu tiên, khuyến khích chung của Chính phủ và NHNN hiện nay, trong bối cảnh làn sóng tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương, các chính sách chủ động hỗ trợ lãi suất vay vốn bằng ngân sách của các tỉnh, thành đang phát huy hiệu quả rất tích cực.

Nguồn vốn tín dụng từ các NHTM nhờ các chính sách này lan tỏa khá mạnh mẽ vào cộng đồng DN và các thành phần kinh tế. Điều này một mặt lấp đầy những khoảng trống mà vì nhiều lý do các chính sách chung của Chính phủ chưa được thực hiện hiệu quả. Mặt khác các chính sách ưu đãi đặc thù của từng địa phương cũng gia tăng khả năng chọn lựa và tiếp cận các nguồn hỗ trợ đối với các DN và các tổ chức kinh tế, thúc đẩy tín dụng tăng trưởng thực chất và gắn liền với điều kiện thực tiễn của từng thị trường.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/von-tin-dung-gan-ket-chinh-sach-dia-phuong-71372.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.