Gập ghềnh đồng vốn 67 (Kỳ II)

Sửa đổi NĐ 67 trong thời gian tới cần đưa ra chế tài tránh tình trạng ỷ lại dẫn đến thất thoát vốn
Gập ghềnh đồng vốn 67 (Kỳ I)
Xem xét sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP
Cận cảnh hạ thủy tàu “67” lớn nhất miền Trung

Kỳ II: Cần phải có chế tài đủ mạnh

Ngoài khó khăn từ việc khách hàng vay vốn chưa có ý thức trả nợ, NH còn gặp hàng loạt những khó khăn, vướng mắc khác về cơ chế chính sách khi triển khai cho vay theo NĐ 67. Lãnh đạo một chi nhánh Agribank cho hay: hồ sơ cho vay theo NĐ 67 của Chính phủ rất phức tạp, phải qua nhiều cơ quan chức năng trong khi đó trình độ và khả năng thiết lập hồ sơ của chủ tàu còn hạn chế, NH phải hướng dẫn và cùng với chủ tàu phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện mất rất nhiều thời gian.

Gập ghềnh đồng vốn 67 (Kỳ II)
Sửa đổi NĐ 67 trong thời gian tới cần đưa ra chế tài tránh tình trạng ỷ lại dẫn đến thất thoát vốn

Ngoài ra, chính sách cho vay hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm đối với chủ tàu vay vốn theo NĐ 67 còn bất cập, gây khó khăn cho ngư dân và rủi ro cho NH khi cho vay. Cụ thể, theo NĐ 67 thời hạn cho vay kéo dài trong khi cơ chế hỗ trợ bảo hiểm cho tàu đóng mới theo NĐ 67 thực hiện hàng năm. Nhưng khi hết năm tài chính việc hướng dẫn chế độ bảo hiểm cho năm kế tiếp chưa được kịp thời và theo quy định để tàu được ra khơi hoạt động thì bắt buộc các chủ tàu phải mua bảo hiểm cho con tàu và các thuyền viên.

Đó là trường hợp của chủ tàu Cao Văn Ba ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu; chủ tàu Lê Hội Hưng, Lê Hội Đức ở xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu hay chủ tàu Trương Văn Trông ở thị xã Hoàng Mai đã tự bỏ tiền ra mua bảo hiểm trước. Quả thực, đó là số tiền lớn đối với ngư dân khi họ đã dồn hết vốn của mình tham gia vào dự án đóng tàu. Tuy nhiên, đến nay những ngư dân này vẫn chưa được Nhà nước hoàn trả lại số tiền được hỗ trợ mà mình đã bỏ ra trước đó.

Ở một số địa phương, các đơn vị bảo hiểm đang phân chia ra các địa bàn để bán bảo hiểm cho ngư dân, có đến 4 đơn vị được bán bảo hiểm nhưng mỗi đơn vị lại quản lý 2 - 3 tỉnh, thành, làm cho tính cạnh tranh kém, đơn vị bảo hiểm trở nên độc quyền khi thực hiện khâu bảo hiểm tàu cá cho ngư dân. Một số tàu của dự án 67 khi đưa vào sử dụng đã mua bảo hiểm, quá trình vận hành do nguyên nhân chủ quan của ngư dân làm hỏng hóc máy móc thiết bị nhưng cơ quan bảo hiểm không đền cho ngư dân. Và hàng loạt các vấn đề về kiểm toán giá trị con tàu, giám sát quá trình đóng tàu đảm bảo chất lượng, công tác đăng kiểm tàu cá, cơ chế chuyển nhượng tàu cá khi chủ tàu không có đủ điều kiện khai thác hiệu quả... đều vượt ngoài tầm kiểm soát của Agribank.

“Có thể nói, qua 3 năm triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam về thực hiện chương trình tín dụng phục vụ các chính sách phát triển thủy sản theo NĐ 67, mặc dù phải đối mặt với hàng loạt trở ngại và khó khăn, vướng mắc, nhưng Agribank đã nghiêm túc xác định đây là nhiệm vụ chính trị của NH trước một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Toàn hệ thống Agribank đã hết sức nghiêm túc và nỗ lực, đóng góp vào sự thành công ban đầu của chương trình. Tuy nhiên, nếu tiếp tục triển khai dự án khi không có những điều chỉnh kịp thời về mặt chính sách thì Agribank tiếp tục phải đối mặt với “khó khăn chồng chất khó khăn”, lãnh đạo Agribank chia sẻ.

Có thể thấy, NĐ 67 của Chính phủ mới chỉ có quy định về thực hiện quy trình dự án, nhưng chưa có các chế tài về xử lý sai phạm trong thực hiện dự án. Các ngành, các cấp liên quan cũng không ban hành cơ chế xử lý đối với các chủ tàu không chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Nhà nước cũng như chấp hành quy trình nghiệp vụ cho vay của NH. Từ đó dẫn đến nảy sinh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.

Rất nhiều tàu làm nghề khai thác có hiệu quả, nhưng không bao giờ khai báo đúng sự thật, chính tâm lý “muốn Nhà nước cho không” đã đẩy NH cho vay vào thế lao đao, không thu được nợ, phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu, phải trích dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến thu nhập của cán bộ nơi cho vay, làm ảnh hưởng đến tinh thần của cán bộ khi triển khai tiếp các dự án công nghệ cao theo chỉ định của Nhà nước.

Vì vậy, sửa đổi NĐ 67 trong thời gian tới cần đưa ra chế tài về xem xét trách nhiệm của các chủ tàu bằng việc yêu cầu phải có đảm bảo một phần bằng tài sản của gia đình, cá nhân. Tránh tình trạng tư tưởng trông chờ ỷ lại, làm được thì không trả nợ, lúc không làm được thì bỏ tàu cho Nhà nước xử lý dẫn đến thất thoát vốn.

Hơn nữa, để chính sách đạt được mục tiêu như kỳ vọng, Agribank cũng đề xuất áp dụng có chọn lọc, ưu tiên mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản tương tự mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, quy định duy trì chính sách bảo hiểm đối với con tàu tương ứng với thời gian vay vốn theo quy định tại NĐ 67 cũng rất quan trọng giúp người dân yên tâm ra khơi hơn; triển khai tích cực, đồng bộ trong đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật vận hành thiết bị… Và cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích và thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản nhằm bảo đảm ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.

“Chỉ có sự vào cuộc quyết liệt và việc phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các địa phương, các bộ, ngành để triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân, NĐ 67 mới thực sự đạt được mục tiêu mong đợi và tạo được sự đồng thuận về mọi mặt, phát huy hiệu quả làm thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội của các địa phương vùng ven biển, tạo dựng sự vững chắc về chính trị, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, lãnh đạo Agribank bày tỏ.

Với cơ quan quản lý, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, NHNN tổng hợp những khó khăn vướng mắc mà các NHTM đang gặp phải khi cho vay NĐ 67. NHNN đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý, đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Cụ thể, cần phải có quy định cụ thể về cơ chế xử lý nợ đối với các nguyên nhân khách quan bất khả kháng từ thực tế triển khai như tàu kém chất lượng, mẫu thiết kế không phù hợp, môi trường ô nhiễm…

Quy định quan trọng nữa là xem xét cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu… hoặc không đủ năng lực làm để người kế thừa có thể vực lại các hoạt động khai thác hải sản vừa tạo nguồn thu nhập cho ngư dân, vừa trả được nợ cho NH. Đối với trường hợp này, giao cho UBND cấp tỉnh phê duyệt chủ tàu thay thế, làm cơ sở để các NHTM thực hiện chuyển đổi khoản vay.

“Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện dự thảo NĐ để trình Chính phủ”, ông Hùng thông tin thêm.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/gap-ghenh-dong-von-67-ky-ii-71199.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.