![]() | Cần nghiêm trị hành vi bạo hành trẻ nhỏ |
![]() | Nỗi buồn ngày cũ! |
Đây không phải là những vụ bạo hành trẻ em đầu tiên mà trước đó cũng đã có hàng trăm vụ bạo hành trẻ em bị dư luận lên án và phanh phui. Đáng lưu ý là chỉ trong thời gian gần đây, trên cả nước còn xảy ra 4 vụ bạo hành đối với trẻ gây chấn động dư luận: người giúp việc đánh đập tàn nhẫn em bé hơn 1 tháng tuổi ở Hà Nam; bé gái 7 tuổi ở Kiên Giang bị nhiều vết bỏng nghi do bị cha ruột gí thanh sắt nung đỏ; bé trai 6 tuổi ở TP.HCM bị bảo vệ tổ dân phố nghi tâm thần cắt cổ...
![]() |
Trẻ bị bạo hành trở nên cô độc trong chính ngôi nhà của mình |
Và nếu nhìn vào những con số thống kê trung bình mỗi năm có 3.000 - 4.000 vụ bạo hành trẻ em được phát hiện, trong đó có khoảng 1.000 vụ trẻ em bị hiếp dâm, khoảng 100 vụ trẻ em bị giết hại mới thấy tình trạng bạo hành trẻ em là vấn nạn lớn. Thế nhưng, có lẽ hình phạt còn quá nhẹ nên tình trạng bạo hành không hề giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.
Hiện nay, khung hình phạt với tình tiết phạm tội với trẻ em là 1-3 năm tù. Tuy nhiên, theo nhiều luật sư không thể áp dụng quy định thương tật 11% trên thân thể trẻ em mới xử lý hình sự đối với kẻ bạo hành, vì với các bé, chỉ cần có hành vi bạo hành thôi đã phải xử nặng, vì tâm lý và thể lý của trẻ mong manh và rất nhạy cảm dễ tổn thương, có như vậy mới đủ sức răn đe.
Không được đi học, phải làm đủ các việc nhà, chỉ ăn được mì tôm sống và cơm nguội, thường xuyên bị đánh đập bằng guốc, đũa, muôi gỗ, móc quần áo đến mức từ 40kg chỉ còn 20kg, ốm o gày mòn, mặt mày thâm tím, gãy 2 chiếc xương sườn là hình ảnh của đứa trẻ khi chạy trốn ra khỏi được ngôi nhà của chính bố đẻ mình. Gia đình, đáng lẽ là mái nhà bình yên che chở cho tuổi thơ của trẻ được lớn lên trong bình an và tin cậy, lại trở thành nơi bạo hành và những ký ức hãi hùng hoảng loạn cho trẻ.
Bạo hành trẻ em đã trở thành một vấn nạn, những đứa trẻ lớn lên từ môi trường ẩn chứa bạo lực sẽ rơi vào xu hướng coi bạo lực là điều bình thường trong cuộc sống, để khi lớn lên cũng sẽ dễ dàng dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề. Chẳng đâu xa, các video clip nữ sinh học đường đánh nhau được liên tiếp tung lên mạng thời gian gần đây đã khiến người lớn phát choáng.
Đáng buồn, là phần lớn nguyên nhân dẫn đến đánh nhau của các nữ sinh chỉ xuất phát từ chuyện tình cảm. Đang ở tuổi vị thành niên (13 – 17 tuổi), thay vì ham học, hăng hái hoạt động văn thể hay giúp đỡ gia đình, một bộ phận các em học sinh đã thích ăn diện, ưa thể hiện, sống ảo và dễ dãi trong yêu đương.
Phải chăng, giáo dục của cả gia đình – nhà trường và xã hội đang có chỗ chưa phù hợp, dẫn đến lứa tuổi vị thành niên dễ bị lạc hướng, manh động và thích sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng? Một câu hỏi chưa bao giờ bớt nhức nhối!
Những vụ bạo hành trẻ em liên tiếp tại các cơ sở mầm non gần đây, rồi những clip nữ sinh đánh nhau “tung hoành” trên mạng đã gây ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ nhỏ. Điển hình là trường hợp tại cơ sở mầm non Sen Vàng tại Minh Khai, Hoàng Mai, Hà Nội.
Clip xuất hiện trên mạng kéo dài 2 phút cho thấy trẻ bị cô giáo liên tục cầm dép đánh vào đầu trẻ và có những lời lẽ khó nghe. Lý do trẻ bị đánh chỉ đơn giản là cháu tè ra sàn nhà khiến cô giáo bực tức và không kiềm chế được nóng giận. Tiếp đó, tại trường mầm non Thanh Xuân Nam (Thanh Hóa) tiếp tục xuất hiện trường hợp bé đang học mầm non lớp 3 bị cô giáo liên tiếp dùng đũa đánh vào hai bên đùi, xuất hiện nhiều vết bầm kéo dài…
Đã đến lúc ngành giáo dục nghiêm túc xem xét lại vấn nạn bạo lực trẻ em, việc đưa vào nhà trường giảng dạy nội dung phòng chống bạo lực trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng là hết sức cần thiết. Trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng để bảo vệ mình ngay từ nhỏ là biện pháp phòng vệ thích đáng nhất. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra chất lượng của giáo viên mầm non, có như thế trường học mới thực sự trở thành “mái nhà bình yên” để trẻ thơ được bình yên lớn lên.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nan-bao-hanh-tre-em-nhuc-nhoi-khon-nguoi-71066.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.