Nhựa xây dựng: Kỳ vọng và sức ép cạnh tranh

CTCP nhựa Tiền Phong (NTP) sẽ có chuyển biến tích cực hơn nhờ vào việc mở rộng thị trường ra phía Nam với sự hỗ trợ từ đối tác Nhật Bản Sekisui.
Ngành nhựa và cuộc chiến trên sân nhà
Hấp dẫn ngành nhựa xây dựng
Doanh nghiệp ngành nhựa chủ động tìm lối đi

Một trong những sự kiện đáng quan tâm trong tháng 12 này đó chính là việc SCIC sẽ thoái vốn từ hai “ông lớn” ngành nhựa là CTCP nhựa Bình Minh (BMP) và CTCP nhựa Tiền Phong (NTP). Trong khi 50% thị phần khu vực phía Nam thuộc về BMP, thì NTP lại khẳng định vị thế bá chủ tại miền Bắc với 60% thị phần trong nhiều năm nay.

Với rào cản kỹ thuật thấp cùng tiềm năng phát triển đầy khả quan, 2 DN này được các nhà phân tích đánh giá là miếng bánh hấp dẫn đối với các DN mới muốn chen chân vào, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, kỳ vọng điều chỉnh sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 100% của SCIC đã không thành tại Đại hội cổ đông bất thường hôm 30/11 khi tỷ lệ bỏ phiếu không quá bán.

Cùng với nội dung này, Tiền Phong cũng sẽ không rút bớt 2 ngành nghề: Kinh doanh BĐS, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; và vận tải hàng hóa bằng đường bộ. NTP sẽ tiếp tục thực hiện dự án khu tổ hợp thương mại, văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp tại số 2 An Đà. Cũng tại đại hội này, Sekisui thông tin chưa có ý định mua lại số cổ phần mà SCIC đang nắm giữ và ủng hộ việc NTP nên thuộc sở hữu của người Việt Nam. Với giá trị đầu tư của Sekisui mới chỉ chiếm 15% vốn điều lệ, room cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn khá lớn.

Nhựa xây dựng: Kỳ vọng và sức ép cạnh tranh

Với BMP, nhà đầu tư nước ngoài hiện đã sở hữu 48,88%, nên việc nới room nhà đầu tư nước ngoài lên 100% tạo nên khoảng kỳ vọng lớn đối với các nhà đầu tư. Phân tích của CTCK FPT (FPTS) cho thấy, Nawaplatic Industries sau khi thoái vốn tại NTP vào tháng 10/2017 có khả năng sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu tại BMP nhằm duy trì ảnh hưởng tới ngành ống nhựa tại Việt Nam. FPTS cho rằng, khoản đầu tư này cũng phù hợp với chiến lược mở rộng kinh doanh tại công ty mẹ TPC của Nawaplatic, khi công ty này đã chiếm tới 50% thị phần tại Thái Lan và đang tham vọng chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á.

9 tháng năm 2017, doanh thu của NTP tăng trưởng chậm lại (có thể được giải thích bởi đối thủ mới gia nhập ngành là HSG đang cố gắng chiếm miếng bánh thị phần). Cùng với giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng, việc tăng giá bán không đủ bù đắp cho thị phần bị chiếm lĩnh khiến cho biên lợi nhuận gộp của NTP cũng có chiều hướng đi xuống khi giảm từ mốc 35,27% (9 tháng đầu năm 2016), xuống còn 33,8% trong 9 tháng năm 2017.

Tuy nhiên, lợi nhuận bất thường từ Công ty NTP - miền Nam giúp cho NTP tiếp tục ghi nhận 363 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước). “Với tình hình kém khả quan trong năm nay, chúng tôi cho rằng NTP sẽ đối mặt với khó khăn và có thể sẽ chỉ ghi nhận 4,615 tỷ đồng doanh thu thuần, chủ yếu là nhờ vào việc tăng giá bán sản phẩm”, phân tích của CTCK Phú Hưng (PHS).

Với BMP, dù sản lượng tiêu thụ đạt 64.500 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm, doanh thu thuần đạt 2.619 tỷ đồng (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm), nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 36% (chỉ còn 348 tỷ đồng). Điều này một phần do giá hạt nhựa tăng, cộng thêm mức chiết khấu phổ thông tăng thêm 4% để cạnh tranh với NTP và các DN mới gia nhập thị trường. BSC được dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2017 đạt lần lượt là 3,479 tỷ đồng (+5% yoy) và 438 tỷ đồng (-30% yoy).

Với việc đều chịu ảnh hưởng chung từ giá nguyên liệu nhựa đầu vào trong khu vực và thế giới, không tự chủ được đầu vào, nên đầu ra sẽ là khâu các DN tập trung đẩy mạnh nhằm gia tăng lợi nhuận. Điều này khiến thị trường ống nhựa trong nước sẽ càng có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn. “Sức ép về giá bán thành phẩm nhiều khả năng sẽ bào mòn biên lợi nhuận của các DN nhựa”, FPTS dự báo.

Tuy nhiên, năm 2018 PHS dự báo NTP sẽ có chuyển biến tích cực hơn nhờ vào việc mở rộng thị trường ra phía Nam với sự hỗ trợ từ đối tác Nhật Bản Sekisui. Cùng với đó, NTP vẫn tiếp tục củng cổ vị trí số 1 thị trường miền Bắc với việc đẩy mạnh quy mô sản xuất, bằng việc mở rộng nhà máy sang địa chỉ mới tại Hải Phòng với tổng quy mô gấp 4 lần nhà máy cũ. Ưu đãi về thuế giúp NTP tiết giảm chi phí. Hiện tại nhà máy tại Nghệ An đã đi vào hoạt động và đang trong thời kỳ ưu đãi thuế với mức thuế suất là 7,5% trong 4 năm tới. Qua đó, thuế suất thực tế NTP đang chịu rơi ở mức 11%.

Còn đối với BMP, dù biên lợi nhuận cao hơn NTP, song mức độ cạnh tranh trên thị trường phía Nam thêm gay gắt về chiết khấu thương mại từ những DN mới gia nhập ngành, đặc biệt là ống nhựa Hoa Sen. Tuy nhiên, người ta vẫn kỳ vọng BMP có thể đạt sản lượng tiêu thụ 100 nghìn tấn vào năm 2018 (tăng 10% so với cùng kỳ năm), EPS 2018 dự phóng là 5.030 đồng/CP.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhua-xay-dung-ky-vong-va-suc-ep-canh-tranh-70995.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.