“Nếu không dựng kịch kinh điển thì khán giả sẽ rất thiệt thòi, không được thưởng thức tinh hoa nghệ thuật” – đây là chia sẻ của NSND Anh Tú - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Điều đáng mừng, thời gian gần đây, nhiều đơn vị nghệ thuật trong nước đã nỗ lực dàn dựng nhiều vở kịch kinh điển của Việt Nam và thế giới, tạo ra sự cân bằng trong nghệ thuật sân khấu, cho thấy sự hồi sinh của dòng kịch vốn khá kén người xem.
![]() |
Quan thanh tra - một vở kịch kinh điển từng hút người xem thời gian qua |
Cho đến nay, kịch kinh điển vẫn là một áp lực lớn đối với các sân khấu của cả 2 miền. Các nghệ sĩ cũng đành... lực bất tòng tâm. Vô hình trung trong giới nghệ sĩ miền Bắc truyền nhau một câu cửa miệng rằng, làm chính kịch, kịch kinh điển mới thật sự là sân khấu.
Nhưng dường như khán giả ngày nay lại không nghĩ vậy, họ không thích phải xem mãi những vở kịch kinh điển đầy tính bác học, sâu xa mà muốn thấy được hơi thở thời đại, thấy được cuộc sống của chính họ trong từng vở diễn trên sân khấu.
Theo NSND Anh Tú, chúng ta không sợ rằng những kịch bản đã ra đời cách đây hàng trăm năm sẽ trở nên lỗi thời bởi khi đã là kinh điển thì những tác phẩm ấy sẽ sống với thời gian. Những vấn đề mà các tác phẩm đề cập vẫn rất gần gũi với đời sống, con người hiện tại. Việc dựng kịch kinh điển là công việc thường xuyên của các nhà hát hàng đầu. Nhưng do về thời gian, kinh phí, nhân tài, vật lực nên một số nhà hát đã bỏ khá lâu, trong đó có Nhà hát Kịch Việt Nam.
“Đáng lý, mỗi năm nhà hát phải dựng tối thiểu một vở kinh điển. Như thế, khán giả mới đỡ thiệt thòi, có điều kiện tiếp cận với những tinh hoa của thế giới. Đồng thời, diễn viên và ê-kíp cũng được sáng tạo hết mình. Tâm thế, tầm và tài năng của nghệ sĩ sẽ lên” - NSND Anh Tú chia sẻ.
Lâu nay, không chỉ người trong giới mà những khán giả yêu mến kịch kinh điển đều tỏ ra lo ngại về sự tồn tại yếu ớt của môn nghệ thuật này. Những đêm đỏ đèn ít ỏi của các sân khấu khiến người nghệ sĩ không có được môi trường luyện tập mình trước đám đông. Những buổi trình diễn kịch kinh điển đã thưa thớt lại càng trở nên... uể oải hơn. Nỗ lực của một số nhà hát cũng như các nghệ sĩ yêu nghề trong thời điểm này nhằm mục đích vực dậy kịch kinh điển là việc làm rất cần thiết để vực lại một mảng nghệ thuật đỉnh cao...
Nhà hát Kịch Việt Nam từng tạo tiếng vang khi dựng vở kịch kinh điển “Hamlet” của đại văn hào người Anh William Shakespeare. Vở diễn với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, diễn viên trẻ nổi tiếng, trong đó Xuân Bắc và Tạ Tuấn Minh đảm nhận vai chính là hoàng tử Hamlet, hai NSƯT Trung Anh và Quốc Khánh vào vai Clodiut.
Theo đại diện Nhà hát Kịch Việt Nam, vở “Hamlet” là một thử thách nghề nghiệp rất lớn của nhà hát, các bạn đồng nghiệp trong cả nước cũng như người yêu sân khấu. Việc dàn dựng vở diễn sẽ thật sự giúp đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên trẻ trưởng thành và vững vàng về nghề nghiệp.
Ngược dòng thời gian, Nhà hát Tuổi trẻ đã mang đến 3 vở kịch như “Mùa hạ cuối cùng”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt” (kịch hình thể), “Lời thề thứ 9”, “Quan thanh tra”; Nhà hát Kịch Việt Nam với “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Chuyện nàng Kiều”; “Mê Đê” của Nhà hát Thế giới trẻ; Nhà hát Kịch Hà Nội với “Tôi và chúng ta”... với nhiều hàm lượng nghệ thuật cao và các vở diễn này đều là các tác phẩm sân khấu kinh điển trong và ngoài nước.
Giới nghệ sĩ làm nghề vì thế không khỏi vui mừng vì vừa là có đất diễn, vừa có điều kiện để cống hiến cho người xem những tác phẩm sống mãi với thời gian. Đặc biệt, các vở diễn kinh điển này được ghi nhận từ góc độ xử lý kịch bản như: rút ngắn thời lượng vở diễn, đơn giản hóa lời thoại, đưa những nét văn hóa bản địa vào vở; cùng với đó âm nhạc, trang phục và các yếu tố bổ trợ sân khấu đã được các nhà hát xử lý chuyên nghiệp và có ấn tượng hơn.
Đơn cử như vở “Quan thanh tra” của Nhà hát Tuổi trẻ, ngoài những yếu tố về công nghệ ánh sáng, sân khấu rất bắt mắt thì cách khai thác tâm lý nhân vật, cách diễn hài kịch rất có nghề đã làm sang trọng hơn cho vở. “Quan thanh tra” được khán giả hào hứng đón nhận, một phần bởi những thông điệp của vở đầy tính thời sự, đấu tranh trực diện với những thói xấu, tệ nạn lớn trong xã hội...
Đối với người trong giới, kịch kinh điển vẫn được coi là đỉnh cao của sân khấu. Đạo diễn và diễn viên muốn khẳng định được mình trong làng sân khấu thì nhất thiết phải bằng những vở kinh điển. Nhờ sự xuất hiện trở lại ngày càng nhiều của mảng kịch kinh điển thời gian qua đã đem đến niềm hứng khởi cho các nghệ sĩ làm nghề, đồng thời cung cấp cho người xem những tác phẩm đỉnh cao, giới thiệu sự độc đáo, khác lạ và sự đặc sắc của dòng kịch kinh điển.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường với nhiều loại hình nghệ thuật mới lạ, đầy hấp dẫn như hiện nay thì “hữu xạ tự nhiên hương” là phương án mạo hiểm nhưng nếu làm tốt sẽ được công chúng mở rộng vòng tay đón nhận, minh chứng cụ thể như các vở kịch kinh điển kể trên.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kich-kinh-dien-hoi-sinh-70614.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.