Bàn về dự án luật đặc khu: Nếu chỉ cơi nới, luật sẽ không có ý nghĩa

Khi thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (HCKTĐB), đa số các đại biểu Quốc hội đã thống nhất quan điểm cần thiết ban hành thể chế đặc biệt để phát triển các đặc khu như những động lực phát triển, nhưng cũng còn nhiều điều băn khoăn và lo ngại.
Cú hích cho kinh tế Việt Nam từ những đặc khu
Phải xây đặc khu với tầm nhìn lâu dài và vượt trội mới mong thành công (bài 2)
Phải xây đặc khu với tầm nhìn lâu dài và vượt trội mới mong thành công (bài 1)

Không nhất thiết phải giống nhau

Theo dự thảo luật được Chính phủ xin ý kiến Quốc hội, có hai phương án: Phương án 1: chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là thiết chế Trưởng đơn vị HCKTĐB cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính. Phương án 2: sẽ tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB gồm có HĐND và UBND.

Đa số đồng tình với mô hình đặc biệt ở phương án 1, nhưng có nhiều ý kiến nghiêng về phương án 2. Đại biểu Lê Anh Tuấn (đoàn Quốc hội Hà Tĩnh) thì đề nghị kết hợp hài hòa hai phương án, ông chọn phương án 2 nhưng tăng thẩm quyền cho trưởng đặc khu kinh tế.

Bàn về dự án luật đặc khu: Nếu chỉ cơi nới, luật sẽ không có ý nghĩa
Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt còn nhiều điều băn khoăn

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nói trong thâm tâm, muốn có bộ máy rất tinh gọn, mạnh mẽ, được trao quyền lực và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát. Nhưng ông còn băn khoăn về cách hiểu Hiến pháp, liệu có bỏ HĐND được không? Đại biểu Lê Vĩnh Tân (Bộ trưởng Bộ Nội vụ) đồng tình đơn vị HCKTĐB phải khác so với các quy định, nhưng không được trái với Hiến pháp. Đại biểu Đào Tú Hoa (đoàn Quốc hội Hà Nội) cũng đồng ý “cần vượt trội” nhưng không được trái Hiến pháp.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói rằng “Không để trói buộc bởi các quy tắc cũ, nếu chúng ta cứ rà lại với các quy tắc cũ thì không hiệu quả. Chúng ta muốn làm nhiều điều, muốn cải cách nhưng cứ lấy luật cũ để tự trói nó. Nếu ta chỉ cơi nới thêm một tý, thì luật này không có ý nghĩa gì cả”.

Là người tham gia soạn thảo Hiến pháp 2013, ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, phương án 1 không trái với Hiến pháp và cũng phù hợp với xu hướng thế giới.

Ông Phúc giải thích, chương về chính quyền địa phương trong Hiến pháp 2013 đã được thiết kế theo hướng mở là không bắt buộc mọi chính quyền địa phương đều phải có HĐND. Hướng mở này để tạo không gian cho tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với từng đặc điểm, điều kiện của từng nơi, trong từng giai đoạn. Chính quyền các địa phương không nhất thiết phải giống nhau. Chính quyền địa phương ở TP.Hồ Chí Minh khác ở miền núi, chính quyền địa phương đô thị có thể khác với ở nông thôn, ở hải đảo khác với đất liền…

Như vậy chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB có thể khác với chính quyền địa phương truyền thống hiện nay. Mô hình theo phương án 1 không trái với Hiến pháp và đã thể hiện được tính “đặc biệt” chỉ có 3 cấp: Trên có Quốc hội dưới có HĐND cấp tỉnh và thiết chế Trưởng đơn vị hành chính đặc biệt cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc mà không có HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã, phường.

Nếu luật được thông qua với phương án 1 thì như vậy, sau nhiều năm cải cách đã rút được 1 cấp hành chính, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy như được nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các đặc khu sẽ là phòng thí nghiệm về thể chế như Thủ tướng đã nói.

Trưởng đặc khu - nhiều quyền và chịu nhiều giám sát

Nhiều đại biểu cùng quan điểm như đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội) là phải mạnh dạn trao quyền hạn cao cho trưởng đặc khu thì mới tạo điều kiện cho nhân tài phát huy năng lực, mới tạo ra đột phá. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (đoàn Cần Thơ), Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) lại lo ngại, khi trưởng đơn vị hành chính đặc biệt được trao quá nhiều quyền trong khi “quản lý hành chính của ta đang có vấn đề, chưa có phân quyền mạnh mà đã lạm quyền quá nhiều”.

Trước nỗi lo đó, ông Phúc nói: “Điều nguy hiểm nhất là nhân danh tập thể để lạm quyền, mưu cầu lợi ích cá nhân”.

“Hệ thống trách nhiệm tập thể là cái đó trói buộc kinh khủng. Nếu cứ căn cứ vào những ràng buộc cũ để thảo luận thì không thoát ra được những cái cũ”, Viện trưởng Trần Đình Thiên nói.

“Tôi khẳng định đây là mô hình đặc biệt nhưng vẫn bảo đảm dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ và giám sát của nhân dân”, ông Phúc phát biểu. Trong dự thảo luật đã quy định khá kỹ về cơ chế giám sát. Ông giải thích, tuy không có HĐND và UBND nhưng trưởng đặc khu vẫn phải chịu sự giám sát tại chỗ - cùng cấp, giám sát của cả nhân dân và cả hệ thống, chịu sự giám sát của cơ quan dân cử và kiểm soát của cơ quan nhà nước cấp trên. Cơ quan hành chính đặc khu phải chịu sự giám sát của nhân dân thông qua hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của HĐND tỉnh, của Thủ tướng, của các cơ quan của Chính phủ...

Khi thảo luận, một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về tác động lan tỏa của các đặc khu, dường như luật này ban hành chỉ để riêng cho ba đặc khu và 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang? Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Phúc nói, “Tôi có niềm tin là nếu được Quốc hội chấp nhận, triển khai thành công thì ba đặc khu ấy sẽ là “phòng thí nghiệm” về quản trị nhà nước, từ đó sẽ có tác động lan tỏa ra toàn quốc”.

Về tác động lan tỏa kinh tế, ông nói vẫn còn nhớ cuộc tranh luận quyết liệt và thú vị ở Quốc hội khóa 12 về dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Nhưng rõ ràng đường cao tốc Bắc - Nam đâu chỉ mang lại lợi ích cho những tỉnh có con đường đó chạy qua.

Trở lại với dự án Luật Đơn vị HCKTĐB, sau nhiều lần thảo luận đã dẫn đến quan điểm thống nhất là đặc khu không phải của riêng Quảng Ninh, Khánh Hòa hay Kiên Giang. Vân Đồn ở miền Bắc sẽ tạo ra sự lan tỏa, kết nối vòng cung phát triển Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội. Bắc Vân Phong sẽ là tác động đến kinh tế miền Trung nhờ dựa trên trục vận tải quốc tế. Còn Phú Quốc kết hợp với cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ba đặc khu này được đặt ở ba vị trí kinh tế cực kỳ quan trọng, có tác động lan tỏa đến cả vùng và cả nước.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ban-ve-du-an-luat-dac-khu-neu-chi-coi-noi-luat-se-khong-co-y-nghia-69915.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.