![]() | Tạo luật tự quản cho khu kinh tế |
![]() | Đặc khu kinh tế và nỗi lo lạm quyền |
![]() | Tạo lực hút đầu tư từ mô hình đặc khu |
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 20/10/2017, Quảng Ninh xếp vị trí 13/63 tỉnh, thành trên cả nước về thu hút FDI, với 121 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư là 5,87 tỷ USD. Xét về thứ hạng, đây không phải là một kết quả tồi. Tuy nhiên khi tự soi lại mình, lãnh đạo Quảng Ninh khẳng định con số này còn dưới tiềm năng.
So với địa phương đứng đầu bảng là TP. Hồ Chí Minh, tổng vốn FDI thu hút đạt tới hơn 43,3 tỷ USD, cao gấp 7,3 lần tỉnh Quảng Ninh; hoặc so với tỉnh láng giềng là Hải Phòng ở vị trí thứ 7, vốn FDI của Quảng Ninh chỉ bằng khoảng 1/3.
Ông Trương Mạnh Hùng, Phó trưởng ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh đánh giá, xét về tổng thể, hiệu quả của nguồn vốn FDI tại tỉnh này chưa cao. Những thế mạnh tĩnh của tỉnh này như đất đai, tài nguyên, khoáng sản... đến giờ gần như không còn động lực để phát triển. Quảng Ninh cũng đang lép vế dần với các tỉnh trong khu vực vì khoảng cách địa lý kém thuận lợi.
Ông Hùng phân tích, các DN FDI có xu hướng ưa thích đầu tư trong khu vực gần lõi, có bán kính khoảng 100km từ trung tâm Hà Nội, hoặc khoảng cách di chuyển ô tô không quá 1,5 giờ đồng hồ. Quảng Ninh hiện đang nằm ngoài khoảng cách đó. Khả năng tiếp cận đất đai còn khó khăn do quỹ đất sạch ngày càng hạn chế…
![]() |
Chính vì vậy, việc chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã gấp rút xây dựng và thông qua đề án thành lập Đặc khu kinh tế Vân Đồn nhằm tạo ra những động lực, đột phá mới.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, lợi thế lớn nhất của đặc khu kinh tế này là tất cả còn hoang sơ, chưa bị tác động bởi bàn tay con người. “Vân Đồn còn có quỹ đất “sạch” rất lớn, vì vậy các NĐT tầm cỡ quốc tế đến đây có thể tha hồ thể hiện ý tưởng, đưa ra những sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp thế giới”, ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, vấn đề khoảng cách địa lý sẽ không còn là cản trở. Theo tính toán, từ sân bay Vân Đồn trong bán kính 5 giờ bay có thể tiếp cận tới thị trường rộng lớn gồm Đông Á, ASEAN, Trung Quốc với dân số hơn 3 tỷ người và tổng GDP hơn 22.000 tỷ USD. “Chúng tôi đã có NĐT chiến lược có uy tín cùng tham gia từ bước đầu xây dựng đặc khu, với sản phẩm đầu tiên là sân bay quốc tế Vân Đồn, dự kiến đón chuyến bay đầu tiên vào ngày 30/4/2018”, ông Nguyễn Văn Thành bổ sung. Về kết nối đường bộ, các tuyến giao thông kết nối Vân Đồn đã và đang được xây dựng, như cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn và dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Nếu các kế hoạch được tiến hành thuận lợi, dự kiến chỉ sau 10 năm, Đặc khu Vân Đồn sẽ có nguồn thu đáng kể và phấn đấu đến năm 2030, GDP của đặc khu sẽ vào khoảng 21.300USD/người. Đến năm 2020, đặc khu này sẽ thu hút khoảng 90.000 - 98.000 lao động mới và thu hút từ 110.000 - 111.000 lao động mới vào năm 2030.
Tại Vân Đồn, ước tính nhà nước sẽ thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí, 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Đặc khu Bắc Vân Phong dự kiến đem lại khoảng 1,2 tỷ USD thuế và phí, 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Còn tại Phú Quốc, con số này khoảng 3,3 tỷ USD.
Câu chuyện về tầm nhìn và kỳ vọng của tỉnh Quảng Ninh đối với mô hình đặc khu kinh tế tới đây sẽ không phải là cá biệt. Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh, việc tìm kiếm các mô hình phát triển mới đã trở nên vô cùng cấp bách trong điều kiện thu hút đầu tư giữa các quốc gia ngày càng cạnh tranh. Trong cuộc đua đó, DN và NĐT đòi hỏi được hưởng lợi trực tiếp từ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, vận hành bởi thể chế hành chính hiện đại, đủ mạnh, ổn định; cơ chế, chính sách ưu đãi cạnh tranh quốc tế ở mức cao nên khả năng thu hồi vốn nhanh, tạo lòng tin cho các DN yên tâm đầu tư.
Cho tới nay, vẫn còn không ít băn khoăn về khả năng cạnh tranh của các đặc khu kinh tế trong tương lai. Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho hay, mô hình này thành công hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như dòng chảy vốn FDI từng thời kỳ và cả quá trình quản lý, vận hành các đặc khu sau này. Nhưng ít nhất với những cơ chế, chính sách và mô hình mà chúng ta xây dựng lên, sẽ có nhiều đột phá mà trước đây “chưa hình dung được”, để tạo đà cho thời kỳ phát triển mới, phá bỏ các giới hạn của cuộc đua thu hút đầu tư giữa các tỉnh thành và giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ky-vong-dac-khu-tu-goc-nhin-quang-ninh-69377.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.