Linh vật và lòng tự tôn dân tộc

Nhiều nhà văn hóa hiến kế, để tăng cường sự hiểu biết, các cơ quan chức năng, các tỉnh cần tổ chức thêm nhiều triển lãm, phổ biến các mẫu linh vật thuần văn hóa Việt Nam để đông đảo cộng đồng biết tới.

Đổi thay ở “lò sản xuất”

Lý do chọn Ninh Bình là nơi để tổ chức tổng kết, đánh giá và nêu ra những kế hoạch trong thời gian tới, chắc lẽ do làng đá mỹ nghệ Ninh Vân (huyện Hoa Lư) của tỉnh này là nơi từng sản xuất hàng loạt linh vật, biểu tượng ngoại lai. Nhưng bây giờ thì sự việc đã khác. Làng nghề đã thay đổi hẳn hướng đi, bằng cách nói không với linh vật ngoại lai và chỉ sản xuất, chế tác linh vật thuần Việt.

Linh vật và lòng tự tôn dân tộc
Quyết liệt hơn nữa trong việc đưa sư tử đá ngoại lai ra khỏi di tích

Nhớ lại 3 năm trước ở làng đá mỹ nghệ Ninh Vân khi thực hiện Công văn 2662, cuộc sống và sản xuất gần như đảo lộn. Hơn 20% công nhân đã phải nghỉ việc, hàng trăm linh vật ngoại lai không ai hỏi mua, để mốc xanh, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Không ít chủ cơ sở nhăn nhó, cầu mong khách mua hàng thập phương hãy biết yêu linh vật Việt.

Thế rồi, mọi chuyện cũng đến một cái kết khá tốt đẹp. Ông Nguyễn Quang Diệm - Trưởng Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân cho biết, giữa năm 2014, làng nhận được một vài mẫu linh vật Việt do nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế vẽ lại. “Đây là dấu hiệu đáng mừng, mở ra một hướng đi mới cho những người làm nghề đá Ninh Vân chúng tôi trước nguy cơ phá sản”, ông Diệm nói.

Từ đó trở đi, Ninh Vân tất bật sản xuất linh vật thuần Việt. Anh Phạm Minh Tú, chủ một cơ sở trước đây chuyên chế tác linh vật ngoại lai với 95% đơn hàng là chế tác sư tử đá, cho biết: ngay khi có khuyến cáo của Bộ VH-TT-DL, anh đã sưu tầm các mẫu mã linh vật và con giống nội, kịp thời điều chỉnh hướng sản xuất.

Sau 3 năm, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên đã đánh giá tốt về những bước chuyển mình ở Ninh Vân, một trong hai “lò” sản xuất sư tử đá ngoại lai lớn nhất cả nước trước đây. Còn hiện nay, tập trung sản xuất các sản phẩm, biểu tượng, linh vật thuần Việt là một trong những hướng đi chính của làng đá này.

Cũng vui mừng trước sự chuyển mình khá ngoạn mục, nhà điêu khắc Lương Trịnh, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Lương Gia ở làng đá Ninh Vân cho biết, như những năm về trước, thị trường của Ninh Vân không còn nguồn nhu cầu lớn về các sản phẩm linh vật ngoại lai. Khách hỏi mua sư tử Tàu giờ cũng không còn nữa.

Đây là niềm vui không chỉ đối với người sản xuất, cơ quan quản lý văn hóa mà người dân và các nhà văn hóa cũng được yên tâm. Trước đó, rất nhiều chú sư tử đá ngoại lai “hoành tráng” được đặt ở cổng các công ty. Những chú sư tử này nhe nanh, hung dữ, đúng nghĩa với việc người chủ muốn dùng chúng làm vật… canh cổng.

Ở Hà Nội, nhan nhản công ty đặt sư tử đá ở cửa, lối ra vào. Ngay trong một số ngôi chùa nổi tiếng như chùa Bái Đính (Ninh Bình), Thiền Viện Giác Lâm Trúc Lâm (Quảng Ninh), Đền Đô (Bắc Ninh) chùa Trung Kính thượng, chùa Diên Hựu (Hà Nội)… đều có sư tử đá ngoại lai. Nay hầu hết đã được chuyển đi.

PGS-TS. Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học chỉ ra: “Việt Nam phô diễn một truyền thống sư tử riêng không giống bất cứ loài sư tử nào trên thế giới. Sư tử đá thời Lý là niềm kiêu hãnh của nghệ thuật Việt Nam, biểu hiện tính sáng tạo tuyệt vời và tính dân tộc rất cao của người Đại Việt. Cho nên hình tượng sư tử được chạm hết sức công phu, trau chuốt. “Chúng ta cần làm một cách triệt để. Linh vật ngoại lai cần phải được chặn hoàn toàn”, PGS-TS. Tống Trung Tín nhấn mạnh.

Cần thiết thực hơn

Tiếp tục thực hiện việc nói không với linh vật ngoại lai, cần chiến lược tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, giúp người dân tôn vinh văn hóa dân tộc, bồi đắp lòng tự tôn dân tộc. Bởi vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc làm thiết thực lúc này là đầu tư phát triển các làng nghề chế tác linh vật, khuyến khích các nghệ nhân làm nhiều phù điêu, linh vật thuần chất văn hóa để tạo dựng thương hiệu làng nghề, gắn với phát triển du lịch.

Nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc nhận định: “Hạn chế của du lịch Việt Nam là khoảng trống các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Bộ sưu tập quà tặng linh vật Việt này hy vọng sẽ khỏa lấp khoảng trống đó, đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm quà tặng truyền thống của Việt Nam…”.

Những chuyển biến ở vùng đất cố đô Hoa Lư cũng được Bộ VH-TT-DL ghi nhận khi bóng dáng linh vật ngoại lai ở nhiều di tích, không gian công cộng đều đã được thay thế bằng những linh vật đặc trưng của người Việt. Tại Hội nghị tập huấn, tuyên truyền thực hiện Công văn 2662, ông Nguyễn Cao Tấn, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Ninh Bình cho biết, sau 3 năm thực hiện, Ninh Bình đã đưa 10 sư tử đá ngoại lai ra khỏi các di tích trọng điểm như Cố đô Hoa Lư, chùa Nhất Trụ, huyện Hoa Lư và đền Đức Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn).

“Đây là các di tích thu hút đông du khách, việc thực hiện di dời các linh vật ngoại lai này đã có hiệu ứng xã hội tích cực, không chỉ giữ được sự toàn vẹn của di tích mà còn tác động không nhỏ đến nhận thức của người dân”, Phó giám đốc Nguyễn Cao Tấn nhấn mạnh.

Còn TS. Trần Hậu Yên Thế cho rằng, mặc dù văn hóa Việt Nam từng bị linh vật ngoại lai chèn ép, đặc biệt là nạn sư tử đá hoành hành song không thể phủ nhận, linh vật Việt luôn có một tiềm năng vô cùng to lớn cho lĩnh vực sáng tạo văn hóa nói chung và nghệ thuật thị giác nói riêng.

Nước ta có tinh thần tự lực tự cường. Người dân ta với tinh thần đoàn kết, luôn phấn đấu phát huy những giá trị văn hóa từ ngàn đời qua, thì không thể chấp nhận sự tiếp nhận rập khuôn văn hóa ngoại lai. Chúng ta có đủ điều kiện để xây dựng biểu tượng văn hóa, phổ biến rộng rãi trong dân gian và cần phải phát huy những thế mạnh từng có.

Suốt 3 năm qua, chiến lược “nói không với linh vật ngoại lai”, di chuyển sư tử đá ngoại lai ra khỏi di tích đã được làm ráo riết, quyết liệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi chưa làm được, do người dân, người quản lý di tích, thậm chí cán bộ văn hóa chưa phân biệt được đâu là linh vật ngoại lai, đâu là linh vật thuần Việt.

Nhiều nhà văn hóa hiến kế, để tăng cường sự hiểu biết, các cơ quan chức năng, các tỉnh cần tổ chức thêm nhiều triển lãm, phổ biến các mẫu linh vật thuần văn hóa Việt Nam để đông đảo cộng đồng biết tới.

Suốt một thời gian dài, nhiều đình, chùa, di tích ở nước ta đều hiện diện linh vật ngoại lai, đến nỗi du khách nước ngoài ngỡ ngàng. Trước tình trạng này, năm 2014 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã ban hành công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL (Công văn 2662) về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Ngày 17/10 vừa qua, tổng kết 3 năm thực hiện tại TP. Ninh Bình, vấn đề này tiếp tục được xáo xới.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/linh-vat-va-long-tu-ton-dan-toc-69117.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.