Tiềm năng lớn cho xuất khẩu thịt lợn

Do nhiều nguyên nhân tác động trực tiếp nên đến nay, thịt lợn của Việt Nam vẫn chưa trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Chia sẻ về cơ hội xuất khẩu (XK) thịt lợn sang thị trường Liên bang Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản ông Vũ Trọng Nghĩa - Giám đốc CTCP Thương mại và Đầu tư Biển Đông cho biết, theo số liệu của cơ quan chức năng Liên bang Nga, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn là 3,4-3,5 triệu tấn/năm, nhập khẩu (NK) từ 18-20% (tương đương 600-700 ngàn tấn). Trong đó, NK từ Brazil nhiều nhất, khoảng 25-28%; còn lại nhập từ các nước khác khoảng 72-75%. Về cơ hội, từ năm 1985 đến năm 2003, Việt Nam đã liên tục XK thịt lợn sang Liên bang Nga, vì vậy chúng ta đã có kinh nghiệm và các mối quan hệ tốt.

Tiềm năng lớn cho xuất khẩu thịt lợn
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là yêu cầu cấp thiết

Từ tháng 10/2015, Nga đã tuyên bố áp đặt lệnh cấm NK các sản phẩm thịt như thịt lợn, thịt gà, mỡ và nội tạng động vật có nguồn gốc từ châu Âu. Theo đó, thịt lợn từ các nước Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch sẽ không được vào Nga. Từ năm 2014 đến nay liên tục có các DN của Liên bang Nga sang Việt Nam khảo sát, tìm kiếm đối tác để NK thịt lợn từ Việt Nam.

Ngày 8/9/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga đã ký kết thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực an toàn thực phẩm và kiểm dịch thú y đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Với những kết quả nêu trên, được xem là cơ hội mở cánh cửa cho sản phẩm thịt lợn của Việt Nam sẽ lại được NK vào thị trường Liên bang Nga.

Đối với thị trường Hàn Quốc, ông Vũ Trọng Nghĩa cho hay, hàng năm, có nhu cầu NK hàng chục tấn thịt ba chỉ và chân giò chất lượng cao từ các nước. Những năm gần đây, nhiều DN Hàn Quốc đã kết nối cùng các DN Việt Nam tìm kiếm các cơ hội NK thịt lợn ba chỉ và chân giò lợn của Việt Nam. Ngay thời điểm tháng 5/2017, thông qua Công ty TNHH VIETGO Việt Nam đã có các đơn hàng từ các DN Hàn Quốc sẵn sàng NK khoảng 6.000 tấn thịt ba chỉ và khoảng 3.000 tấn thịt chân giò trong năm đầu tiên.

Đối với thị trường Nhật Bản, đây là quốc gia NK nhiều thực phẩm, trong đó có thịt lợn. Nguồn cung thịt lợn cho thị trường Nhật Bản từ chủ yếu là Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và nay muốn đa dạng hơn về nguồn nhập. Từ năm 2000 đã có DN Nhật Bản đầu tư giết mổ, chế biến thịt lợn tại Việt Nam và thành công bước đầu. Đặc biệt, những năm gần đây nhiều DN Nhật Bản sang Việt Nam khảo sát, tìm kiếm cơ hội kết nối XK thịt lợn sang Nhật Bản.

Ông Gabor Fluit - Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á đánh giá, Việt Nam có nhiều cơ hội XK thịt lợn vào các thị trường là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc bởi 3 quốc gia này có vị trí địa lý gần với Việt Nam và nhu cầu đang ở top đầu trên thế giới. Hiện nay, Trung Quốc đang NK 2,2 triệu tấn thịt lợn/năm, Nhật Bản là 1,3 triệu tấn và Hàn Quốc gần 1 triệu tấn. Đặc biệt, trong cơ cấu NK thịt lợn thành phẩm của Nhật Bản có đến 48% là thịt cấp đông được NK từ EU và với mối quan hệ cấp quốc gia giữa Việt Nam và Nhật Bản đang rất tốt thì việc Việt Nam có thể XK thịt lợn sang Nhật Bản, Hàn Quốc là điều hoàn toàn có thể kỳ vọng.

Tuy nhiên, XK thịt lợn của Việt Nam tại thời điểm hiện tại hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng. Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lớn với năng suất sản xuất 27,5 đến 28 triệu con lợn, 300 triệu con gia cầm… nhưng sản phẩm ngành chăn nuôi lại chưa góp mặt trong kim ngạch XK. Phần lớn là XK lợn hơi sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Theo báo cáo từ Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC), trong năm 2016, Việt Nam XK tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt gần 12 triệu con. Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con (giảm 80% so với năm 2016). Trong lúc XK chính ngạch lại hạn chế, XK lợn thịt xẻ chính ngạch thì Việt Nam mới xuất sang thị trường Hồng Kông và Malaysia với khối lượng khoảng 15-20 ngàn tấn/năm.

Gỡ nút thắt an toàn dịch bệnh

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, giá thành sản xuất lợn của Việt Nam đang dần tiệm cận với mặt bằng của các nước có trình độ sản xuất cao của thế giới, vì vậy khả năng cạnh tranh của mặt hàng này là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của các nhà NK vẫn là yêu cầu mà ngành chăn nuôi cần đặc biệt chú trọng.

Ông Lee Jong Beom - Phó TGĐ CTCP Daewon (Hàn Quốc) chia sẻ, nhu cầu NK thịt lợn của Hàn Quốc đang ngày càng tăng nhanh, đạt trên 5,8 tỷ USD năm 2016. Tuy nhiên nguồn cung chủ yếu được NK từ Mỹ, Đức, Tây Ban Nha... Để thịt lợn Việt Nam có thể XK sang Hàn Quốc thì vấn đề lớn nhất là phải kiểm soát được những rủi ro về chất lượng.

Bà Nienke Trooster - Đại sứ đặc mệnh Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho hay, Hà Lan cũng như các nước EU đều quy định NK thịt và sản phẩm thịt được thống nhất giữa các nước thành viên và Ủy ban châu Âu là đối tác đàm phán duy nhất với tất cả các nước ngoài EU về các điều kiện NK thịt và sản phẩm thịt động vật. Theo đó, EU yêu cầu tất cả sản phẩm NK phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao giống như đối với sản phẩm của các nước thành viên EU, không chỉ về mặt vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà còn liên quan đến an toàn dịch bệnh (ATDB) động vật của EU.

Để đẩy mạnh XK thịt lợn, Việt Nam cần đẩy mạnh việc xúc tiến quan hệ quốc tế, ký kết các Hiệp định song phương, xây dựng vùng ATDB và chia nhỏ theo khu vực. Ngoài ra, Cục Thú y Việt Nam cần hợp tác, xúc tiến, xây dựng kế hoạch, phương án về ATDB với các đối tác nước ngoài để các DN ở vùng ATDB có thể XK thịt ra nước ngoài, ông Gabor Fluit chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, XK thịt lợn sẽ khó hơn thịt gà vì dịch bệnh phức tạp, nhất là bệnh lở mồm long móng mà đến nay chưa có nước nào an toàn tuyệt đối. Để khai thông thị trường, thúc đẩy XK, trong thời gian tới Bộ sẽ tập trung tổ chức một số chuỗi sản xuất có quy mô lớn, ở đó, các DN có tiềm lực lớn về kinh tế và năng lực quản trị, nhất là kinh nghiệm XK để làm hạt nhân thí điểm XK thịt lợn.

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức lại khâu giết mổ và phân phối, tái cơ cấu ngành nuôi lợn theo mô hình liên kết chuỗi đối với nhóm DN, cơ sở chăn nuôi có quy mô trung bình. Các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT sẽ phải tập trung các giải pháp đồng bộ, nhất là khâu đảm bảo ATDB, đi đôi với đàm phán, mở cửa thị trường.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tiem-nang-lon-cho-xuat-khau-thit-lon-69085.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.