Vì sao những ngôi trường bỏ hoang?

Được đầu tư xây dựng gần 20 tỷ đồng, tuy nhiên Trường tiểu học Phú Định (còn gọi là Trường tiểu học Trần Văn Kiểu) tại phường 10, quận 6, TP. Hồ Chí Minh đã bị bỏ hoang 7 năm nay. Sự việc này vừa được báo chí đề cập khiến dư luận xôn xao...
Đìu hiu bến xe xã hội hóa
Xây chợ để… bỏ hoang!

Bởi lẽ, nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo... cơ sở trường lớp còn nghèo nàn, nhiều khi trường là tranh tre nứa lá thì ở thành thị trường được xây dựng kiên cố, khang trang lại không đưa vào sử dụng. Thật lãng phí và gây nên bức tranh tương phản trong lĩnh vực đầu tư cho giáo dục giữa các vùng miền.

Vì sao những ngôi trường bỏ hoang?
Trường tiểu học Phú Định đã bị bỏ hoang 7 năm nay

Với quy mô 2 tầng, gồm 3 dãy nhà, gần 40 phòng học, Trường tiểu học Phú Định sử dụng được 4 năm thì phát hiện thấy có nhiều dấu hiệu bị sụt lún nghiêm trọng, những dấu hiệu này đe dọa đến an toàn sinh mạng của giáo viên, học sinh, gây tâm lý hoang mang và bất an.

Vì lý do đó, cách đây 7 năm, chính quyền địa phương đã chuyển học sinh sang học tạm ở trường khác, đồng thời các ban ngành quận 6 tiến hành sửa chữa, khắc phục những sự cố sụt lún của trường với số tiền 6,5 tỷ đồng. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, từ đó đến nay ngôi trường này không hoạt động khiến cây cối, cỏ mọc um tùm. Thậm chí, bờ tường rào bằng sắt cũng đã bị mục nát...

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên trường học có mức kinh phí xây dựng tiền tỷ ở nước ta bị bỏ hoang. Ngược dòng thời gian, cơ sở 3 Trường tiểu học Lê Văn Tám ở phường Thanh Khê Tây và cơ sở 2 của Trường tiểu học Lê Quang Sung phường Hòa Khê (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) bị bỏ hoang trong hơn hai năm.

Bên cạnh đó, tại huyện Yên Khánh, Ninh Bình, tọa lạc trên khu đất nông nghiệp thuộc xã Khánh Cường, một ngôi trường cấp 3 đang được xây dựng dở rồi cũng bị bỏ hoang. Ngôi trường bỏ hoang này đã được xây dựng gồm hai tòa nhà 3 tầng, một nhà bảo vệ, những bức tường bao xung quanh ngôi trường và cổng trường.

Thế nhưng, từ mấy năm nay, ngôi trường trở thành nơi bỏ hoang, phía bên trong sân trường và ngoài cổng trường, người dân biến thành nơi trồng lạc, hoa màu. Hai dãy nhà 3 tầng và phòng bảo vệ được xây dựng hoàn chỉnh nhưng không có cửa. Do không được sơn và bị bỏ hoang lâu ngày nên một số bức tường đã xuất hiện rêu mốc. Hệ thống điện nước, bàn ghế trong các phòng học chưa có.

Có thể nói, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, việc một số trường học ở nước ta được xây dựng hoặc đã xây dựng gần hoàn thiện, rồi lại bị bỏ hoang, không được đưa vào sử dụng cho hoạt động dạy và học, đang là sự lãng phí lớn. Mong rằng chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước ngành giáo dục, xây dựng... và các bên liên quan có hướng “giải cứu” để tránh những tiền lệ xấu, đảm bảo các điều kiện, cơ sở vật chất cho quá trình dạy và học của thầy - trò với điều kiện tốt nhất.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/vi-sao-nhung-ngoi-truong-bo-hoang-68690.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.