![]() | Nhìn từ giá trị gia tăng ngành điều |
![]() | Ngành điều vẫn phụ thuộc nhập khẩu |
Phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu
Sau hơn 3 thập kỷ phát triển, Việt Nam đã trở thành nước có kim ngạch xuất khẩu (XK) điều nhân số 1, chế biến đứng thứ 2, và đứng thứ 3 thế giới về năng suất và sản lượng. Năm 2016, ngành điều Việt Nam XK 347.000 tấn điều, đạt kim ngạch 2,84 tỷ USD, chế biến trên 50% sản lượng điều của thế giới.
![]() |
Ngành điều đang phải đối mặt với sản lượng trong nước giảm |
Tuy nhiên, ông Lê Văn Liền - chuyên gia phân tích thị trường nhận định, ngành điều Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào điều thô nhập khẩu từ các quốc gia khác như các nước Tây Phi, Campuchia. Tỷ lệ điều thô nhập khẩu có xu hướng tăng trong giai đoạn năm 2007 - 2017, trong đó tỷ lệ điều thô nhập khẩu năm 2007 là 39%, năm 2014 là 62,5%. Việc phụ thuộc vào nguồn cung điều thô thế giới sẽ ảnh hưởng đến các DN chế biến điều trong nước.
Giá điều thô thế giới biến động nhiều, và tỷ giá VND/USD cũng biến động mạnh những năm gần đây, gây khó khăn cho các DN chế biến điều Việt Nam, ông Lê Văn Liền cho hay.
Diện tích trồng điều tại Việt Nam có xu hướng giảm liên tục từ năm 2009 đến nay. Nguyên nhân là do chuyển đổi canh tác sang các loại cây khác có thu nhập cao hơn. Năng suất cây điều qua các năm cũng không được chú trọng cải thiện.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2005 cả nước có trên 400 nghìn ha trồng điều, hiện nay chỉ còn khoảng 300 nghìn ha, bên cạnh đó diện tích trồng mới cũng có xu hướng giảm. Diện tích điều già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất thấp vào khoảng 80 nghìn ha ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên.
Ngành điều chưa đầu tư thâm canh phù hợp, sản xuất điều phân tán, trình độ thâm canh chưa cao, công tác chọn giống chưa phù hợp, hệ thống tưới tiêu còn nhiều hạn chế. Một trong những yếu tố tác động lớn đến cây điều là ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, mưa trái mùa cùng với sự xuất hiện của sâu bệnh.
Trong khi đó, theo Hiệp hội chế biến điều Việt Nam, phần lớn DN sản xuất điều là DN nhỏ, kim ngạch XK hàng năm dưới 5 triệu USD, có giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, Việt Nam XK điều nhiều vào các quốc gia phát triển, có yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng đối với thực phẩm nhập khẩu cao như Mỹ, EU, Australia... thế nên, nếu khả năng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm kém sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của các DN điều Việt Nam.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Lê Văn Liền cho biết, mặc dù là nước XK điều lớn nhất thế giới, nhưng Việt Nam chỉ tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương 18% chuỗi giá trị của sản phẩm này, trong khi phần lợi nhuận lớn nhất lại nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối với tổng giá trị gần 60%. Ngành điều Việt Nam gặp khá nhiều thách thức khi tham gia vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Liên kết để tăng giá trị
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đặt vấn đề, thời gian tới, nhu cầu về điều được dự báo sẽ tăng khoảng 6%, và cung sẽ không đáp ứng được cầu. Việt Nam đang chế biến trên 50% sản lượng điều thô thế giới, nhưng diện tích trồng trong nước đang thu hẹp, sản lượng thấp dần, chỉ tự đáp ứng được trên 30% nguyên liệu. Phải chăng cây điều, ngành điều không còn hấp dẫn, hay tự chúng ta làm cho hạt điều không còn hấp dẫn?
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Liền cho rằng, nguồn cung điều thế giới tăng trưởng chậm là cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta xây dựng được vùng nguyên liệu cho năng suất cao và ổn định, từ đó chủ động điều tiết giá và giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ngành điều Việt Nam đang sở hữu nhiều giống điều cho năng suất cao, năng suất có thể lên tới 2,5-3 tấn/ha.
Để ngành điều phát triển bền vững, ông Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ, tái canh, trồng mới là biện pháp quan trọng nhằm đổi mới vườn điều bằng giống mới, trẻ hóa vườn cây, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Mặt khác, tái canh còn góp phần hạn chế thiệt hại do mưa trái mùa, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Thực tiễn cho thấy, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, năng suất điều tăng lên từ 24 - 63%, vì vậy, đây là một giải pháp quan trọng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu chọn tạo giống. Đặc biệt, tổ chức hợp tác sản xuất trong ngành điều là rất cấp thiết. Chính quyền và các ngành ở địa phương cần thúc đẩy việc hình thành tổ chức sản xuất của người trồng điều.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN nhận định, ngành điều hiện tại chưa được quan tâm đầu tư một cách có hệ thống và đang phát triển manh mún, rời rạc, thiếu sự hợp tác liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan. Sắp tới, Tập đoàn PAN sẽ xây dựng viện nghiên cứu giống điều, làm giống, tạo ra các giống điều chất lượng, năng suất cao.
Hiện, tập đoàn đang xây dựng đề án mô hình thí điểm trên một vùng nguyên liệu với diện tích 10 nghìn ha ở Bình Phước, liên kết với người nông dân qua hợp tác xã trong quá trình vận hành. Sau đó, sẽ nhân rộng và chuyển giao công nghệ cho các hộ và hợp tác xã trong vùng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành điều vẫn còn ba thách thức lớn là nguyên liệu, chế biến và tiếp cận thị trường. Mặc dù có cơ hội nhưng nếu không hóa giải được các thách thức trên thì ngành điều sẽ tụt hậu. Và vấn đề lớn nhất là phải tổ chức lại khâu sản xuất nguyên liệu.
“Để ngành điều phát huy hết tiềm năng, thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp tăng cường liên kết giữa DN và người nông dân, ứng dụng khoa học công nghệ, cải thiện quy hoạch ngành và quy hoạch vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nghich-ly-nganh-dieu-68335.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.