Tạo ý thức trả nợ từ Nghị quyết “bốn hai”

Nghị quyết 42 đã “thổi một luồng gió mới” vào việc thúc đẩy triển khai xử lý nợ xấu.

Liên tiếp các thông tin về việc triển khai xử lý nợ xấu (XLNX) theo Nghị quyết 42/2017/QH14 đã được đưa ra trong tuần qua, trong đó đáng chú ý là sự kiện Sacombank và BIDV đều đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) về việc XLNX và tài sản tồn đọng của họ đã bán cho VAMC.

Đây là hai trong số 6 NH (gồm Sacombank, ACB, BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank) được NHNN chọn làm tiên phong triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 nhằm tập trung triển khai một cách toàn diện, quyết liệt và hiệu quả tất cả các chính sách cho phép để XLNX.

Tạo ý thức trả nợ từ Nghị quyết “bốn hai”
Ảnh minh họa

Theo như kế hoạch được đưa ra tại lễ ký thỏa thuận trên thì phía NHTM và VAMC sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng lộ trình và triển khai xử lý nợ cho từng năm, đẩy nhanh công tác XLNX để thu hồi nợ. Mục tiêu của các NH là sớm thu hồi và xử lý các khoản nợ xấu một cách hiệu quả. Đặc biệt trong bản thỏa thuận VAMC và các NHTM rất chú trọng đến giải pháp mua bán nợ xấu theo giá thị trường và thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm - vốn được cho là giải pháp tốt nhưng rất khó thực hiện trước khi có Nghị quyết 42.

Trước đó, một thông tin khá nóng với XLNX là VAMC đã yêu cầu Công ty Sài Gòn One Tower bàn giao tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm đối với toàn bộ nghĩa vụ của các khách hàng.

Từ những động thái trên có thể thấy Nghị quyết 42 đã “thổi một luồng gió mới” vào việc thúc đẩy triển khai XLNX. Nhìn lại gần 4 năm qua, để đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống về mức dưới 3%, VAMC đã mua một khối lượng nợ xấu rất lớn. Tính đến 31/8/2017, VAMC mua 26.110 khoản nợ xấu từ 16.197 khách hàng với giá trị mua 266.335 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2013 đến 31/8/2017, VAMC đã thực hiện điều chỉnh lãi suất của 127 khách hàng với dư nợ gốc được điều chỉnh là 2.057 tỷ đồng, miễn, giảm lãi, phí cho 714 khách hàng với số tiền miễn giảm 1.399 tỷ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 37 khách hàng, số tiền 1.110 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc XLNX đến trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực gặp khá nhiều vướng mắc do những khó khăn về pháp lý từ cơ chế mua bán nợ xấu theo thị giá đến xử lý tài sản bảo đảm. Nhưng nay các vướng mắc về pháp lý liên quan đến XLNX và tài sản bảo đảm đã cơ bản được tháo gỡ nhờ Nghị quyết 42. Theo các chuyên gia tài chính – NH, nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của TCTD, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế.

Sau khi bắt tay vào xử lý những khoản nợ đầu tiên theo quy định mới, ông Đoàn Văn Thắng – Tổng giám đốc VAMC cho biết, Nghị quyết 42 tạo điều kiện cho thị trường mua bán nợ phát triển hơn khi cho phép VAMC được bán nợ cho cả các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua nợ thay vì chỉ được bán cho DATC và các công ty quản lý nợ và tài sản (AMC) khác. Điều này sẽ giúp thị trường thêm sôi động khi thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Vấn đề hiện nay là đang thiếu khá nhiều nguồn lực, đặc biệt là vốn. Nếu giả sử có vốn từ nước ngoài nhiều hơn và hoạt động mua bán nợ của nhà đầu tư được linh hoạt hơn thì XLNX sẽ tốt hơn. Chính vì vậy, các chuyên gia tài chính – NH dự báo rằng nhiều khả năng thời gian tới vấn đề tìm kiếm nguồn lực về vốn sẽ được triển khai và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài từng quan tâm tới nợ xấu ở Việt Nam tham gia nhiều hơn.

Với những vụ XLNX cụ thể đang triển khai, phía các cơ quan liên quan như công an, tòa án cũng đã cùng với ngành NH tích cực triển khai. Đặc biệt, Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản yêu cầu các tòa án nhân dân các cấp và các đơn vị trực thuộc thống nhất triển khai một số nội dung nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của các hợp đồng tín dụng, góp phần XLNX trên tinh thần Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Từ sự “ra quân” rầm rộ với cường độ ngày càng tăng của XLNX cho thấy những tín hiệu tích cực trong việc làm tan “cục máu đông” trong nền kinh tế. Điều quan trọng nữa được giới phân tích tài chính đưa ra là việc VAMC thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm sẽ góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 và cũng mang tới sự cảnh báo đến các khách hàng có nợ xấu, nâng cao ý thức của các “con nợ” trong việc trả nợ cho VAMC và TCTD.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tao-y-thuc-tra-no-tu-nghi-quyet-bon-hai-68133.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.