![]() | Tạo lực hút đầu tư từ mô hình đặc khu |
![]() | Kỳ vọng mô hình đặc khu kinh tế |
![]() | Cần xem lại vai trò đặc khu kinh tế |
![]() |
Ông Trần Duy Đông |
Trao đổi với báo chí trong cuộc họp chiều ngày 19/9, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) đã thiết kế các chính sách về kinh tế - xã hội dành cho các đặc khu có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế (ĐKKT), khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanmar.
Thưa ông, ban soạn thảo luật dựa trên cơ sở nào để khẳng định luật đã xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi, để các ĐKKT của Việt Nam dù đi sau nhưng vẫn đủ sức cạnh tranh với các mô hình của thế giới?
Dự thảo luật đã thực hiện mở cửa thị trường tại các ĐKKT với mức cao hơn các khu vực khác và bảo đảm cạnh tranh quốc tế thông qua quy định điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư đối với NĐT nước ngoài cũng như NĐT trong nước trong các ngành, nghề cần thu hút đầu tư. Cụ thể, Chính phủ ban hành danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng chung đối với NĐT trong nước và nước ngoài và một số ngành, nghề áp dụng riêng đối với NĐT nước ngoài theo hướng cắt giảm tối đa, chỉ giữ lại một số ngành, nghề nhất định vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng.
![]() |
Tinh thần của luật là thực hiện thí điểm thể chế theo hướng cởi mở, đột phá nhưng phải thận trọng |
Thủ tục thực hiện đầu tư kinh doanh tại đơn vị HCKTĐB được đổi mới và đơn giản hoá theo trình tự đơn giản nhất; không thực hiện thủ tục quyết định đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh theo quy định tại Luật Đầu tư; không thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án PPP và dự án đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, luật còn quy định việc thực hiện các thủ tục về kinh doanh, đất đai, xây dựng, lao động… tại trung tâm hành chính công theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” và qua hệ thống mạng trực tuyến và do trưởng đơn vị HCKTĐB ban hành.
Để thu hút đầu tư vào các ĐKKT thì chính sách ưu đãi là rất quan trọng. Vậy chính sách ưu đãi của đơn vị HCKTĐB có gì vượt trội so với các mô hình hiện nay, thưa ông?
Trước hết, luật mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho NĐT trong nước và nước ngoài tiếp cận đất đai và tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại các đơn vị HCKTĐB. Cụ thể, luật quy định thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị HCKTĐB và dự án đầu tư của NĐT chiến lược. Luật cũng quy định tổ chức kinh tế trong nước, DN FDI được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Đây là quy định rất mở mà trong luật hiện hành chưa cho phép nhưng chúng tôi mạnh dạn đề xuất áp dụng.
Về quy định chính sách huy động các nguồn lực, đặc biệt là từ khu vực tư nhân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại các đơn vị HCKTĐB, luật quy định NĐT được phép đề xuất các hình thức thực hiện dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo thông lệ quốc tế. Cần lưu ý rằng hiện nay trên thế giới có nhiều mô hình đầu tư mà luật pháp Việt Nam chưa cho phép, nhưng luật sẽ mở ra để NĐT được quyền đề xuất và lựa chọn áp dụng.
Ngoài ra, quy định ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các đơn vị HCKTĐB, để lại toàn bộ số tăng thu nội địa trên địa bàn đơn vị HCKTĐB trong 10 năm, cho phép bội chi ngân sách địa phương để đầu tư một số công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, môi trường quan trọng và thực hiện chính sách đặc thù quy định tại luật.
Về chính sách thuế, luật xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, miễn giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước hấp dẫn, vượt trội quy định hiện hành và cạnh tranh được với các ĐKKT trên thế giới để thu hút các NĐT chiến lược và đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển gắn với quy mô vốn.
Ngoài ra, luật còn quy định nhiều chính sách phát triển các ngành du lịch, dịch vụ như nâng mức giá trị bán hàng miễn thuế cho khách du lịch Việt Nam và người nước ngoài tại khu phi thuế quan; thực hiện chính sách thị thực đơn giản và mở rộng hơn; áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ kinh doanh casino, đặt cược thấp hơn mức hiện hành để cạnh tranh với Singapore, Malaysia, Macao…
Có thể thấy các ưu đãi dành cho đơn vị HCKTĐB là rất nhiều và rộng. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ dẫn đến ưu đãi tràn lan và khó kiểm soát chất lượng NĐT. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Nhìn vào dự thảo luật thì đúng là chúng ta thấy rằng ưu đãi nhiều quá. Tuy nhiên tôi xin giải thích thêm rằng các vấn đề này đều được pháp luật hiện nay của ta quy định như thế, luật chỉ gom lại thì chúng ta thấy nhiều như vậy. Còn hiện nay các khu kinh tế, khu công nghệ cao đều được áp dụng các quy định như vậy, thuế giá trị gia tăng cũng được miễn, rồi miễn thuế đầu tư vào tài sản cố định, miễn giảm thuế thu nhập DN…
Hoặc với các dự án trọng điểm, theo quy định hiện nay Bộ Tài chính trình Chính phủ để miễn giảm thuế với thời gian lên tới 30 năm thì luật này cho áp dụng 30 năm luôn mà không cần trình tự như trước đây, tất nhiên là áp dụng đối với dự án trọng điểm. Do vậy luật này chỉ gom lại và ưu đãi cao hơn một chút.
Bên cạnh đó, tôi cũng xin lưu ý rằng với các ưu đãi đầu tư vượt trội cũng chỉ được áp dụng trong phạm vi rất hẹp, đối với từng ngành nghề, dự án ưu tiên phát triển trong từng đặc khu. Ví dụ vào Vân Đồn thì chỉ dành cho dự án du lịch, công nghệ cao; Bắc Vân Phong là dành cho dự án cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông… mục tiêu phát triển phải khác nhau ở từng khu. Thì xây dựng luật cơ chế chính sách phải vượt trội với trong nước và quốc tế, ít nhất là so với 13 khu mà chúng ta đã so sánh…
Tóm lại tôi xin nhấn mạnh các quy định trong luật không vượt quá nhiều so với các ưu đãi hiện nay, và ở một số quy định chúng ta còn chặt hơn là ưu đãi chỉ áp dụng cho từng ngành nghề ưu tiên chứ không cào bằng. Như vậy, tinh thần của luật là thực hiện thí điểm thể chế theo hướng cởi mở, đột phá nhưng phải thận trọng.
Xin cảm ơn ông!
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dot-pha-trong-than-trong-67687.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.