Còn bất cập trong chuyển đổi cây trồng

Các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp cần tổ chức nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Xây dựng nền nông nghiệp sạch bền vững
Ngành chăn nuôi lợn: Cần sản xuất theo tín hiệu thị trường
DN không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp

Thiệt hại do thời tiết bất thường

Do tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây dẫn đến mưa bão, hạn hán bất thường, việc trồng lúa nước ở các địa phương rơi vào tình trạng thiếu nước tưới. Chính vì thế đã dẫn đến tình trạng nhiều nơi đất trồng lúa bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất.

Đơn cử tại tỉnh Gia Lai, theo ngành nông nghiệp địa phương này, khoảng 5 năm gần đây, Gia Lai liên tục gặp hạn hán khiến hàng ngàn hecta cây trồng các loại bị ảnh hưởng, nông dân bị thiệt hại nặng nề. Riêng năm 2016, Gia Lai có khoảng 23.000ha cây trồng bị hạn và thiếu nước tưới. Trong đó, 4.457ha cây trồng bị mất trắng, 11.249ha cây trồng bị giảm năng suất 30-70%, 7.143ha cây trồng bị giảm năng suất dưới 30% và thiếu nước tưới.

Còn bất cập trong chuyển đổi cây trồng
Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi cây trồng để giảm thiểu rủi ro cho người dân

Trước thực trạng này, Chính phủ định hướng và cho phép các địa phương lập phương án, triển khai thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho người nông dân có thu nhập ổn định.

Theo các chuyên gia, đây là hướng đi đúng, phù hợp thực tiễn, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp ngoài lúa, gạo. Nếu chuyển đổi thành công những diện tích trồng lúa cần nhiều nước tưới sang trồng các loại cây trồng khác như nhóm cây họ đậu, ngô hay những loại cây công nghiệp chịu được hạn thì chắc chắn người nông dân nâng cao hiệu quả trong sản xuất, giảm được chi phí so với trồng cây lúa truyền thống.

Gia Lai là một trong những địa phương được đánh giá bị ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu tác động hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Nhiều huyện, thị xã phía Đông của địa phương này luôn chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt những năm gần đây lượng mưa ít, gây hạn trên diện rộng đối với diện tích trồng lúa.

Cần đẩy mạnh chuyển đổi hiệu quả

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Gia Lai lập đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020. Theo đề án, các cấp, các ngành và địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân triển khai chuyển đổi một số loại cây trồng có thể phát triển tốt, cho năng suất cao như cỏ, bắp lấy thân, thanh long ruột đỏ, đậu đỗ... Qua đó, giúp nông dân lựa chọn cây trồng, phương pháp canh tác phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu để tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Trên cơ sở đó, chính quyền các địa phương chỉ đạo lập kế hoạch chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác qua các năm, bước đầu có những chuyển biến tích cực. Ví như, để nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tăng thu nhập cho người dân, nhất là trong vùng người đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Phú Thiện (Gia Lai) tập trung tuyên truyền để nông dân đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả như lúa rẫy, sắn... sang trồng mía cao sản.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện này cho hay, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nên đã chuyển đổi được tập quán của nhiều nông dân và đã có kết quả khả quan.

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng mang lại cho người nông dân cơ hội tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng có nhiều tồn tại, cần các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp cần tổ chức nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Cũng tại Gia Lai, theo Quyết định số 978/QĐ-UBND ngày 27/12/2016 của UBND tỉnh Gia Lai, kế hoạch chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác trong năm 2017 khoảng 1.783ha. Song theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này, đến thời điểm hiện tại mới chuyển đổi được 586ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả (chỉ đạt gần 33%) sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Gia Lai, nguyên nhân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác không đạt kế hoạch là do vụ Đông Xuân 2016-2017 và vụ mùa 2017 trên địa bàn người dân tiếp tục trồng lúa, không thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất lúa trong những năm trước đây thường xuyên bị hạn.

Có thể nói, đây là những bất cập đối với tập quán canh tác lâu nay của bà con nông dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, để thực hiện thành công công tác chuyển đổi cây trồng theo định hướng thì rất cần sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, ngành nông nghiệp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu được hiệu quả của công tác chuyển đổi cây trồng, để tránh những rủi ro do tác động biến đổi khí hậu, gây tổn thất đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/con-bat-cap-trong-chuyen-doi-cay-trong-67550.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.