Những giấc mơ thơ
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú sinh năm 1959 tại làng Kim Đôi, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Ngày nhỏ, khi cha anh và bè bạn đàm đạo, đọc thơ, thi thoảng anh được gọi ra làm chân “điếu đóm”. Nhờ đó mà anh được tiếp xúc với thơ. Mẹ anh là người mê và rất thuộc Truyện Kiều cho dù ít được học. Bà ru anh và các em anh bằng Truyện Kiều, như thế cũng đủ khiến anh yêu thơ, yêu những câu Kiều biết nhường nào.
![]() |
Một số tác phẩm của Nguyễn Ngọc Phú |
Ngọc Phú tâm sự: “Từ lúc nhỏ đến khi 13 tuổi là quãng thời gian rất quan trọng với người làm thơ. Nếu quãng thời gian đó nuôi dưỡng được tâm hồn thơ thì sẽ có khả năng. Độ đó làng, xã tôi hay có hát chèo, mẹ thường cõng tôi đi xem khi chưa có em bé. Lớn lên chút nữa, làng tôi trở thành một chiến địa, bãi biển Cửa Sót tan nát vì bom đạn. Vì thế, tuổi thơ tôi là những ký ức về nỗi đau và những kỷ niệm đau đáu về biển và thân phận con người”.
Hết cấp III, Ngọc Phú vào bộ đội rồi thi vào Học viện Kỹ thuật quân sự chuyên ngành kỹ sư xe máy năm 1982, ngày đó còn đóng ở Vĩnh Yên - Vĩnh Phú. Tại đây, anh được tiếp xúc và làm bạn với nhà văn Hà Phạm Phú và Cao Văn Định, bắt đầu chắp nối những vần thơ đầu tiên. Ngoài mê thơ, Ngọc Phú còn thích chụp ảnh. Cũng vì chuyện liên quan đến chiếc máy ảnh mà anh đã có một tình yêu tuyệt đẹp với cô gái Vĩnh Phú duyên dáng hát hay, để sau đó anh viết nên tình yêu của mình bằng thơ: “Yêu em bằng tình anh biển cả”.
“Thân phận biển”
Nguyễn Ngọc Phú chẳng những sinh ra ở miền biển, tuổi thơ lớn lên từ cái mặn mòi, cơ cực, bằng những giọt mồ hôi chát đắng của những người dân cả đời gắn bó với mênh mông bão gió, anh còn tự coi mình là con của biển khơi. Bởi thế Phú luôn viết nhiều về những người dân một nắng hai sương, oằn vai nặng gánh. Thơ anh vừa có sự lấp lánh của những sắc màu tươi đẹp cuộc sống, vừa có sự chân thành, đắm đuối của một trái tim đa cảm.
Thơ anh đau đáu, quặn thắt một tình yêu quê, ám ảnh nỗi đau của những người dân chịu nhiều mất mát cũng bởi biển gây ra trong những mùa gió chướng. Trường ca gắn với biển được sinh ra từ người con của miệt biển này. Trong trường ca “Biển và tôi”, Nguyễn Ngọc Phú viết: “Có một tầng trời ngoài một tầng trời. Có một vùng biển trong một vùng biển. Người vác lưới ra đi. Đêm lân tinh rắc về tận ngõ. Có con thuyền chết cạn. Ta không cứu nổi nữa rồi. Ta liệm thời gian bằng gấu váy buồn của những con sóng... Chân vịt tuổi thơ ta. Không quay chong chóng. Xoáy vào vực sâu cơn mê ám ảnh hiện về. Ngọn bút lá tre. Chấm xuống vòi bạch tuộc...”.
Ở trường ca này, anh muốn mang đến cho bạn đọc những hình ảnh quen mà lạ, nó ngấm vào người anh, vào hồn anh, vào cả hồn thơ để ngòi bút bật lên những con chữ, cựa quậy, như người bơi chèo chắc tay trên sóng. Trường ca “Biển và tôi” tham dự cuộc thi "Thơ ca và nguồn cội" và đạt giải nhất. Nó như một lời khẳng định với bè bạn, với quê hương rằng, tình yêu quê của anh mãi mặn nồng, khăng khít.
Tác giả Nguyễn Mạnh Hà nhận xét: “Nói đến Nguyễn Ngọc Phú người ta thường nói đến một người làm thơ với thế mạnh là giàu cảm xúc, nhuần nhuyễn trong chuyển tải cảm giác, khả năng liên tưởng tài tình. Bởi vậy, thơ anh rất giàu hình ảnh, các hình ảnh có khả năng “lôi kéo” tương đối cao tạo nên độ thăng hoa của cảm xúc với tính chất đa cung bậc: có đằm sâu lắng dịu, có cuồng nhiệt, dữ dằn”.
Bây giờ, khi đã là người thành đạt, Nguyễn Ngọc Phú vẫn muốn mình phải chuyển tải những “thân phận biển” quê anh, cũng như những vùng biển khác đến với bạn đọc. Và, anh rất sợ mình sẽ quên đi tiếng sóng, quên mất cái đau cắt da cắt thịt mỗi mùa gió chướng. Anh đủ tiền để xây cho mình ngôi nhà khang trang ở thị xã Hà Tĩnh, nhưng anh đã không làm vậy mà xây nhà sống ở quê cho gần với biển. Đều đặn, mỗi tuần, sáng anh ra thị xã làm việc, chiều lại phóng xe máy về, chỉ mất chừng 25 phút.
Nếu như biển có thân phận thì cũng có chân dung, lý lịch. Ngọc Phú vẫn coi mình như kẻ cả đời đi vẽ chân dung biển bằng hồn thơ. Để tìm ra linh hồn biển, thân phận biển, học cách hào phóng như biển, để sống tốt hơn, mỗi chúng ta thậm chí phải mất cả đời. Hiểu điều đó nên Phú vẫn không thôi trăn trở, tìm hiểu, viết và chuyển tải những nỗi niềm của biển khơi. Giờ với cương vị là Tổng biên tập tạp chí Hồng Lĩnh, tuy là tờ văn nghệ địa phương, nhưng anh đã “đẩy” được chất lượng của nó lên, và là một trong những tờ văn nghệ địa phương có lượng phát hành lớn nhất.
Lúc này dù đã có tuổi, nhưng nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú vẫn ham đi, ham viết, cộng tác nhiệt tình với một số báo quen. Anh bảo: “Bản thân tôi yêu biển, nhưng đất nước dài rộng và lúc nào tôi cũng muốn khám phá. Tôi đi nhiều làng biển để viết về văn hóa biển. Tôi lên miệt rừng lấy thông tin về thượng nguồn các dòng sông, về những cánh rừng và cả đời sống của bà con đã làm nên những tên đất, tên làng ở tận biên cương”.
Là người dấn thân, thích trải nghiệm, yêu thơ, yêu biển mãnh liệt, Nguyễn Ngọc Phú đã cất lên tiếng reo vui của một người con yêu quê tha thiết. Anh là người đã tưới đẫm đời mình bằng cảm xúc biển, bằng sự giải mã, tìm về hồn biển, hồn người. Và đây, một trong những bài thơ đầu tay của anh, giản dị, được rất nhiều người thích. Xin đọc lại bài thơ “Hồn quê” để nói lời tạm biệt:
Tôi trở về bến nước ngàn dâu
Mẹ dệt lụa chăn tằm như thuở trước
Áo đồng môn mẹ nhuộm bùn đã mục
Tiếng xa quay bền bỉ suốt năm trời.
Con đò ngang quay ngược lại chờ tôi
Bát nước chè giữa trưa hè đậm chát
Giọng miền Trung chẳng thể nào lẫn được
Ngọn gió Lào quăng quật suốt đời tôi…
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nguoi-mang-than-phan-bien-67487.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.