Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mới đây đã được Bộ GT-VT và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) chính thức thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác 65km (Km000+000 – Km 65+000), từ Đà Nẵng đến Tam Kỳ (Quảng Nam).
![]() |
Nút giao thông Túy Loan vẫn ngổn ngang những hạng mục chưa hoàn thành |
Theo chủ đầu tư, đoạn tuyến 65 km thông được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120km/h; quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24,25m, chiều rộng mặt đường 22,25m. Riêng đoạn tuyến nối với quốc lộ 1A theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, vận tốc thiết kế 80km/h.
Theo đại diện VEC, sau hơn 4 năm thi công, đoạn tuyến 65km của dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cơ bản hoàn thành, đảm bảo yêu cầu thông xe để đưa vào khai thác tạm. Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các khu công nghiệp của Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi...
Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tổng chiều dài toàn tuyến 139,52km. Trong đó, tuyến cao tốc có chiều dài 131,5km, đoạn nối tuyến cao tốc với QL 1A có chiều dài 8,02km, được chia làm 13 gói thầu xây lắp chính, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 1.640 triệu USD, tương đương khoảng 34.516 tỷ đồng.
Mặc dù, đoạn tuyến 65km (Km000+000 – Km 65+000) từ Đà Nẵng đến Tam Kỳ đã được đưa vào khai thác, song ngay đầu tuyến, tại nút giao Túy Loan giữa đường cao tốc với quốc lộ 14B vẫn chưa hoàn thành, còn khá nhiều hạng mục thi công dang dở.
Theo ông Cao Hừng Đông, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 1 (thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 – Cienco 5), dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hiện công trình nút giao Túy Loan cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi thuộc gói thầu số 1 phải tạm ngừng thi công do vướng mặt bằng.
Vậy câu hỏi đặt ra, vì sao thực tế vẫn còn nhiều hạng mục của dự án chưa hoàn thành mà chủ đầu tư VEC đã vội vàng đưa đoạn tuyến này vào khai thác, phải chăng VEC “chạy” tiến độ để lấy thành tích?
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên do việc chậm giải phóng mặt bằng là do chủ đầu tư chưa đền bù thỏa đáng, nên một số hộ dân không đồng tình bàn giao mặt bằng.
Bức xúc về việc này, bà Phạm Thị Thu Trang, thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho hay, việc hỗ trợ 10 triệu đồng cho hoạt động kinh doanh, cộng thêm vài triệu đồng cho diện tích giải phóng mặt bằng là không thỏa đáng.
“Trước đây, vị trí nhà tôi nằm ngay mặt tiền quốc lộ 14B, rất thuận lợi trong việc kinh doanh. Thế nhưng, giờ giải tỏa lại nằm vào trong đường gom, không còn kinh doanh là thiệt thòi lớn, chưa kể hàng trăm triệu đồng đầu tư trang thiết bị cho hoạt động kinh doanh giờ phải bỏ không”, bà Trang chia sẻ và kiến nghị được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư dự án và đề xuất nên cho giải tỏa trắng...
Tương tự, trước đây, nhà ông Phạm Gia, thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang ở mặt tiền quốc lộ 14B, kinh doanh thuận lợi, nay làm đường gom khiến việc đi lại khó khăn. Ông Gia bức xúc, sau khi giải tỏa, nhà không còn ở mặt tiền nên giá trị đất còn lại và giá trị kinh doanh giảm sút. Vì vậy, ông Gia đề nghị, giải tỏa di dời hẳn như các hộ khác hoặc đền bù giá trị cao hơn.
Theo đại diện Ban điều hành gói thầu số 1, thời hạn hoàn thành nút giao này vào ngày 11/10/2017 nhưng tất cả các nhánh, trục ở đây đều bị vướng mặt bằng.
Ông Cao Hừng Đông còn cho biết, Ban điều hành đã gửi rất nhiều công văn, kiến nghị đến địa phương, chủ đầu tư và tích cực phối hợp trong việc giải phóng mặt bằng nút giao Túy Loan nhưng đến nay mọi việc vẫn không thay đổi. Trong lúc đó, khối lượng công việc và giá trị còn lại rất lớn với khoảng 47 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), trước kiến nghị của các hộ dân, chính quyền địa phương đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng cấp trên. Mới đây, theo chỉ đạo của UBND thành phố, chính quyền địa phương đang rà soát, lập báo cáo chi tiết để trình UBND thành phố phê duyệt, để hỗ trợ thỏa đáng cho người dân địa phương nằm trong vùng dự án, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu và chủ đầu tư thi công.
Có thế nói, những kiến nghị của người dân địa phương trong vùng dự án là rất thiết thực, hài hòa với lợi ích của các bên. Vậy nên, chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để giải quyết thỏa đáng, qua đó kịp thời bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu tiếp tục thi công đảm bảo tiến độ mà nhà thầu đã cam kết.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/can-dam-bao-hai-hoa-loi-ich-67108.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.