Giải thưởng và danh hiệu nghệ sĩ: Dễ dãi nên mất thiêng

Việc lắng nghe, chỉnh sửa những quy định chưa phù hợp, tôn vinh những người có công cho việc phát triển văn học nghệ thuật, văn hóa, văn hóa dân gian, làng nghề là vô cùng quan trọng...
Nghệ sĩ bị mạo danh: Lỗi do ai?
Danh hiệu nghệ nhân còn lắm gian nan

Vàng thau lẫn lộn

Mấy năm qua nổi lên không ít chuyện lùm xùm quanh vấn đề phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), giải thưởng về văn học nghệ thuật. Nào là việc xét duyệt thiếu công bằng, cánh hẩu, hết nạc vạc đến xương, nào là việc quy đổi huy chương, các quy định về độ tuổi, chồng chéo giữa các bộ, ngành.

Giải thưởng và danh hiệu nghệ sĩ: Dễ dãi nên mất thiêng
Linh Nga được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú

Thậm chí còn có chuyện “chạy” danh hiệu, “chạy” huy chương mà thực tế đã chứng minh. Tất cả những điều đó đã dẫn đến chuyện nhiều người thiếu tài năng, uy tín thì được phong tặng các danh hiệu cao quý, còn người có năng lực chuyên môn thật sự thì lại bị gạt sang một bên.

Còn nhớ năm 2015 là một trong những năm “nhiều chuyện” nhất về việc phong tặng danh hiệu. Nhiều họa sĩ đã thốt lên, có quá nhiều hồ sơ đề nghị, với hàng trăm người. Cứ tình trạng như thế thì sẽ sinh ra “loạn” danh hiệu. Từ đó sẽ chẳng có nghệ sĩ thường nữa, mà đi đâu cũng gặp NSND, NSƯT.

Các danh hiệu từng rất được coi trọng, tôn vinh thì thành ra rẻ rúng, mất thiêng. NSƯT Hoàng Hà Hùng chia sẻ, ông có đủ tiêu chuẩn để đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, nhưng đã không làm vì ông luôn nghĩ đó là một danh hiệu cao quý, không thể “vơ đũa cả nắm”.

Ông Hùng và nhiều nghệ sĩ uy tín khác tỏ ra lo lắng, khi quy định về việc quy đổi huy chương thật sự đã khiến bội thực danh hiệu. Cụ thể, ai tham gia vào một vở diễn được huy chương vàng (HCV) đều được tính 1/3 HCV. Còn diễn viên chính sẽ được tính là 2/3 HCV.

Với các diễn viên phụ, ở tất cả các khâu, diễn viên phụ, hậu đài, ánh sáng... chỉ cần chứng nhận của đạo diễn là có tham gia vở diễn đạt HCV, sẽ được hưởng 1/3 vàng và cứ 3 huy chương bạc được 1 HCV. Như vậy cứ tham gia nhiều thì cộng lại, những diễn viên phụ cũng có vô số HCV. Nhiều diễn viên chẳng có tiếng tăm gì cũng sẽ theo năm tháng trở thành NSƯT.

Việc xét tặng các danh hiệu nghệ nhân cũng có quá nhiều bất cập. Cụ thể Nghị định 62/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể vừa có hiệu lực từ ngày 7/8/2014 đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của công chúng vì những quy định thiếu thực tế nên chưa ghi nhận đúng những đóng góp của các nghệ nhân.

Nhiều nghệ nhân đã qua đời mà chưa được ghi nhận, không ít nghệ nhân lầm lũi, sống ở những miền quê, dày công truyền dạy nghề truyền thống, chẳng được ai biết đến. Trong khi đó các cơ quan chức năng cứ ra rả mong các “di sản sống” hãy có đóng góp, truyền dạy, gìn giữ di sản văn hóa.

Ngày 1/3/2017, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ VHTTDL nghiên cứu sửa đổi Nghị định 90/2014/NÐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT; trong đó bổ sung quy trình để Hội đồng xét tặng có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét các trường hợp đặc biệt trước khi trình Chủ tịch nước quyết định.

Cần tiếp thu và điều chỉnh

Hiện Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến góp ý xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2014/NÐ-CP. Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng cho rằng, một trong những điều cần sửa đổi trong quy trình xét tặng Giải thưởng ở mùa giải đầu tiên áp dụng theo Nghị định 90 là quy định phải có giải thưởng tại các cuộc thi để đủ tiêu chuẩn đánh giá giá trị cho tác phẩm.

Những tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn trước ngày thống nhất đất nước dù có giá trị đặc biệt nhưng không có giải thưởng do đất nước có chiến tranh, ít có các cuộc thi được tổ chức. Nếu vì không có giải thưởng mà không xét thì sẽ bỏ sót việc tôn vinh nhiều tác giả tên tuổi.

Nhiều ý kiến góp ý cho rằng, Bộ VHTTDL nên xem xét tác phẩm thiếu giải thưởng nhưng được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, không có giải thưởng thì xem xét về giá trị nghệ thuật và tư tưởng. Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường bày tỏ, nhiều lĩnh vực đặc thù như điêu khắc, mỹ thuật nên có thêm những tiêu chí chuyên ngành để bảo đảm sự công bằng, thiết thực. Không nên lấy tiêu chí của ngành này áp cho ngành kia.

Quay trở lại với việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân, giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng đã hơn 600 nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng, là một bước tiến rạng rỡ đối với nghệ nhân. Nhưng năm 2015 việc vinh danh nghệ nhân ưu tú bị trục lợi, khi có hai đơn vị kết hợp để vận động các nghệ nhân đóng góp tiền từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, giống như việc đóng tiền “mua” danh hiệu. Sự việc đã bị Bộ VHTTDL “tuýt còi”.

Giải thưởng và danh hiệu nghệ sĩ: Dễ dãi nên mất thiêng
Ông Lê Văn Kinh - một trong những nghệ nhân nghề thêu được vinh danh sớm

Nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh (tỉnh Thừa Thiên - Huế) bày tỏ: “Việc xét tặng danh hiệu cho những người có đóng góp là rất nên làm, nhưng cần thận trọng, chọn đúng người, ghi nhận hợp lý để không bị bỏ sót, đồng thời không để các tiêu cực xâm lấn. Nên đưa hoạt động khen thưởng, ghi nhận công lao của người có đóng góp trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, di sản văn hóa vào quỹ đạo nghiêm túc”.

Trong Hội nghị sơ kết ba năm triển khai thực hiện các nghị định xét tặng danh hiệu, giải thưởng vừa qua, nhiều ý kiến đóng góp cho rằng, việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016 đã nổi lên hai nội dung chưa phù hợp là Quy định về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng và Quy định về tỷ lệ phiếu đồng ý của hội đồng các cấp.

Quy định phải đạt tỷ lệ 90% số phiếu Hội đồng bỏ phiếu thì mới đạt là bất hợp lý, với tỷ lệ đó quá cao. Không ít ý kiến cho rằng nên để ở mức 75% số phiếu là hợp lý. Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho biết, Bộ VHTTDL mong muốn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến tâm huyết, sát thực tế, để qua đó rà soát và chỉnh sửa cho phù hợp.

Việc lắng nghe, chỉnh sửa những quy định chưa phù hợp, tôn vinh những người có công cho việc phát triển văn học nghệ thuật, văn hóa, văn hóa dân gian, làng nghề là vô cùng quan trọng. Mong rằng các cơ quan chức năng sẽ xây dựng được những quy định tốt, góp phần khuyến khích các tài năng tiếp tục cống hiến cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/giai-thuong-va-danh-hieu-nghe-si-de-dai-nen-mat-thieng-67010.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.