Thị trường thịt bò và lợi thế của hàng ngoại
10:04 | 28/08/2017
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã mở cửa cho thịt bò Úc vào thị trường trong nước và nó bắt đầu chiếm lĩnh thị trường nhanh một cách chóng mặt. Đặc biệt, từ năm 2013 trở lại đây, thịt bò Úc đã có mặt không chỉ ở các đại lý, siêu thị, mà xâm nhập cả thị trường bán lẻ… khiến thịt bò trong nội địa “lép vế”.
![]() | Nhiều dư địa cho DN thực phẩm |
![]() | Hà Nội: Sắp có nhà máy chế biến thịt bò công nghệ Nhật |
Thua trên... “sân nhà”
Năm 2002, Việt Nam bắt đầu thông qua cơ chế cho phép nhập khẩu bò thịt từ Úc với số lượng chỉ ở mức 3.000 con. Thời điểm đó, các DN trong nước hợp tác với các trang trại nuôi bò tại Úc mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục hải quan, các DN trong nước đã “ồ ạt” đầu tư nhập khẩu bò sống từ Úc để về chế biến thành thịt thành phẩm bán ra thị trường.
![]() |
Bò Úc đang được nhập về nuôi với số lượng lớn tại Nghệ An |
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, giống bò Úc thịt mềm, dễ chế biến lại giàu chất dinh dưỡng nên khi vào thị trường Việt Nam nhanh chóng được người tiêu dùng ưa chọn. Mặt khác, loại bò thịt của Úc khi vào nước ta có giá bán tương đối rẻ so với thịt bò nội địa.
Nếu như lúc cao điểm, giá cả thị trường thịt bò trong nước là 220.000 - 250.000/kg, thì thịt bò Úc giá bán chỉ 210.000 - 230.000/kg tùy loại. Với giống bò to béo, mỗi con khi xuất đưa đi lò mổ có trọng lượng 450 - 500kg hơi, lại được nhiều thịt nên các thương lái đầu mối thích chọn giống bò này để đưa ra thị trường.
Trong khi đó, giống bò nội lại không được nhiều thịt thành phẩm khi chế biến, giá đắt hơn. Một nguyên nhân nữa khiến bò ngoại ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong nước là do nhu cầu tiêu thụ thịt bò của người dân đang có xu hướng tăng mạnh. Trong khi đó, thị trường thịt bò nội đang ngày càng khan hiếm nên cung không đủ cầu. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu không mở cửa cho bò ngoại thì sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí đội giá thịt bò.
Thực tế hiện nay, trên thị trường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, thịt bò Úc được bày bán nhiều ở các siêu thị, trung tâm thương mại. Chỉ tính riêng tại Nghệ An, thịt bò Úc những năm gần đây đã có mặt trên thị trường bán buôn và bán lẻ. Giá bán rẻ hơn thịt bò nội nên đã dần chiếm được thị phần tại các siêu thị, đại lý bán buôn.
Đặc biệt, từ tháng 3/2014, Nghệ An cho phép CTCP Đầu tư sản xuất thương mại dịch vụ Kết Phát Thịnh xây dựng trang trại quy mô 7 ha tại huyện Nghi Lộc, bò Úc đã được nhập về đây ồ ạt. Với quy mô gần 4.000 con bò Úc, trang trại của đơn vị này đã đáp ứng được nhu cầu bò thịt từ TP. Đà Nẵng trở ra phía Bắc.
Hàng ngoại có nhiều lợi thế
Theo đại diện của CTCP Đầu tư sản xuất thương mại dịch vụ Kết Phát Thịnh, sau khi hoàn chỉnh hệ thống trang trại nuôi nhốt để đưa ra thị trường, bò Úc đã chiếm lĩnh được thị trường. Hiện nay, đơn vị đã cung cấp thường xuyên giống thịt bò Úc cho 3 lò mổ tập trung tại xã Nghi Phú (TP. Vinh) để đem đi tiêu thụ trong tỉnh. Thời điểm cao nhất, mỗi ngày đơn vị cung cấp cho các lò mổ trên địa bàn TP. Vinh trung bình khoảng 60 con. Đây là giống bò sạch, không bị nhiễm bệnh, dịch gia súc nên người dân rất thích.
Cũng chính vì những lý do trên, nhiều hộ chăn nuôi bò trong tỉnh hiện nay đang “đau đầu”. Nếu như trước kia, khi bò Úc chưa được nhập về, các chủ trang trại nuôi trâu, bò trong tỉnh rất “dễ thở” khi xuất bò thịt ra thị trường. Tuy nhiên, vào những năm gần đây, thịt bò nội địa đang phải cạnh tranh khốc liệt với giống bò ngoại. Các tiểu thương đầu mối nếu không hạ giá thịt bò nội thì rất khó bán ra thị trường. Chính vì vậy, giá bán tại chuồng trại của giống bò nội cũng bị tư thương ép giá.
Ông Trần Văn Quý, một tư thương chuyên thu mua trâu bò có thâm niên ở xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, những năm gần đây, giá thu mua trâu bò liên tục rớt. Kéo theo đó, lời lãi sau một thương vụ cũng giảm hẳn. Nếu như trước kia, mua một con bò có giá 20 đến 25 triệu đồng bán ra thị trường phía Bắc, lãi được 500 ngàn đến 1 triệu đồng thì nay chỉ còn 300 đến 400 nghìn đồng. Nguyên nhân chủ yếu cũng do bò ngoại đang áp đảo mạnh bò thịt nội địa. Nhiều gia đình chăn nuôi cũng rất lo ngại khi tiếp tục tái đàn bò của mình sau mỗi lần xuất chuồng.
Theo số liệu của cơ quan Thú Y vùng III (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đóng tại Nghệ An, chỉ tính riêng năm 2014 (thời điểm mà CTCP Đầu tư sản xuất thương mại dịch vụ Kết Phát Thịnh được phép đi vào hoạt động), số lượng bò Úc nhập về trang trại tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc 10 chuyến bằng đường biển là 30.333 con; 3 tháng đầu năm 2015, bò Úc nhập về 3 chuyến với số lượng 11.878 con. Đến nay, theo thống kê thì trung bình mỗi năm, công ty này nhập về khoảng 15.000 con bò thương phẩm để vỗ béo rồi xuất đi các lò mổ ở các tỉnh, thành khắp cả nước.
“Vì giống thịt bò Úc có xuất xứ sạch, không bị dịch bệnh nên thị trường trong nước rất ưa chuộng. So với bò nội địa, bò Úc hiện nay đã chiếm thị trường rộng rãi. Bò Úc có tốc độ sinh trưởng nhanh (chỉ 3 đến 4 năm có thế xuất chuồng). Trong khi đó bò nội phải mất tới 6 đến 7 năm mới bán thịt được. Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra công tác kiểm dịch đối với giống bò ngoại khi nhập vào nội địa. Đến thời điểm hiện nay, chưa xuất hiện dịch bệnh trên bò Úc khi nhập vào Việt Nam”, ông Dương Văn Tri, Phó giám đốc cơ quan Thú Y vùng III cho biết.
Trước thực trạng thịt bò nội đang lép vế trên thị trường, nếu ngành nông nghiệp không có cơ chế phù hợp để cạnh tranh thì người chăn nuôi sẽ thua ngay trên đất của mình. Đây cũng là vấn đề sống còn đối với ngành chăn nuôi trong nước trước bối cảnh hiện nay.
Bài và ảnh Đăng Quang