![]() |
Ảnh minh họa |
Ba năm sau, tôi mới có dịp trở về quê cũ. Chiếc tàu du lịch rẽ sóng xuôi dọc qua xóm chợ năm nào. Ngồi trên tàu trong một sớm mai bảng lảng khói, tai lắng nghe âm thanh nhộn nhịp của một vùng sông nước tấp nập, tôi mơ hồ thấy mình của những ngày ấu thơ ngồi trên xuồng theo má bơi ra họp chợ. Huyền bảo: “Chợ ở đây đông và náo nhiệt quá, mà sao thấy lòng mình bình yên đến lạ”. Tôi nhìn Huyền cười: “Bình yên thật! Nhìn cảnh này sao tui nhớ mình của ngày xưa quá”.
Ngày xưa của tôi, là những lần thức dậy thật sớm náo nức phụ má bưng đồ đạc xuống xuồng đi chợ. Tôi lớn lên từ hương chè đậu xanh, đậu đỏ mà má thường nấu. Hồi ấy nhà nghèo, chiều chiều, má bơi xuồng qua xóm bên mua đường cát, đậu xanh, đậu đỏ… về ngâm để khuya thức dậy nấu chè mang ra chợ bán.
Má tôi thức dậy khi đêm đen còn bao phủ cánh đồng trước nhà, gió từ ngoài triền sông thổi vào mang theo hơi lạnh ran rát thịt da. Má nhóm bếp lửa, hì hụp vừa nấu chè, tôi nằm trong chăn mũi nghe ngai ngái mùi khói bếp thơm lựng xông vào rồi mắt nhắm mắt mở chui ra … chuẩn bị đi chợ. Chè vừa chín thì chân trời quê cũng tờ mờ sáng. Sương trắng giăng giăng trên cánh đồng xa. Má bưng nồi chè xuống xuồng, tôi phụ má mang một vài thứ vặt vãnh theo sau.
Tôi trước mũi, má sau lái bơi xuồng. Chiếc xuồng nhỏ băng qua dòng kênh nhỏ, xóm làng nhạt nhòa trong sương mai. Vừa đến chợ thì trời cũng vừa sáng hẳn, má cập xuồng vào một cội bần nào đó dưới bến sông, nhọc nhằn bưng hàng lên chợ, tìm cho mình một góc “lý tưởng” rồi ngồi phe phẩy quạt đuổi ruồi chờ khách.
Chợ quê không đông như chợ phố, chuyện trả giá cò kè có lẽ cũng ít hơn. Chợ quê chỉ bán những đặc sản thôn dã, rau nấm tự trồng, cá thì câu hoặc đánh lưới rồi mang ra chợ bán, vịt gà tự nuôi… toàn những sản vật cây nhà lá vườn, lâu lâu có chuyến tàu sông ghé qua, khách phố hí hửng ôm máy ảnh lên chợ rồi ngó nghiêng tìm góc chụp vài tấm làm kỷ niệm, mua vài thứ về làm quà biếu rồi tàu đi… Đã bao bận tôi đứng châng hẩng dưới bến chợ nhìn những chuyến tàu sông đến rồi đi, lòng đầy tiếc nuối.
Một chiều nào đó bời bời gió, tôi của hiện tại (không phải là tôi của hai mươi năm về trước, mơ mộng, dễ khóc, dễ cười) vô tình đi ngang qua một chợ phố ồn ã đông người, người xe bon chen, chợt tiếng ai bất nhẫn quát tháo người ăn xin đầu bù áo rách mà lòng se sắt, tiếng xì xào trả giá, tiếng kèn xe và khói bụi mịt mờ, đâu đó phía cuối đường, có tiếng cãi cọ, chửi bới nhau chỉ vì… tranh khách.
Thèm lắm mùi chợ quê thân thuộc năm nào. Nhớ sao gánh rau bà Tư, gánh bánh chuối bánh bò nước cốt dừa béo ngậy của chị Hai Vinh, tiếng mời hàng thân thương của ông Sáu dưới gốc cây chùm ruột. Nhớ cái góc chợ quê bình dị năm nào, nhớ cả những người dân lam lũ dẫu đoạn đời nào cũng mang trong lòng những nỗi niềm u uất, những đắn đo tủn mủn chuyện áo cơm. Chợ quê của tôi ơi, bến đò sông thương nhớ của tôi ơi! Nơi tôi đã gắn bó những tháng năm thơ ấu đầu đời đẹp như một giấc mộng mà dẫu cho tôi có đi đâu cũng không thể nào quên…
Chợ quê giờ thay đổi thịt da, đông đúc hơn, rộn rã hơn và xuồng ghe cũng tấp nập hơn xưa. Tôi dáo dác tìm vẫn không nhận ra đâu là cái bến tàu sông năm nào, đâu là chỗ má con tôi ngồi trông hàng đợi khách và cả cội bần già ngày xưa tôi với lũ trẻ con trong chợ rủ nhau lấy cù móc móc quả rồi ngồi chấm muối, nhai nhóp nhép ngon lành. Chiếc tàu du lịch vụt qua khỏi chợ rẽ sông xuôi về ngả khác, tôi vẫn còn ngoái lại nhìn cho đến khi hình ảnh nhạt nhòa mù khơi.
Thương lắm chợ quê!
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thuong-lam-cho-que-66905.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.