![]() | Tương lai giáo dục nhìn từ điểm trúng tuyển |
![]() | Băn khoăn dự thảo chương trình giáo dục |
![]() |
Ảnh minh họa |
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tình trạng thiếu trường, lớp mầm non ở các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu đông dân cư vẫn tiếp diễn; quy mô trường, lớp ở một số vùng nông thôn, miền núi còn manh mún; các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thừa, thiếu cục bộ; tình trạng thiếu đất cho xây dựng trường học rất phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Đó là những nội dung mà hội nghị trực tuyến 63 điểm cầu tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.
Thực tế chỉ ra rằng, thời gian qua nhiều điểm bất cập, hạn chế mang tính hệ thống của nền giáo dục nước ta hiện nay từ bậc mầm non đến đại học bộc lộ một cách rõ nét.
Ông Chu Lê Chinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu từng cho rằng, Nhà nước đang dành 20% ngân sách cho giáo dục nhưng nhiều chỗ đầu tư chưa đúng, chế độ giáo viên cũng còn bất cập.
Đơn cử, tình trạng giáo viên tiểu học đến THPT được quy định số lượng tiết dạy/tuần trong khi giáo viên mầm non có người phải quản lý cùng lúc 15-16 trẻ, thời gian làm việc 10 giờ/ngày, nhưng chế độ đãi ngộ không có sự khác biệt.
Bên cạnh đó, hiện nay cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học của các trường ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn so với thành thị cũng có nhiều khác biệt. Thành thị có trường kiên cố, cao tầng, đồ dùng hiện đại; trong khi đó vùng sâu vùng xa trường chỉ là những nhà cấp bốn, lớp học tranh tre nứa lá, học sinh phải tránh mưa nắng ngay trong lớp học…
Chưa kể việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại các trường mà báo chí gần đây phản ánh cũng được dư luận quan tâm. Chuyện đề thi của kỳ thi THPT Quốc gia những năm qua và gần đây vẫn còn chưa có tính phân loại, đôi lúc còn xảy ra sai sót, đánh đố thí sinh…
Theo Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bãi bỏ những quy định, tiêu chuẩn có tính hình thức, những quy định cứng nhắc khiến cơ sở không phát huy được quyền tự chủ. Tuy nhiên, vẫn phải duy trì các phong trào thi đua nhằm tạo động lực cho thầy và trò Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Về vấn đề thi và tuyển sinh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện kỳ thi THPT theo hướng ổn định, tạo thuận lợi cho thí sinh và giảm gánh nặng cho xã hội, đồng thời tập trung nhiều hơn nữa vào khâu ra đề; còn tuyển sinh là khâu các trường được quyền tự chủ.
Được biết, đón đầu năm học 2017 - 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai ngay việc rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên cả nước. Theo đó, các địa phương có trách nhiệm tiếp tục rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nganh-giao-duc-nhung-bat-cap-van-nong-66742.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.