![]() | Khi nhà ở… không để ở |
![]() | “Trái đắng”chung cư mini |
Nhiều người dân bức xúc bởi lẽ, từ cuối 2016, UBND TP. Đà Nẵng có văn bản quy định chấm dứt việc cho phép ký hợp đồng chuyển đổi quyền cho thuê căn hộ đối với các hộ diện giải tỏa. Trường hợp các hộ diện giải tỏa được bố trí cho thuê chung cư thì yêu cầu các hộ có cam kết khi nhận thuê nhà chung cư phải ở chính chủ, không được mua bán, không được cho thuê lại, cho ở nhờ, để trống… nếu vi phạm sẽ bị thu hồi theo quy định.
![]() |
Chính sách nhân văn đã bị nhiều đối tượng lợi dụng trục lợi |
Khi văn bản này ra đời, nhiều người dân “ngã ngửa”, khi biết rằng căn hộ mình nhận chuyển nhượng thì hoàn toàn thuộc sở hữu của Nhà nước. Trường hợp nếu không ở thì phải trả lại cho Nhà nước, ngoài ra không được chuyển nhượng, mua bán, cho thuê lại dưới mọi hình thức.
Thực tế cho thấy, từ tháng 1/2013, TP. Đà Nẵng có chủ trương cho phép chuyển đổi tên hợp đồng thuê nhà chung cư đối với căn hộ thuộc diện bố trí tái định cư cho hộ giải tỏa. Có nghĩa, đối với các trường hợp nhận sang nhượng căn hộ chung cư của hộ dân thuộc diện giải tỏa thì có thể cho phép chuyển đổi tên hợp đồng thuê nhà chung cư.
Nếu đối tượng đó thuộc diện bức xúc về chỗ ở. Người được chuyển đổi tên hợp đồng thuê nhà được ký hợp đồng thuê căn hộ với Nhà nước, phải chấp hành đúng các quy định về quản lý sử dụng căn hộ chung cư theo quy định hiện hành, không được mua bán, không cho thuê lại… Công ty Quản lý nhà chung cư có trách nhiệm kiểm tra, lập thủ tục chuyển đổi, quản lý và thu tiền thuê nhà theo đúng chủ trương và quy định.
Song từ chủ trương mở, nhân văn này của TP. Đà Nẵng đã bị một số người lợi dụng, chuyển nhượng trái phép đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước về nhà ở. Thậm chí xuất hiện nhiều trường hợp môi giới, “cò” chung cư; một số đối tượng còn lợi dụng chính sách để thực hiện việc “chạy” được bố trí chung cư để lừa đảo tiền của người dân.
Theo đại diện Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, xuất phát từ chủ trương của TP. Đà Nẵng cho phép chuyển nhượng chung cư đối với các hộ dân được bố trí thuê căn hộ chung cư (nhà ở xã hội) trước đây, dẫn đến việc gây nhầm lẫn, một số trường hợp được bố trí cho thuê lợi dụng việc cho chuyển đổi tên đối với đối tượng giải tỏa để sang nhượng. Thậm chí, có trường hợp chuyển đổi tên lần 2, dẫn đến việc nảy sinh phức tạp trong quản lý, sử dụng nhà chung cư và phát sinh các trường hợp môi giới bán căn hộ chung cư không thuộc đối tượng giải tỏa, gây khó khăn khi giải quyết thu hồi căn hộ hoặc cưỡng chế.
Trước thực trạng chuyển nhượng không đúng quy định, trong năm 2014 và 2015, Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát, thu hồi 51 trường hợp sang nhượng căn hộ chung cư trái phép. Trong năm 2016, cũng đã thu hồi 48 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2017 thu hồi 20 trường hợp.
Theo chủ trương của TP. Đà Nẵng, chính quyền địa phương dành quỹ nhà ở lên 4.200 căn hộ chung cư thuộc các dự án nhà ở xã hội để bố trí cho hộ dân thuộc diện giải tỏa đền bù. Đây là chủ trương nhằm đảm bảo an sinh xã hội; mang lại cơ hội an cư lạc nghiệp cho người nghèo, người có nhu cầu thực sự về nhà. Song việc sang nhượng chung cư không đúng đối tượng trong thời gian liên tục diễn ra phức tạp.
Cũng theo Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, liên quan đến việc cho chuyển nhượng chung cư, Kiểm toán Nhà nước có ý kiến đối với UBND TP. Đà Nẵng là chấm dứt việc cho phép ký hợp đồng chuyển đổi quyền cho thuê căn hộ từ các hộ tái định cư cho các đối tượng không thuộc đối tượng thuê nhà ở xã hội không đúng quy định của Luật Nhà ở năm 2014.
Công ty Quản lý nhà chung cư cũng đã có báo cáo: Căn cứ vào Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/10/2015, Công ty Quản lý nhà chung cư đã dừng thực hiện việc chuyển đổi tên quyền thuê nhà chung cư đối với các hộ thuộc diện giải tỏa.
Từ đề xuất của Sở Xây dựng, vào ngày 18/11/2016, UBND TP. Đà Nẵng có văn bản quy định chấm dứt việc cho phép ký hợp đồng chuyển đổi quyền cho thuê căn hộ đối với các hộ diện giải tỏa theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Vậy đã rõ, chủ trương của TP. Đà Nẵng hoàn toàn đúng với pháp luật hiện hành. Người dân khi có nhu cầu chuyển nhượng cần nắm rõ những quy định của pháp luật. Khi có nhu cầu giao dịch về chuyển nhượng chung cư thuộc diện bố trí cho những hộ dân giải tỏa đền bù thì phải hết sức thận trọng; tránh trường hợp sang nhượng trái phép, dẫn đến tiền mất tật mang.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/buc-xuc-khong-chuyen-nhuong-duoc-chung-cu-66093.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.