![]() | Độ xe đạp điện, hiểm họa báo trước |
![]() | Lỗ hổng quản lý xe đạp điện |
![]() | Xe đạp điện - ngoài luồng quản lý |
Ba nguyên nhân hàng đầu góp phần gây ra tai nạn giao thông (TNGT) trẻ em là đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát. Thông tin trên được đề cập tại nghiên cứu công bố mới đây về “Tình hình tham gia giao thông của học sinh THPT tại Hà Nội và giải pháp cải thiện”. Nhưng đáng chú ý hơn, cũng nghiên cứu trên cho biết, học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em và tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
![]() |
90% tổng số vụ TNGT của trẻ em có liên quan tới học sinh THPT |
PGS-TS. Chu Công Minh, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về giao thông và là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu lý giải, có sự khác biệt lớn trong phương thức đi lại giữa học sinh lớp 9 và học sinh THPT. Nếu như phần lớn học sinh tham gia giao thông ở độ tuổi 15 đều sử dụng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp hay đi bộ tới trường (chiếm 67%), thì học sinh THPT lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện di chuyển thông dụng, với tỷ lệ lên tới 52%. “Sự thay đổi sang loại phương tiện có vận tốc tương đối lớn (25-50km/h) có thể lý giải tại sao học sinh THPT lại chiếm tới 90% các vụ TNGT của trẻ em”, PGS-TS. Chu Công Minh lưu ý.
Số liệu chi tiết hơn của nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ TNGT của nhóm tự đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất, trung bình khoảng 0,5 vụ/học sinh. Nghĩa là cứ 2 học sinh thì có 1 học sinh có xảy ra TNGT liên quan tới xe đạp điện và xe máy điện. Như vậy, theo tính toán của nghiên cứu thì có tới 55% các vụ TNGT xảy ra với học sinh THPT là khi đi xe máy điện và xe đạp điện. Điều đó cho thấy, đây là các phương tiện đến trường mất an toàn đối với học sinh THPT, đòi hỏi phải được hướng dẫn, xử lý vi phạm và quản lý chặt chẽ nhiều hơn nữa để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường.
Bên cạnh đó, xe buýt - phương tiện di chuyển thích hợp nhất đối với độ tuổi của các em học sinh từ lớp 9 đến THPT bởi sự tiện lợi, an toàn trong điều kiện giao thông phức tạp tại đô thị lại chưa phải là lựa chọn hàng đầu của các em. Theo điều tra, chỉ có 2% học sinh lớp 9 và 4% học sinh THPT sử dụng xe buýt tới trường.
Từ những phân tích thực tế, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp mang tính đột phá và toàn diện trong đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh THPT như: cải thiện các công trình và tổ chức giao thông khu vực xung quanh trường học để tăng sự an toàn cho học sinh khi tới trường; thực hiện sửa đổi các văn bản, quy chuẩn và tiêu chuẩn để tạo cơ sở pháp lý cho công tác đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh; triển khai các chương trình phổ biến kiến thức và thực hành kỹ năng điều khiển phương tiện cho học sinh; đồng thời, kiến nghị Cục Đăng kiểm Bộ Giao thông - Vận tải giao siết chặt quản lý phương tiện xe máy điện, xe đạp điện.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/di-xe-dap-dien-tang-rui-ro-tai-nan-giao-thong-65839.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.