Tìm được người thân sau 50 năm
Khu chung cư A2 - Nam cầu Cẩm Lệ có một gia đình, chồng tên Hồng, vợ tên Ngọc. Ngày ngày ra vào chung cư, ai nấy đều cảm thấy ái ngại nhìn ông chồng đã ngót nghét tuổi “xưa nay hiếm” thỉnh thoảng lại lên cơn mê sảng, người vợ thì bị bại liệt bẩm sinh từ nhỏ.
Ông bà có được hai người con, một trai, một gái. Cả hai đều đã trưởng thành, nhưng vẫn không biết quê nội ở đâu. Bà Ngọc chỉ biết chồng mình tên Võ Xuân Hồng, từng đi bộ đội và bị lưu lạc, không giấy tờ, không cả chứng minh nhân dân. Ông như người tạm trú trong gia đình của mình.
![]() |
Ông Vũ Đắc Roanh (người ôm hoa) trở về quê nhà sau gần 50 năm |
Rồi điều kỳ diệu cũng đã đến với gia đình họ. Đầu năm 2017, anh Võ Xuân Huy, con trai họ, tìm về cội nguồn theo địa chỉ cha mình mơ màng kể lúc tỉnh lúc mê. Khi về đến địa phận xã Thái Xuyên, tỉnh Thái Bình, sau khi gặp được người em gái ruột của bố là bà Vũ Thị Vê, sinh năm 1952, Huy mới biết chính xác họ tên đầy đủ của bố mình được ghi trong giấy báo tử là Vũ Đắc Roanh. Ngay ngày hôm sau, Huy đưa bà Vê vào Đà Nẵng để gặp người anh “liệt sĩ” của mình sau gần 50 năm xa cách.
Bà Vê kể, năm 1967, anh bà 19 tuổi, vào học trường trung cấp Nông nghiệp huyện Đông Hưng, Thái Bình, được vài tháng thì ông có giấy gọi lên đường nhập ngũ đi B, vào chiến dịch Ba Tơ, Quảng Ngãi. Bẵng đi một thời gian không tin tức, đến năm 1969, địa phương và gia đình nhận được giấy báo tử: Đồng chí Vũ Đắc Roanh đã hy sinh trong chiến trường miền Nam. Nhà chỉ hai anh em, nên sau khi nghe tin ông Roanh đã hy sinh, bà không biết anh mình nằm ở đâu để đưa anh về nghĩa trang quê nhà. Khi bố mẹ lần lượt qua đời, bà vừa làm giỗ song thân vừa làm giỗ anh trai.
Thế rồi, người thân của gia đình “liệt sĩ” Vũ Đắc Roanh đã đưa ông về thăm nơi ông cất tiếng khóc chào đời. Hay tin, lãnh đạo xã Thái Xuyên, ban nhân dân thôn Lục Bắc, hội đồng ngũ, ban liên lạc lớp 7D, cùng toàn thể bà con đã tổ chức lễ đón “liệt sĩ” trở về, ai cũng cảm thấy mắt mình ầng ậng nước.
Cần sớm giải quyết chế độ, chính sách
Ông Vũ Khắc Vinh, người cùng tuổi, cùng quê với ông Roanh kể. Tốt nghiệp trường quân y, ông Roanh được điều về Sư đoàn 3 Sao Vàng, còn ông Vinh biên chế về Trung đoàn 240, thuộc cục Hậu cần Quân khu 5, từ đó bặt tin nhau. Thời chiến, nếu cùng một tiểu đoàn nhưng khác đại đội thì dù là bạn vẫn không biết nhau. Chính vì thế, hiện vẫn chưa biết chính xác “liệt sĩ” Roanh ở đơn vị nào của Trung đoàn 22 để xác minh, giúp ông bổ sung các chế độ cho những năm tháng ông bị thiệt thòi vì mất trí nhớ do chiến tranh gây ra.
Biết được thông tin về ông Roanh, người đại đội trưởng năm xưa là ông Mai Minh Đoan, sinh năm 1945, quê Thanh Hóa, nay thường trú ở TP. Đà Nẵng cũng đã tìm đến gặp đồng đội cũ của mình. Ông Đoan nguyên là A trưởng trinh sát tiểu đoàn 7, Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng Quân khu 5.
Ông Đoan nhớ lại. Từ đầu năm 1967, đại đội ông vinh dự được Tư lệnh Sư đoàn 3 Sao Vàng giao nhiệm vụ đánh sân bay Phù Cát. Sau khi hoàn thành chiến dịch trở về hậu cứ, đồng chí Roanh tuy mới bổ sung vào đơn vị được cấp ủy ban chỉ huy đại đội xét cho đi học đào tạo lớp y tá nhanh của sư đoàn mở từ tháng 10/1968 đến tháng 1/1969. Khi bế mạc khóa học, trên đường về đơn vị, khi ngủ đêm trong một cánh rừng, bất ngờ bị một loạt bom B57 với sức công phá mạnh, đã làm một số đồng chí hy sinh, một số bị thương.
Trong số bị thương có đồng chí Vũ Đắc Roanh đã được đồng đội đưa về bệnh xá sư đoàn điều trị. Mấy ngày sau đó được sư đoàn điện thông báo, ông Đoan và một đồng chí chính trị viên đại đội đã đến bệnh xá thăm. Đồng chí Roanh vẫn đang trong tình trạng hôn mê chưa nhận biết được.
Do đơn vị liên tục cơ động chiến đấu, di chuyển địa điểm đóng quân, nên khoảng 20 ngày sau, khi quay lại bệnh xá thì được biết. Do sức ép bom B57 quá nặng, đồng chí Roanh bị loạn thần 60-70%, đã được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Khả năng đồng chí Roanh trở về đơn vị chiến đấu là rất khó. Từ thời gian đó chúng tôi mất liên lạc với đồng chí Roanh.
Người đại đội trưởng năm xưa nghẹn ngào. Do cơ động chiến đấu, nên đơn vị di chuyển liên tục. Sau giải phóng ông không biết đồng đội của mình ai còn ai mất, mỗi đồng đội mỗi quê hương khác nhau, nên việc truy tìm đồng đội rất khó. Năm 2010, ông Mai Minh Đoan đã đăng ký dự thi chương trình “chiếc nón kỳ diệu”, với mục đích lấy chương trình làm thông điệp nhắn tìm đồng đội trên truyền hình. Sau chương trình, rất nhiều đồng đội của ông Đoan đã tìm được nhau, duy chỉ có ông Roanh thì vẫn bặt vô âm tín.
Nay tìm được đồng chí Roanh đồng đội năm xưa, ông Đoan mới biết người đồng đội cũ của mình vì bị mất trí nhớ nên đã không theo dõi được chương trình tìm đồng đội ấy. Thậm chí gia đình ông Roanh chỉ cách nhà vị đại đội trưởng Mai Minh Đoan của mình chỉ chừng một cây số. Vậy nhưng suốt mấy chục năm qua, họ vẫn không hề có tin tức gì về nhau.
Khi gặp lại đồng đội là lính của mình từ 50 năm trước, ở trạng thái vô hồn và có cả vô danh, ông Đoan đã không khỏi xót xa bộc bạch. Dẫu có muộn, nhưng tìm được nhau, biết đồng chí của mình vẫn còn sống đã là sự may mắn. Ông chỉ mong sao Bộ tư lệnh, phòng chính sách Quân khu 5, ban liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng các cơ quan chức năng sớm quan tâm hoàn tất thủ tục giải quyết chế độ thương, bệnh binh cho đồng chí Vũ Đắc Roanh.
Ngoài ra, người đại đội trưởng cũ cũng mong sao cho người lính đặc công năm xưa của mình cùng với việc nhanh chóng được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước, sớm có một ngôi nhà tình nghĩa để bù đắp cho đồng chí Roanh sau 50 năm làm “liệt sĩ”. Cũng như sớm giúp đồng chí Roanh được làm chứng minh nhân dân, hộ khẩu, bởi suốt 50 năm qua, đồng chí Roanh chưa hề có bất cứ một loại giấy tờ tùy thân nào.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/sau-nua-the-ky-lam-liet-si-65645.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.