![]() | Gian nan chống ngập |
![]() | Lại chuyện “phố như sông” |
Tình trạng này là một vấn đề đã lâu, nhưng không cũ… mà xem ra mức độ ngập và phạm vi ngập sau mỗi trận mưa ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, gây hỗn loạn giao thông và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xã hội và dân sinh.
![]() |
Việc khớp nối giữa hệ thống thoát nước bên trong và bên ngoài các dự án thiếu đồng bộ là nguyên nhân úng ngập cục bộ phát sinh |
Có thể thấy mưa ngập trải dài trên nhiều tuyến phố thuộc các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông như: Hoa Bằng, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Đội Cấn, Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Tùng, Văn Miếu, Lê Trọng Tấn, Vũ Trọng Phụng, Khuất Duy Tiến, Quang Trung, Dương Nội (Hà Đông)…
Bạn Thu Trà (Cầu Giấy) chia sẻ, giờ đây không chỉ những đợt bão, ảnh hưởng của bão mới ngập lụt mà cứ mưa to là ngập, vào giờ tan tầm chứng kiến cảnh người dân bì bõm dắt xe lội trong nước. Rồi ô tô chết máy khi ngập nước, xe buýt lội nước... giao thông hết sức hỗn loạn.
Tôi thấy quy hoạch hạ tầng thoát nước đang “có vấn đề” vì đã hàng ngàn tỷ đổ ra cho các dự án chống ngập, xây hồ điều hòa mà phố thành sông ngày càng có xu hướng tăng lên. Đáng lo ngại hơn là tình trạng ngập úng lại thường xuyên xảy ra ở những khu đô thị mới, những quận mới mở... điều này càng cho thấy quy hoạch thoát nước không ổn!
Được biết, dự án Thoát nước giai đoạn II thành phố Hà Nội dự kiến kinh phí hơn 6.000 tỷ đồng, đóng vai trò quan trọng giải quyết úng ngập cho địa bàn Hà Nội đang trong giai đoạn về đích. Đây là dự án trọng điểm, vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, được khởi động từ năm 2006 và dự kiến hoàn thành năm 2014; sau đó lùi sang năm 2015; cuối cùng, đến cuối năm 2016 dự án cũng được công bố cơ bản hoàn thành, khi mà tổng giá trị của dự án lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Mùa mưa lũ 2017 đang bộc lộ tính hiệu quả thấp của dự án!
Đáng lưu ý là theo tính toán, thì dự án chỉ có thể đáp ứng thoát nước khi mưa dưới 100mm/2 giờ. Điều này đồng nghĩa với những trận mưa lớn, kéo dài thì ngập là điều “đương nhiên”.
Bạn Trần Văn Nghĩa (Đống Đa) chia sẻ, ngày trước hệ thống ao, hồ, sông của Hà Nội khá phong phú và dày đặc như hồ Hào Nam, sông Hào Nam, hồ Mễ Trì... thì nay phần lớn các ao hồ đều đã bị san lấp để xây dựng nhà chung cư, trung tâm thương mại... Các dòng sông ngày trước đều mở thoáng hai bên bờ để nước có thể lên, xuống như sông Hào Nam thì nay được biến thành cống hai bờ bó cứng đổ bê tông làm đường trên mặt thì nước thoát đi đâu? Cái lòng cống bé tí sao so được với con sông ngày trước? Vì vậy Hà Nội mưa to đường đã thành sông đó là chuyện bình thường thôi...
Anh Trần Minh Thái (Hà Đông) chán nản, những tưởng khu đô thị mới phải là những nơi có hệ thống thoát nước tốt nhất, hiện đại nhất thế nhưng, nhiều khu đô thị dù được xây dựng mới hoàn toàn vẫn cứ mưa là ngập. Điều đó cho thấy chủ đầu tư, các chuyên gia quy hoạch đang mải mê chạy theo lợi nhuận san đất bán nền còn “thoát” đi đâu thì “bỏ mặc” cho dân gánh hậu quả.
“Hà Nội mùa này phố cũng như sông”… trở thành câu nói cửa miệng đầy tính hình ảnh về một hiện trạng đô thị hễ mưa là ngập. “Người dân đành thụ động đợi “cứ từ từ rồi kiểu gì nước chẳng thoát hết… chứ còn biết làm sao?”, anh Thái nói buồn bã.
Theo các chuyên gia, quy hoạch tổng thể Hà Nội đang thiếu tầm nhìn, làm theo kiểu "rách đâu vá đấy". Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay dẫn đến quy hoạch hệ thống thoát nước không theo kịp, nhiều khu đô thị mới mở ra nhưng việc khớp nối giữa hệ thống thoát nước bên trong và bên ngoài các dự án thiếu đồng bộ, không tương thích, đây là nguyên nhân tạo ra những khu vực úng ngập cục bộ phát sinh.
Kết hợp với tình trạng vỉa hè, lòng đường đều bị bê tông hóa, các hồ điều hòa bị thu hẹp; tình trạng đào đường liên tục, vứt rác thải xuống cống là những nguyên nhân dễ nhận diện góp phần làm chậm quá trình thoát nước, gây ngập ứ sau mưa.
Bao giờ “phố hết như sông?” câu hỏi ấy quả là không dễ trả lời đối với nhiều chuyên gia cũng như ngành thoát nước Hà Nội. Nguyên nhân của ngập lụt có thể thấy rất rõ bởi vẫn còn những chiếc ao, dòng sông tiếp tục bị lấp đi để nhường mặt bằng cho xây dựng, những cao ốc vẫn mọc lên mà không theo quy hoạch; ý thức của người dân kém khi vẫn vô tư ném túi nilon xuống ao hồ làm tắc nghẽn dòng chảy...
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/bao-gio-pho-het-nhu-song-65448.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.