![]() | Điêu đứng với cát xây dựng |
![]() | Gạch không nung: Người sử dụng vẫn thiếu tự tin |
Giá tăng, hàng vẫn khan hiếm
Bà N.T.T.K ngụ quận Gò Vấp TP. HCM cho biết, từ tháng 4, gia đình bà đã bắt đầu sửa nhà, lúc đầu cát chỉ có 250.000/m3 nhưng đến tháng 5 đã tăng lên 350.000/m3 và đến thời điểm tháng 6 thì giá cát đã lên đến 600.000/m3. Chính vì vậy, chi phí ban đầu dự tính bỏ ra khoảng 200 triệu đồng thì hiện đã đội lên khoảng 300 triệu đồng. Mặc dù phải tốn thêm khoản không nhỏ, nhưng để có cát cũng hết sức khó khăn.
![]() |
Nhiều tháng qua, ở nhiều địa phương, các công trình, dự án có nguy cơ bị ngừng trệ vì thiếu cát xây dựng |
Ông N.V.Tr, chủ một vựa vật liệu xây dựng trên địa bàn quận Bình Tân, TP. HCM cho biết, do thiếu cát làm nền, một số công trình xây dựng phải chấp nhận sử dụng cát nhân tạo từ bột đá hoặc bột đá trộn cát với cái giá không hề rẻ, trên 400.000 đồng/m3.
Cùng như vậy, các dự án công trình giao thông lớn cũng vấp phải tình trạng thiếu cát trầm trọng. Giữa tháng 6, giám đốc ban quản lý dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành lên tiếng cho biết, dự án này đang thiếu khoảng 1 triệu m3 cát để đắp gia tải nền đường. Nhiều nhà thầu thi công dự án đã phải chấp nhận mua cát giá tăng gấp đôi, nhưng cũng không có đủ để thi công. Tình hình thiếu cát đang gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án với tổng đầu tư lên đến 32.000 tỷ đồng này.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ riêng khu vực TP. HCM - Bình Dương - Đồng Nai, nhu cầu tiêu thụ cát đã lên tới 10 triệu m3/năm. Số lượng này sẽ còn tăng cao khi hàng loạt các công trình lớn trong khu vực được đẩy mạnh thi công.
Trước đó, Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đưa ra một số liệu thống kê cho thấy, nguồn cát từ các dự án được cấp phép cho các DN khai thác hoặc nạo vét khơi thông luồng lạch chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 65% nhu cầu. Do đó 1/3 lượng cát còn lại là do các nguồn trôi nổi.
Kêu gọi hỗ trợ cát
Trong lúc các địa phương còn chưa tìm ra giải pháp để tăng nguồn cung, hạ nhiệt giá cát, thì cuối tháng 5 nhiều tỉnh thành đã ngưng các dự án khai thác cát trên địa bàn của mình. Đơn cử là 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã ngưng cho khai thác cát của 13 dự án với thời gian 3 tháng ở thượng nguồn sông Đồng Nai để kiểm soát công suất khai thác thực tế so với giấy phép đã cấp.
Chính điều này, theo UBND TP. HCM, là nguyên nhân trực tiếp khiến trong quý II/2017, giá cát có chênh lệch lớn giữa các địa bàn tại thành phố, có nơi tăng đột biến lên đến 560.000 đồng/m3 cát bê tông, 436.364 đồng/m3 cát xây tô, 231.818 đồng/m3 cát san lấp (giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Ngoài ra, UBND TP. HCM cũng cho biết các Sở Xây dựng các tỉnh lân cận cũng thông tin cho biết giá cát đều có nhiều biến động theo chiều hướng tăng cao. Nhằm có giải pháp xử lý và bình ổn thị trường, UBND TP. HCM cho biết đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện thực hiện một số giải pháp trước mắt và lâu dài.
Tuy nhiên, do sợ ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng, UBND TP. HCM vừa báo cáo Bộ Xây dựng về việc tình hình khan hiếm giá cát tăng đột biến và kiến nghị kêu gọi các tỉnh hỗ trợ nguồn cung cho các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố. Và để giải quyết nguồn cung cấp cát cho nhu cầu cấp bách về xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố, UBND TP. HCM kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết.
Theo đó, UBND TP. HCM đề nghị UBND 19 tỉnh miền Đông và Nam Bộ chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh này yêu cầu các DN đã được cấp giấy phép khai thác mỏ cát còn thời hạn khai thác, hỗ trợ tăng cường nguồn cung để nhanh chóng ổn định thị trường xây dựng của TP. HCM. Bên cạnh đó, TP. HCM đề xuất Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin về các nghiên cứu, giải pháp ứng dụng vật liệu khác thay thế cát tự nhiên trong xây dựng công trình đã được nghiệm thu đạt yêu cầu.
Các chuyên viên của Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, nhiều năm nay đã có các loại nguyên liệu thay thế cát tự nhiên, như: cát nghiền từ sỏi đá, tro, xỉ, thạch cao... đáp ứng được các công năng của cát. Tuy nhiên, các nguyên liệu trên có thể thay thế cát làm nền, nhưng để làm vữa thì không thể.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt đề án đẩy mạnh, xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao… để thay thế cát san lấp, xây dựng sẽ thay thế được 30-40% cát thiên nhiên.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhieu-du-an-dieu-dung-vi-thieu-cat-65219.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.