Sống lại làng gốm Thanh Hà

Làng gốm Thanh Hà cách trung tâm đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) chừng 3 cây số, đã hình thành, tồn tại từ hơn 500 năm qua. Theo chân những lưu dân Thanh Hoá Nam tiến, tổ tiên nghề gốm đã dừng lại ở làng Thanh Hà bởi nơi đây rất thuận tiện cho việc giao lưu, buôn bán.
Sống lại làng gốm Thanh Hà
Ảnh minh họa

Trước mặt làng, con sông Thu Bồn đã ra gần biển nên hiền hòa, trông như dải lụa lúc nào cũng vẫy chào thân thiện. Bến sông thoáng rộng, thuận tiện cho thuyền vào, thuyền ra xuất nhập hàng hóa. Nghề gốm xứ Bắc bén duyên cùng kỹ thuật đất Quảng để rồi hình thành một làng nghề với các sản phẩm phong phú, sắc sảo.

Các sản phẩm của làng là gốm thô, không men với các chủng loại như con thổi, nồi, chậu, ấm, hũ, bồng binh, cối, trả, chum vại, bình hoa, chậu kiểng, chân đèn... đẹp, nhẹ hơn hàng đất nung ở nơi khác đã trở thành những sản phẩm được ưa chuộng. Gốm Thanh Hà mang màu gạch đỏ đặc trưng. Nhưng tùy thời gian và nhiệt độ nung của nghệ nhân mà màu sắc gốm Thanh Hà có thể từ màu hồng, hồng vàng đến đỏ, gạch nâu và xám đen nên khá hút khách.

Người thợ gốm Thanh Hà còn làm ra ngói âm dương, ngói móc để lợp và gạch để lát nền cho các ngôi nhà cổ ở Hội An và quanh vùng. Các nghệ nhân gốm Thanh Hà ngày xưa (cùng với các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng của Hội An) từng được các vua nhà Nguyễn mời ra Huế để chế tác những sản phẩm đặc biệt phục vụ cho sinh hoạt cung đình, có người được phong hàm Bát phẩm, Cửu phẩm. Và như thế, từ thế kỷ 16, 17, Thanh Hà đã khẳng định là một làng nghề thịnh đạt, nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi, bán buôn khắp nơi.

Nhưng, cùng với thời gian, nghề gốm bị mai một, nhiều nghệ nhân phải đổi nghề hoặc tha phương kiếm sống, tạm gác bỏ cái nghề cha truyền con nối bao năm. May sao, từ khi du lịch Hội An phát triển, làng nghề truyền thống được phục hồi. Các nghệ nhân tâm huyết cũng ra sức vực làng nghề sống dậy. Lò nung đỏ lửa quanh năm. Nhiều, rất nhiều chủng loại, mẫu mã mới được sáng tạo theo nhu cầu của khách và theo đà phát triển của du lịch.

Những con đường làng nhỏ, lát gạch, len lỏi quanh các nhà có hàng rào chè Tàu xanh ngắt và tỏa ra mọi hướng mới tạo thú vị thu hút du khách gần xa. Đến tham quan làng gốm Thanh Hà, khách nước ngoài, khách Việt đều được chào đón như thượng khách. Người dân hiếu khách luôn tươi cười chào đón khách vào từng nhà, từng ngõ hẻm, từng lò nung, xưởng gốm để tham quan.

Nghệ nhân Lê Trọng, một người khá tâm huyết với nghề nói: “Nhờ phát triển du lịch làng nghề, bà con làng gốm Thanh Hà không chỉ giữ lửa, vun lò duy trì các mặt hàng truyền thống mà nhiều nghệ nhân, nhiều bạn trẻ còn sáng tạo ra hàng loạt mẫu mã phục vụ trang trí cung cấp cho các công trình xây dựng, các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát….

Đúng như ông Trọng nói, hiện nay, làng gốm đã có thêm những đèn lồng gốm đỏ, gạch hoa gốm, nhiều hình mẫu, con vật, phù điêu, mặt nạ… dùng để trang trí trên tường, hàng rào… được đông đảo khách hàng mua hoặc đặt làm.

Đưa tay chỉ đoàn khách du lịch quốc tế gần 20 người đang mải mê quan sát, mân mê những sản phẩm gốm của làng, nghệ nhân Lê Trọng sôi nổi nói: “Cũng nhờ chính quyền Hội An quan tâm đầu tư khôi phục và đưa làng gốm Thanh Hà vào tuyến du lịch của thành phố mà làng mới phục hồi được như ri. Và những người làm gốm như chúng tôi, nhờ đó mà có cơ may thủ nghệ, phát triển nghề truyền thống của cha ông”.

Câu chuyện “hồi sinh” của làng gốm Thanh Hà hy vọng sẽ gợi mở ra nhiều cách nghĩ, cách làm của nhiều làng nghề truyền thống trong cả nước đang có nguy cơ mai một vậy?

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/song-lai-lang-gom-thanh-ha-64165.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.