Hướng nghiệp cho học sinh: Thợ hay hơn thầy dở

Chỉ còn mấy ngày nữa, mùa thi tốt nghiệp quốc gia THPT sẽ diễn ra (21-24/6), đây cũng là mùa tuyển sinh các trường đào tạo nghề và đại học, mùa hướng nghiệp đầy lo âu trăn trở của gần 900 ngàn học sinh và theo đó là gần 900 ngàn cha mẹ.
Đào tạo nghề công lập: Thiếu hiệu quả!
Lúng túng hướng nghiệp

Câu hỏi làm thầy, hay làm thợ trước ngưỡng cửa cuộc đời mỗi học sinh lại được đặt ra với bao khát vọng của các em học sinh và của các bậc phụ huynh. Tâm lý chung của các bậc phụ huynh là mong con mình được đỗ đạt, được vào những trường đại học lớn của đất nước.

Hướng nghiệp cho học sinh: Thợ hay hơn thầy dở
Chọn ngành học là quyết định quan trọng bởi nó ảnh hưởng lớn đến tương lai mỗi người sau này

“Em cũng muốn vào những trường đại học lớn lắm chứ, song tự xét lại năng lực của mình em cảm thấy mình không đủ sức để “chạy đua” với các bạn được. Còn vào những đại học nhỏ thì ra trường cũng rất khó xin việc. Chưa kể, nếu không tìm được việc đúng chuyên môn, chuyên ngành đã học, thì cũng đồng nghĩa với việc mất đứt hơn 4 năm đèn sách cùng một khoản tài chính không hề nhỏ của gia đình mà “chẳng đâu vào đâu”. Đây cũng chính là lý do em quyết định không đăng ký xét tuyển vào đại học mà xin theo học ngành nấu ăn của trường trung cấp nghề. Nghề nấu ăn, chế biến món ăn là sở thích từ nhỏ của em. Hơn nữa, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Lượng du khách đến Việt Nam cũng ngày càng tăng cao kéo theo đó là nhu cầu ăn uống, thưởng thức ẩm thực á đông lớn, quan trọng hơn, nhu cầu cung cấp dịch vụ ăn uống của cộng đồng ngày một tăng cao, do đó, em tin chọn nghề này em không sợ thất nghiệp khi mà ngày càng nhiều nhà hàng, khách sạn được mở ra... Sau này nếu có điều kiện em sẽ vẫn đăng ký để học đại học nhưng học theo đúng sở thích của mình chứ không phải học để lấy bằng”. Đó là tâm sự của bạn Vũ Phương Uyên - Hưng Yên.

Những năm gần đây các trường đại học mở ra không ít, cơ hội để có tấm bằng đại học đã không còn quá khó khăn. Song học cái gì, ra làm gì vẫn là vấn đề đau đầu với nhiều học sinh, phụ huynh. Có thể thấy, chọn ngành học là quyết định quan trọng bởi nó ảnh hưởng lớn đến tương lai mỗi người sau này.

Tuy nhiên, nhiều học sinh lại ít khi tìm hiểu kỹ về ngành học, công việc mà mình sẽ theo đuổi. Có em lựa chọn theo cảm tính, không quan tâm tới đặc thù nghề nghiệp cũng như triển vọng công việc sau khi ra trường. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ nên cùng con tham gia các buổi hướng nghiệp, để tìm hiểu và đưa ra tư vấn chính xác, thuyết phục nhất cho các em.

Theo các chuyên gia hướng nghiệp, muốn có nghề nghiệp hợp lý phải thỏa mãn cả ba đỉnh của tam giác chọn nghề. Đỉnh thứ nhất là đam mê, yêu thích, muốn sống chung cả đời với nghề nghiệp đó. Thứ hai là năng lực, khả năng và thế mạnh của bản thân. Thứ ba là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn, là sự hiểu biết về nhu cầu thị trường lao động và xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp ngay từ khi còn học đại học.

Ông Nguyễn Quang Mâu, Anh hùng Lao động - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty gốm Đất Việt chia sẻ “kỹ sư của tôi, tôi cho đi học hết, nhưng ít nhất họ phải là “thợ” bậc 3 đã. Thực tế nhiều anh kỹ sư không hàn nổi một mối hàn, không gò được. Rồi chuyên ngành điện, máy và điện máy cũng thế, nếu anh kỹ sư mà không bằng mấy anh thợ thì làm sao chỉ bảo cho công nhân làm được?

Kỹ sư trước hết phải “biết” phải làm được thì công nhân nó mới nể phục, nói nó mới nghe. Chính vì thế mà kỹ sư của tôi, tôi mời các thầy cô chuyên ngành về giảng dạy, thực hành và thi lấy chứng chỉ, bao giờ đạt chứng chỉ nghề mới được “làm thầy”. Phải làm thợ rồi mới làm thầy được!”.

Một số chuyên gia hướng nghiệp đã tổng kết, có hai cách để người lớn hướng nghiệp cho học sinh là để các em được trải nghiệm, cọ xát và có cái nhìn thực tế về nghề nghiệp. Để làm được điều này, phụ huynh nên cho trẻ tham gia nhiều câu lạc bộ với các định hướng nghề nghiệp khác nhau để các cháu tự tìm hiểu, trải nghiệm về nghề. Cách thứ hai là cho trẻ tiếp xúc với những người tài năng, có lòng yêu nghề để truyền đam mê cho các em. Ngoài ra, người lớn cần đối thoại với trẻ để thể hiện được quan điểm của mình và hiểu tâm tư của con. Bởi nhiều khi lựa chọn nghề nghiệp, các em học sinh có thể không thực tế vì ảnh hưởng từ truyền thông, phim ảnh. Do đó, cha mẹ và con cái nên đối thoại để định hướng được con đường phù hợp nhất.

Cũng theo các chuyên gia thì việc định hướng ngành nghề nên thực hiện từ cuối năm cấp 2, đầu năm cấp 3. Từ giữa năm cấp 3 song song với việc học, thi, học sinh có thể hứng thú tìm hiểu thêm nghề mình mong muốn.

Anh Nguyễn Ngọc Dũng (Ba Đình) chia sẻ, học sinh học hết cấp 2 là bắt đầu có thể có định hướng về nghề rồi. Thực tế thì ai cũng có thể học đại học tuy nhiên theo tôi chỉ những học sinh học giỏi, xuất sắc thì hãy học đại học. Như vậy mảng sản xuất (do công nhân, chuyên viên từ trường nghề) và mảng nghiên cứu khoa học (do sinh viên giỏi) mới tạo nên một nền sản xuất mạnh, có tính cạnh tranh cao.

Còn học đại học để lấy bằng như hiện nay thì “thầy dở” thì thừa mà “thợ giỏi” lại quá hiếm. Thực tế cho thấy, nhiều người học xong bằng đại học, cao học mà vẫn phải đi làm xe ôm, bán hàng như thế vừa lãng phí nguồn lực, lãng phí chất xám mà xã hội lại không phát triển được vì mất cân bằng nguồn lực khi thầy nhiều, thợ ít.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/huong-nghiep-cho-hoc-sinh-tho-hay-hon-thay-do-64063.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.