Điều lạ ở Móng Cái

Trong khi những người chăn nuôi lợn đang “khóc ròng” vì giá lợn giảm thì tại Móng Cái (Quảng Ninh), giá lợn hơi Móng Cái vẫn giữ ở mức cao, từ 100-140 nghìn đồng/kg và đặc biệt là giống lợn Móng Cái thuần chủng không đủ để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của người dân nơi đây...
Từ câu chuyện giải cứu
Agribank Móng Cái: Ngân hàng của mọi nhà

Nhiều trang trại lợn giống Móng Cái đã ký hợp đồng bán hết lợn con dự kiến sẽ sản xuất trong năm 2017 cho các hộ dân tại các huyện, xã trong vùng.

Điều lạ ở Móng Cái
Lợn Móng Cái thích hợp với phương pháp chăn nuôi của người dân địa phương

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại lợn giống Móng Cái rộng hơn 2,1ha, chị Lê Thị Thuý Dung (Công ty Nông lâm ngư Quảng Ninh, đơn vị sở hữu trang trại lợn Móng Cái lớn nhất Quảng Ninh) chia sẻ, có được cơ ngơi như ngày hôm nay thì công đầu thuộc về Agribank Móng Cái. Nguồn vốn vay hơn 4 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng hỗ trợ lúc khởi nghiệp đã nâng đỡ trang trại rất nhiều.

Theo chị Dung, ngày đầu thấy lợn từ các nơi đổ về cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc với giá khá cao, chị nảy ra ý định đầu tư nuôi lợn ngay trên mảnh đất Móng Cái này. Thế nhưng, ngay khi bắt đầu nuôi đàn lợn lai theo phương pháp công nghiệp, chị đã “thảm bại” bởi đàn lợn không hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Thất bại này là tiền đề để chị tìm hiểu, nghiên cứu các giống lợn của địa phương để rồi đi đến quyết định chọn giống lợn Móng Cái thuần chủng.

Theo chị Dung, lợn Móng Cái vốn là đặc sản địa phương, có tiếng từ lâu đời. Đây cũng là giống lợn có sức đề kháng tốt, khả năng thích ứng với điều kiện môi trường cao. Lợn nái rất mắn đẻ và chăm con khéo. Riêng lợn thương phẩm, chất lượng thịt rất thơm ngon, da mỏng, xương nhỏ, thịt mềm, mỡ thơm, ăn ngon...

Con lợn Móng Cái lại có ưu thế hơn hẳn với thị trường tiêu thụ ổn định ngay tại nội địa nên giá cả ít biến động, ít phải cạnh tranh hơn, trong khi các loại lợn ngoại, lợn lai phụ thuộc nhiều vào yếu tố tác động bên ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Đây chính là những yếu tố rất quan trọng cho bất cứ nhà đầu tư nào nếu muốn tìm kiếm và xây dựng cơ hội đầu tư, phát triển sự nghiệp cho riêng mình...

Từ nhận định này, chị Dung đã không ngại dành thời gian, công sức, tiền của cho con lợn Móng Cái. Đây cũng chính là lý do khi giá lợn khắp nơi “xuống dốc không phanh” thì lợn Móng Cái vẫn giữ giá cao và không đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường.

Sau 5 năm gây dựng, kết hợp xây dựng thương hiệu với tích cực quảng bá, nên sản phẩm tại trang trại của chị Dung hiện tiêu thụ rất thuận lợi, giá bán ổn định. Hiện trang trại của chị Dung sở hữu trên 500 con lợn Móng Cái bố mẹ thuần chủng, mỗi năm cung cấp cho người dân khoảng 8.000 con lợn giống… Không chỉ hỗ trợ, cung cấp con giống cho người dân chăn nuôi quanh khu vực, công ty của chị Dung còn cam kết sẵn sàng hỗ trợ mua lại lợn thịt Móng Cái để chế biến tiêu thụ ra thị trường với giá khá cao.

Chị Dung cho biết, ngoài những ưu điểm nổi trội, lợn Móng Cái có một số nhược điểm, đặc biệt là khả năng sinh sản hạn chế và thịt hơi mỡ. Để khắc phục các điểm này, chị Dung đã sàng lọc, tuyển chọn được những con nái Móng Cái có thể đẻ tới 15 - 18 con/lứa, còn lại đại đa số bình quân 12 - 14 con/lứa.

Để giảm tỷ lệ mỡ, trang trại của chị sử dụng 100% thức ăn tự phối trộn, gồm ngô, sắn, cám gạo, rau xanh… và tuyệt đối không sử dụng thức ăn công nghiệp, nhờ đó tỷ lệ nạc của con lợn tăng lên đáng kể, phù hợp với đa số đối tượng người tiêu dùng.

Tuy nhiên, giống lợn này cũng có hạn chế khó khắc phục là thời gian nuôi lâu, gấp 3-4 lần so với các giống lợn lai, lợn ngoại; tỷ lệ mỡ trong thịt cao. Điều này đồng nghĩa với việc người nuôi phải đầu tư lớn hơn, vốn đọng dài hơn và sản phẩm kén người mua hơn do giá thành khi ra thị trường cao hơn hẳn so với mức trung bình chung.

Chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình, qua đó giúp nhiều người nuôi trong vùng cải thiện điều kiện kinh tế, song cán bộ Công ty Nông lâm ngư Quảng Ninh vẫn còn không ít tâm tư. Chị Dung cho biết cũng đã có những hộ dân vì lợi nhuận không tuân thủ quy trình nuôi mà công ty đề ra. Họ sử dụng cám công nghiệp, cám tăng trọng để thúc lợn lớn nhanh hơn với thời gian đưa ra thị trường ngắn hơn. Những trường hợp như thế qua kiểm tra, công ty kiên quyết không thu mua lại lợn để đảm bảo uy tín, thương hiệu cho công ty và lợn Móng Cái.

Nói về dự định sắp tới, chị Dung cho biết trong tương lai không xa công ty sẽ có một nhà máy chuyên chế biến thịt lợn Móng Cái thành những thực phẩm đặc sản của vùng đất này, để mỗi người khi đến với Quảng Ninh nói chung và Móng Cái nói riêng có thể thưởng thức, hay mang về làm quà cho người thân.

Nhưng làm được điều đó, một mình DN là không đủ mà cần phải có những người bạn đồng hành. “Tôi rất mong Agribank Móng Cái vẫn là người bạn đồng hành nâng bước cho chúng tôi trong kế hoạch phát triển sắp tới”, chị Dung chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dieu-la-o-mong-cai-63625.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.