![]() | Để tránh thất thoát tài sản công |
![]() | Đề nghị mở rộng đối tượng giám sát tài sản công |
![]() | Cần bổ sung việc giám sát của người dân và truyền thông đối với tài sản công |
Cấm sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng, cho không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Cấm cơ quan quản lý cấp trên giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới không phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Khi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết, dự thảo quy định các yêu cầu phải tuân thủ: Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; Không làm mất quyền sở hữu về tài sản của Nhà nước; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao... Đây là những quy định trong Dự thảo Luật quản lý tài sản công.
Dự thảo này được Quốc hội thảo luận vào ngày 29/5/2017 và dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 21/6/2017.
![]() |
Ảnh minh họa |
Dự thảo Luật quy định một số phương thức hình thành tài sản đã được thí điểm có kết quả trong thời gian vừa qua hoặc được một số nước áp dụng thành công bao gồm: Khoán kinh phí sử dụng tài sản (đặc biệt là đối với xe ô tô công, trang thiết bị); mua sắm tài sản theo phương thức tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc theo hình thức đối tác công - tư. Đây là các phương thức hình thành, quản lý tài sản công tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường, được nhiều quốc gia áp dụng có hiệu quả, góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sử dụng tài sản cũng như tính kiểm soát được của hệ thống. Việc hình thành tài sản tại cơ quan Nhà nước được quy định theo hướng ưu tiên sử dụng tài sản công sẵn có, khoán kinh phí sử dụng tài sản, đi thuê tài sản.
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết, dự luật đã quy định việc khoán kinh phí sử dụng tài sản (đặc biệt là đối với xe ô tô công, trang thiết bị), mua sắm tài sản theo phương thức tập trung, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc theo hình thức đối tác công - tư. Giải thích thêm về đối tượng được khoán xe, phương thức khoán xe… ông Thịnh cho biết, dự thảo chỉ đưa nguyên tắc, còn khoán cụ thể, cách thức xác định thì giao Chính phủ quy định chi tiết. Lý do là việc khoán kinh phí phụ thuộc tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ; đặc điểm vùng, địa phương, cơ quan đơn vị; và mức khoán cũng lên xuống theo giá cả thị trường… Khoán xe công là phương thức mới nên cũng phải giải quyết hàng loạt vấn đề, đơn cử như sẽ dôi dư một số người lái xe…
Nói rõ hơn về quy định biếu - tặng xe, ông Thịnh cũng cho biết, quy định chi tiết về điều kiện thủ tục, trường hợp nào địa phương được phép nhận xe biếu tặng sẽ theo các luật về thực hành tiết kiệm và chống tham nhũng. Siết chặt xe biếu tặng, nhưng Dự thảo Luật có quy định với mỗi loại xe công khác nhau như xe chức danh, xe phục vụ công tác chung hay xe chuyên dụng, hay những trường hợp tặng tài sản phục vụ lợi ích cộng đồng như xe phòng chống bão lụt, xe cứu thương… sẽ có định mức khác nhau về giá trị tài sản biếu tặng được phép nhận.
Dự thảo luật cũng quy định, về xử lý vi phạm, các hành vi gây thiệt hại về tài sản công thì trước hết phải bồi hoàn đầy đủ cho Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Để tránh lãng phí, tại Dự thảo Luật lần này có bổ sung thêm nội dung không sử dụng NSNN để đầu tư các công trình sự nghiệp có tính chất kinh doanh. Cùng với đó là việc đầu tư xây dựng mua sắm tài sản phải tuân theo tiêu chuẩn, định mức.
Tuy nhiên, thực tế có thể sẽ có trường hợp ngoại lệ, xuất phát từ nguyên nhân khách quan, ví dụ Trung tâm hội nghị, Trung tâm thể dục thể thao buộc phải đầu tư vì nhiệm vụ chính trị, nhưng sẽ không sử dụng hết công năng thì vẫn phải cho khai thác ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ. Dự thảo Luật cũng quy định các điều kiện rất chặt chẽ để được cho thuê, kinh doanh, liên doanh. Bên cạnh đó, các tài sản đó cũng phải được đưa vào cơ sở dữ liệu để công khai thông tin về giá thuê; cá nhân, tổ chức thuê hoặc liên doanh...
Theo báo cáo về tài sản Nhà nước vừa được Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội, chuẩn bị trình lên kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, tổng số xe ô tô công hiện có đến ngày 31/12/2016 là 37.286 chiếc với tổng nguyên giá 23.986,30 tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng giá trị tài sản Nhà nước. Trong số đó, xe phục vụ chức danh có 860 chiếc, chiếm 2,31% tổng số xe; xe phục vụ công tác chung 21.114 chiếc, chiếm 56,63% tổng số xe; xe chuyên dùng 15.312 chiếc, chiếm 41,06% tổng số xe. Khối cơ quan Nhà nước quản lý, sử dụng 16.383 chiếc, chiếm 43,94%; khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 16.026 chiếc, chiếm 42,98%; khối các tổ chức quản lý, sử dụng 4.567 chiếc, chiếm 12,25% và khối các Ban quản lý dự án quản lý, sử dụng 310 chiếc, chiếm 0,83%. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/siet-chat-quan-ly-tai-san-cong-63421.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.