![]() | WB: Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6,3% trong năm nay |
![]() | Lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam |
![]() |
Ảnh minh họa |
Fitch Ratings đánh giá triển vọng phát hành bằng nội và ngoại tệ dài hạn (IDR) của Việt Nam lên Tích cực từ mức Ổn định, đồng thời xếp hạng tín nhiệm Việt Nam là BB-.
Xếp hạng đối với trái phiếu phát hành bằng nội ngoại tệ không có bảo lãnh của chính phủ được giữ nguyên ở mức “BB-“. Xếp hạng quy mô phát hành dài hạn là “BB-“ và xếp hạng phát hành bằng nội và ngoại tệ ngắn hạn ở mức “B”.
Yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới việc xếp hạng: Xếp hạng của Việt Nam cho thấy sự tăng trưởng và triển vọng kinh tế mạnh mẽ, thặng dư tài khoản vãng lai bền vững, chi phí vay nợ có thể kiểm soát được và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được duy trì ổn định.
Lý do Fitch Ratings thay đổi triển vọng kinh tế Việt Nam lên mức tích cực:
Việt Nam thể hiện rõ mục tiêu hoạch định chính sách nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể là cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn và kiềm chế lạm phát ổn định đã thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giữ được đà tăng trưởng kinh tế cao.
GDP thực của Việt Nam tăng 6,2% năm 2016, mức tăng trưởng bình quân GDP 5 năm tăng 5,9%, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân 3,4% (của các nước có xếp hạng BB). Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn được hỗ trợ bởi lĩnh vực sản xuất để xuất khẩu và sự mở rộng ổn định của khối dịch vụ, mặc dù lĩnh vực khai thác mỏ còn yếu do những khó khăn của ngành khai thác dầu và khí ga.
Fitch kỳ vọng tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ cao hơn so với dự báo, lên mức 6,3% vào năm 2017 và 6,4% năm 2018; FDI tiếp tục được đầu tư vào ngành sản xuất và tiêu dùng tư nhân tăng mạnh.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, đạt mức 37 tỷ USD vào cuối năm 2016, so với mức 28,6 tỷ USD thời điểm cuối năm 2015, nhờ cơ chế điều hành tỷ giá mới được áp dụng từ đầu năm 2016, nhằm tăng tính linh hoạt cho tỷ giá hối đoái cùng với thặng dư tài khoản vãng lai mạnh mẽ và nguồn vốn FDI dồi dào.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ việc duy trì nợ công dưới mức trần cho phép bằng các biện pháp tài khóa và hạn chế phát hành bảo lãnh. Tiền lãi từ chương trình cổ phần hóa có thể giúp kiềm chế nợ công phát sinh trong những năm tới.
Fitch cũng dự báo thâm hụt ngân sách năm 2016 là 5,7% GDP, thấp hơn so với mức 6,2% của năm 2015. Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm mạnh thâm hụt và nợ trong kế hoạch ngân sách giai đoạn 2016 – 2020. Fitch kỳ vọng Việt Nam tiếp tục duy trì được mức thâm hụt ngân sách 5,7% so với GDP trong giai đoạn 2017 – 2018.
Mặc dù mức thu nhập bình quân/đầu người và chỉ số phát triển con người của Việt Nam còn thấp hơn so với các nước có cùng xếp hạng. Cụ thể, cuối năm 2016 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 2.172 đô la Mỹ, so với mức 5.058 đô la Mỹ của các nước cùng xếp hạng. Nhưng việc nới lỏng điều kiện kinh doanh sẽ giúp cho Việt Nam đang tiến sát đến mức xếp hạng bình quân “BB”.
Thặng dư tài khoản vãng lai trung bình 5 năm đang ở quanh mức 4% GDP vào cuối năm 2016. Mặc dù dự trữ của Việt Nam để thanh toán với nước ngoài có thể thấp hơn so với các nước cùng xếp hạng (2,3 tháng so với mức 4,2 tháng) của các nước xếp hạng trung bình “BB”, nhưng Việt Nam có lợi thế từ việc được vay vốn ưu đãi để hỗ trợ cho tình trạng thanh khoản với bên ngoài.
Fitch đánh giá triển vọng của lĩnh vực ngân hàng ở mức ổn định, nhưng vẫn còn một số thách thức như cần thời gian hoàn thiện khung pháp lý để xử lý nợ xấu. Fitch tin rằng sự cải thiện về các hoạt động kinh tế có thể hỗ trợ giảm nợ xấu, nhưng cũng cần đề phòng việc tăng trưởng tín dụng nhanh và kéo dài có thể gây rủi ro cho sự ổn định tài chính trong trung hạn.
Trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s cũng xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và trái phiếu không đảm bảo có ưu tiên cao (senior unsecured debt) của Việt Nam ở mức B1 và nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.
Moody’s cũng nâng mức trần đối với xếp hạng nợ và tiền gửi bằng đồng nội tệ của Việt Nam từ Ba1 lên Baa3. Trong khi đó, mức trần đối với xếp hạng nợ và tiền gửi bằng đồng ngoại tệ duy trì ở mức Ba2 và B2
Tổ chức này cũng dự báo, Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 6.3%/năm cho tới năm 2019 nhờ sự cải thiện không ngừng trong cơ sở hạ tầng, sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số trong độ tuổi lao động, và việc thúc đẩy cải cách để hỗ trợ FDI của Chính phủ. Về lạm phát, Moody's dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 5% trong năm 2017.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/fitch-ratings-nang-trien-vong-nen-kinh-te-viet-nam-len-muc-tich-cuc-63078.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.