Phí ATM: Hợp lý, hài hoà lợi ích

Dù áp dụng mức phí thế nào, cung cấp những dịch vụ gì thì mục tiêu hàng đầu của tất cả NH vẫn là mang lại tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM)... rồi mới đến tăng thu được từ dịch vụ.
Cạnh tranh quyết liệt ở bán lẻ
Lợi nhuận ngân hàng: Mảng phi tín dụng còn nhiều cơ hội
Tăng kết nối, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ NH

Thu phí ATM - chỉ cần gõ cụm từ này trong khung tìm kiếm của Google, không ít kết quả hiển thị tranh luận xoay quanh vấn đề này.

Mới đây, một số NHTM gửi kiến nghị lên NHNN về việc có lộ trình điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM nhằm bảo đảm bù đắp một phần chi phí cho các NH có đầu tư hệ thống ATM. Phản ứng tức thì của khách hàng là không thoải mái vì cho rằng hiện chủ thẻ gánh nhiều loại phí.

NH có cái lý của NH, khi tăng phí để bù đắp chi phí đầu tư hệ thống ATM. Nhưng đối với khách hàng, họ cho rằng NH có nhiều cách để cân đối chi phí như việc bán thêm các sản phẩm, dịch vụ... chứ không nhất thiết phải “đánh” vào dịch vụ ATM.

Phí ATM: Hợp lý, hài hoà lợi ích
Thu phí ATM phải đi cùng với đảm bảo chất lượng

Ngày 8/5 vừa qua, BIDV áp dụng biểu phí mới với dịch vụ NH điện tử. Cụ thể, phí chuyển khoản ngoài hệ thống dưới 10 triệu đồng tăng từ 6.600 đồng lên 7.000 đồng/giao dịch. Số tiền chuyển đến 500 triệu đồng có mức phí áp dụng tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/giao dịch. Không chỉ BIDV, Sacombank cũng vừa tăng phí internet banking với khách hàng cá nhân từ 33.000 đồng lên 44.000 đồng/quý. Phí chuyển tiền nhanh ngoài TPBank tăng từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/giao dịch cùng tỉnh/thành và 20.000 đồng/giao dịch khác tỉnh/thành. Dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn SMS Banking của TPBank cũng tăng từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng. Ở Eximbank, NH này áp mức phí này cho mỗi thuê bao là 50.000 đồng/quý...

Dịch vụ thẻ đã có từ lâu nhưng cách đây 5 năm, việc thu phí giao dịch ATM nội mạng (rút tiền, chuyển khoản) mới được một số NH bắt đầu áp dụng nhằm bù đắp phần nào chi phí đầu tư, duy trì dịch vụ. Thời điểm đó, NH cũng vấp phải sự phản đối của khách hàng. Và không ít người thay vì rút một lượng tiền vừa đủ để chi tiêu, đã quyết định rút tiền một lần để đỡ tốn phí. Nhưng tâm lý khách hàng là vậy, khi chưa quen, họ sẽ ngay lập tức có phản ứng, nhất là khi với những dịch vụ trước đây vốn miễn phí, nay lại thu phí.

Nhưng về phía NH, dù áp dụng mức phí thế nào, cung cấp những dịch vụ gì thì mục tiêu hàng đầu của tất cả NH vẫn là mang lại tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM)... rồi mới đến tăng thu được từ dịch vụ. Tất nhiên, kinh doanh thì cần có lãi, song lãnh đạo một NHTM lớn cho rằng với dịch vụ ATM nhiều NH vẫn đang cố gắng lấy thu bù chi, mà chưa thể tăng thu. Vì nếu chỉ tính riêng chi phí đầu tư, lắp đặt máy móc, vận hành, bảo trì, đảm bảo an ninh, bảo mật... thì NH đã phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ. Những chi phí này không được bù đắp thì thực sự rất khó khăn đối với NH.

Thêm nữa, nói ATM tận thu phí có phần không thoả đáng. Bởi khách hàng sử dụng thẻ ATM không phải cùng một lúc gánh quá nhiều loại phí, mà chỉ phải trả đối với những loại dịch vụ mà mình sử dụng. Đại diện Vụ Thanh toán cũng cho biết, hiện nay, quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa được căn cứ theo Thông tư số 35/2012/TT-NHNN. Trong quy định tại thông tư này, chỉ có 4 loại phí dịch vụ cơ bản: phí phát hành thẻ; phí thường niên; phí giao dịch ATM (vấn tin tài khoản, in sao kê, rút tiền mặt, chuyển khoản, giao dịch khác tại ATM); phí dịch vụ thẻ khác theo biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức phát hành thẻ.

Thực tế, thời gian qua cũng có một số NH đã tiết giảm thu phí. Đơn cử như BIDV miễn phí thường niên cho khách hàng sử dụng NH điện tử, TPBank, Sacombank cũng không thu phí ứng dụng eToken, Eximbank giảm phí chuyển tiền nhanh liên NH từ tài khoản sang tài khoản qua hệ thống Napas xuống còn 11.000 đồng, từ mức 22.000 đồng trước đó...

Trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Thẻ của một NHTM, vị này cho rằng: “Đúng là NH thu phí để bù đắp, thu hồi chi phí giao dịch. Nhưng phải nói thật là chỉ để cân đối phần nào chi phí bỏ ra, mục tiêu chính là hài hoà lợi ích giữa NH và khách hàng, khiến cho dịch vụ ATM được phát triển thực sự hiệu quả. Đối với tất cả NH, thu phí để nâng cao chất lượng, và ngược lại, có nâng cao chất lượng thì sẽ thu phí”.

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia tài chính chia sẻ, để đôi bên (NH - khách hàng) có sự thoải mái và công bằng thì phải tạo được môi trường cạnh tranh an toàn, lành mạnh. Bản thân mỗi NHTM đều có những chiến lược riêng, đối tượng khách hàng cụ thể nên phải có sự sắp xếp, căn chỉnh dựa trên quy định của NHNN, nhưng vẫn phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Và mục tiêu hàng đầu là đảm bảo chất lượng hoạt động của hệ thống ATM. “Khi chất lượng dịch vụ được nâng cao, thì cái phí phải trả cho việc hưởng dịch vụ đó không còn quá lăn tăn với khách hàng”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống ATM. Tình trạng gian lận thanh toán thẻ, tài khoản NH... thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, thủ đoạn của hacker cũng tinh vi hơn. Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, NHNN đã có nhiều văn bản yêu cầu các NHTM phải đáp ứng, tuân thủ về an toàn bảo mật giao dịch, thiết bị ATM... Và để đáp ứng được yêu cầu về an toàn giao dịch, các NH đã phải đầu tư một số lượng chi phí vốn không nhỏ trong đầu tư hạ tầng an ninh mạng, giải pháp an toàn bảo mật phục vụ cho quyền lợi của khách hàng, ông Sơn cho hay.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phi-atm-hop-ly-hai-hoa-loi-ich-63024.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.