Hướng nghề nuôi bò sữa đến dịch vụ du lịch
10:12 | 17/05/2017
Các chuyên gia môi trường đã cảnh báo về việc phát triển đàn bò sữa tự phát, chăn nuôi nhỏ lẻ đang làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe người dân. Chỉ một khi chăn nuôi tập trung theo quy mô và quy chuẩn thì nghề nuôi bò sữa mới thực sự mang lại hiệu quả cao và nâng cao chất lượng đời sống người dân thực sự.
![]() | Khủng hoảng ngành chăn nuôi Việt |
![]() | Mộc Châu phát triển chuỗi liên kết bò sữa |
Ở nhiều địa phương, việc chăn nuôi ồ ạt chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại nhiều khu vực hiện nay. Và hiện trạng này đang xảy ra ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
![]() |
Chị Hiền (thôn Trại Trì – xã Vĩnh Thịnh – huyện Vĩnh Tường) đang mong dự án sớm thực hiện để được đưa đàn bò ra khu chăn nuôi tập trung |
Có thể nói hơn mười năm qua, nghề chăn nuôi bò sữa đã làm thay đổi mạnh mẽ đời sống kinh tế của người dân trong huyện Vĩnh Tường, đặc biệt là người dân xã Vĩnh Thịnh - một xã tập trung tới 60 số hộ nuôi bò của cả huyện. Nuôi bò sữa tạo việc làm và cho thu nhập khá cao, người dân nơi đây không còn phải đi làm thuê ở các tỉnh khác.
Đây cũng là một nghề mới nằm trong mục tiêu tái cơ cấu, chuyển đổi ngành nghề nông thôn nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân của tỉnh Vĩnh Phúc, và cũng đã có những sự hỗ trợ nhất định như cho vay vốn lãi suất ưu đãi… Vì thế ngày càng có nhiều người nuôi bò sữa hơn.
Nhưng do ảnh hưởng của sự phát triển nóng, thiếu quy hoạch, việc chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ trong khu dân cư dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. Thế nên tuy kinh tế khá hơn, nhưng chất lượng cuộc sống người dân nơi nuôi bò phát triển đang giảm sút bởi môi trường ô nhiễm nặng nề.
Tính đơn giản hàng ngày, lượng phân và nước tiểu từ chăn nuôi bò sữa thải ra môi trường khoảng từ 35 tấn đến 40 tấn. Hầu hết các hộ gia đình chăn nuôi đều sử dụng hầm Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng do lượng chất thải từ bò sữa quá nhiều nên giải pháp này đã không còn khả thi nữa.
Chất thải từ nuôi bò làm ô nhiễm cả khu vực sinh sống, và đe dọa đến sức cạnh tranh cho sữa bò sản xuất. Đó cũng là lời cảnh báo: nghề nuôi bò sữa nơi đây đang đứng trước rủi ro cao, thiếu bền vững và không đủ sức cạnh tranh cao trên thị trường về năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để cho đời sống người dân xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường thực sự ngày một nâng cao về chất lượng, phải phát triển nghề nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên môn hóa và quy chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, bảo vệ môi trường, sức khỏe của người dân. Đó là định hướng của tỉnh Vĩnh Phúc.
Tỉnh xác định, để khai thác tiềm năng và hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, cần gắn kết với phát triển du lịch sinh thái, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp - du lịch - dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững và hiệu quả là một trong những chủ trương lớn và hết sức đúng đắn của Vĩnh Phúc, đặc biệt là chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng du lịch, dịch vụ.
Và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Và ra Quyết định số 2370/QĐ-UBND ngày 19/7/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường.
Để đưa đàn bò sữa ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm và tăng quy mô đàn bò tại địa phương, UBND huyện Vĩnh Tường đã hoàn thành xây dựng dự án “Thí điểm đưa chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường, giai đoạn 2017-2020”, nhằm tìm ra mô hình, giải pháp cụ thể phát triển đàn bò sữa theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường.
Theo ông Trần Việt Cường, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, đề án sẽ tập trung theo hướng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.
Theo đề án, tại xã Vĩnh Thịnh sẽ có 3 khu trang trại tập trung, cách khu dân cư tối đa chỉ 300 mét, quy mô mỗi khu có thể nuôi 5.000 con bò, với hệ thống chuồng trại, chăm sóc y tế đảm bảo… Hơn nữa, với quỹ đất trồng cỏ của xã, sẽ đủ cỏ cho số lượng bò gấp 3 lần hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Triển, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh cho biết, xã Vĩnh Thịnh có 633 héc ta đất nông nghiệp. Trong đó đất trồng lúa là 183 héc ta, đất trồng cỏ nuôi bò 195 héc ta, đất trồng ngô 85 héc ta, đất trồng chuối 25 héc ta và đất nuôi trồng thủy sản là 80 héc ta. Nếu tăng quy mô đàn bò sữa, địa phương sẽ tìm cách hoán đổi diện tích đất trồng lúa, trồng ngô sang trồng cỏ nuôi bò.
Những cánh đồng cỏ nuôi bò và những khu nuôi bò tập trung sẽ được xây dựng quy chuẩn theo tiêu chí “Xanh”, và sẽ trở thành những điểm du lịch vừa hút khách du lịch vừa là nơi quảng bá cho sản phẩm của làng.
Theo ông Cường, Vĩnh Tường muốn tăng quy mô đàn bò sữa tại xã Vĩnh Thịnh nhưng sẽ là bất khả thi nếu việc chăn nuôi bò sữa tại xã Vĩnh Thịnh cứ mãi tập trung tại hộ gia đình và nuôi trong khu dân cư như hiện nay.
Để thực hiện dự án, huyện sẽ hỗ trợ các hộ chăn nuôi trong ba năm, cấp kinh phí để địa phương tổ chức đưa hộ chăn nuôi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình nuôi bò sữa tập trung lớn, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại tại một số tỉnh, thành phố trong nước...
Dự án được triển khai sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống của nhân dân Vĩnh Thịnh, đồng thời phát triển đàn bò sữa tốt hơn, rộng hơn, tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân.
Minh Nhân